Cây có múi "bén rễ" trên vùng đất rẫy

03:11, 09/11/2016

Là xã điểm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Bình Tân với hướng "dựa" vào cây có múi, tuy "bén rễ" chưa lâu nhưng giờ đây, khi đến thăm các nhà vườn ở Tân An Thạnh đã thấy những mảng xanh cam, quýt khá trù phú, hứa hẹn cơ cấu giống cây trồng mới sẽ càng đa dạng hơn, ngoài thế mạnh truyền thống của địa phương.

Là xã điểm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Bình Tân với hướng “dựa” vào cây có múi, tuy “bén rễ” chưa lâu nhưng giờ đây, khi đến thăm các nhà vườn ở Tân An Thạnh đã thấy những mảng xanh cam, quýt khá trù phú, hứa hẹn cơ cấu giống cây trồng mới sẽ càng đa dạng hơn, ngoài thế mạnh truyền thống của địa phương.

Để “dự phòng”, nhà vườn trồng xen quýt với bưởi Năm Roi.
Để “dự phòng”, nhà vườn trồng xen quýt với bưởi Năm Roi.

Phong phú thêm cây trồng

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xã lên kế hoạch phân ra từng vùng, từng khu vực để sản xuất, canh tác ở các ấp. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân An Thạnh Đinh Phú Khải: “Với cây có múi, xã chọn ấp An Thành làm ấp điểm và ấp An Thạnh là ấp diện triển khai. Ấp An Thành được Trung tâm Giống (Sở Nông nghiệp- PTNT) và ngành huyện hỗ trợ 27,6ha trồng cam mật không hạt (mật độ trồng 40 gốc/công) và 1ha quýt đường.

Với cam xoàn, trồng khoảng 1,1ha giống do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ bà con”. Để đảm bảo tốt nhất cho việc trồng cây có múi, địa phương đã chuẩn bị sẵn các cống bộng, khép kín hệ thống thủy lợi ở 2 ấp này.

Theo đề án tái cơ cấu, tính riêng các cây cam mật không hạt, quýt đường, cam xoàn, xã đã có trên 30ha.

Ngoài số đó, bà con “tự chuyển đổi” cơ cấu cây trồng qua học hỏi lẫn nhau, đã có thêm 30ha, nâng tổng diện tích cây có múi ở xã trên dưới 60ha. Theo ông Đinh Phú Khải, trừ số ít vườn bà con trồng lẻ tẻ trước đó đã thu hoạch như cam xoàn, quýt, còn lại hầu hết xuống giống trong 1- 2 năm nay, số này đang xử lý ra hoa và đang giai đoạn phát triển.

Lý giải cây có múi lại bén rễ vùng đất vốn nằm trong vùng chuyên canh rẫy, ông Đinh Phú Khải cho rằng, do bà con nông dân mình tự mày mò học hỏi, rồi chính quyền nghiên cứu, định hướng để đưa vào thực tế, nhằm phong phú hóa các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập người dân.

Còn theo ông Quách Thanh Phúc- cán bộ phụ trách nông nghiệp- giao thông- thủy lợi của xã, tái cơ cấu một mặt do bà con mình tự nhận thức để cải tạo vườn tạp, già cỗi, kém hiệu quả. Còn lại địa phương mình coi ngó, chọn lọc cây con, định hướng cho bà con. Phải khả thi và thấy hiệu quả thì người dân mới đồng thuận cao.

Theo đó, ban đầu một số hộ dân trồng lẻ tẻ quýt đường, cam xoàn. Rồi thấy có hiệu quả bước đầu, nhiều hộ trồng theo. Khi diện tích mở rộng, xã hình thành câu lạc bộ giúp nhau trồng trọt và nay thì nâng thành “Tổ hợp tác Cây có múi số 1 ấp An Thạnh” với 30 tổ viên cùng tổng diện tích hơn 10ha.

Đây là nơi định kỳ hàng tháng tổ viên họp lệ trao đổi thông tin kỹ thuật trồng, phân thuốc và xử lý hoa trái, vụ mùa. Có vườn quýt đường xen bưởi Năm Roi vừa đến kỳ thu hoạch, ông Võ Văn On (ấp An Thành) nói kinh nghiệm: “Chung quy cam, quýt, bưởi gì thì trồng, chăm bón, xử lý cũng không khác nhau mấy. Cái chính là phải vừa đủ, đúng, trúng”.

Những tín hiệu khả quan

Ông Võ Thành Chiến- cán bộ phụ trách lĩnh vực xây dựng nông thôn mới- kể: Ông Đặng Văn Nguyên (ấp An Thạnh) vừa thu hoạch đợt cam xoàn khoảng 2 tấn, giá bán “sô” (cân ngang tại vườn) 29.000 đ/kg. Ông Nguyên là một trong các hộ trồng cam xoàn đầu tiên tại đây và hiện là tổ trưởng tổ hợp tác.

Nhà ông Võ Văn On vừa cắt bán cả tấn quýt và bưởi Năm Roi từ 3 công vườn. Theo ông, cam, quýt, bưởi khó khi nào rớt giá sâu. Quýt thấp gì cũng trên dưới 20.000 đ/kg, còn cao tầm 30.000 đ/kg tại vườn. Bưởi Năm Roi hiện giá tại vườn khoảng 23.000 đ/kg, khi lên cao tới 30.000 đ/kg.

Ông Võ Văn On kể, trước khi có huê lợi với quýt đường và bưởi Năm Roi, vườn nhà ông đã 2 lần thay bằng cây nhãn da bò và mận An Phước. Nhưng thị trường bão hòa nên giá rẻ.

Trong xã, hàng chục héc ta của nhiều nhà vườn ngoài tái cơ cấu đã “tự chuyển đổi” từ vườn tạp, vườn kém hiệu quả như ông. Như ông Võ Thành Chiến hiện tại cũng đã có 6 công đất trồng cam xoàn. Tự nhận “có chút kinh nghiệm” từ họ hàng ở vùng chuyên cây có múi ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) giáp xã nhà, ông Võ Văn On dự kiến “1- 2 năm tới sẽ xuống thêm 6 công quýt và cam xoàn”.

Ông nói: “Mình có chút kinh nghiệm nên có thể yên tâm. Trồng đạt hay không thì từ từ, mình không lo. Chỗ giá cả đầu ra có ổn định hay không và phân thuốc có chất lượng không mới là đáng lo của các nhà vườn”.

Hôm chúng tôi đến tìm hiểu về “cây có múi trên đất rẫy”, Chủ tịch UBND xã Tân An Thạnh Lê Quang Vinh vui vẻ cho biết: “Huyện thông báo trong tuần này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về làm việc với Huyện ủy và kế hoạch sẽ đi xuống xã khảo sát tình hình tái cơ cấu nông nghiệp, mà cụ thể là vùng trồng cam xoàn, cam mật không hạt tại xã”.

Việc cây có múi bén rễ trên vùng đất rẫy truyền thống, chỉ là mới khởi đầu nên chưa thể vội đánh giá hết kết quả.

Tuy nhiên, cán bộ nông nghiệp và nông dân trồng cây có múi ở đây cùng có chung suy nghĩ: cam xoàn, quýt đường, cam mật không hạt thì đều phải đổ công cán vào nhiều, vốn liếng lớn, nhưng nếu mạnh dạn đầu tư kinh phí cũng như chắc tay về kỹ thuật, dự báo tốt thời vụ và thị trường, thì sẽ mang lại hiệu quả cao. Hy vọng, các loại cây “phi truyền thống” có giá trị kinh tế cao này sẽ góp phần nâng cao giá trị cho vùng đất rẫy Bình Tân.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh