TP Vĩnh Long vừa tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (giai đoạn 2014- 2016). Qua đó, nhiều vấn đề khó khăn trong thực hiện đề án khiến cho kết quả chưa đạt như mong đợi…
TP Vĩnh Long vừa tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (giai đoạn 2014- 2016). Qua đó, nhiều vấn đề khó khăn trong thực hiện đề án khiến cho kết quả chưa đạt như mong đợi…
Ông Lê Văn Thái chăm sóc vườn dừa dứa trăm triệu đang cho trái. |
Sản xuất nhỏ lẻ, chưa liên kết
Đó là một trong những nguyên nhân mà Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long rút ra khi kết quả thực hiện đề án trong 3 năm qua vẫn chưa đạt như yêu cầu. Ngoài ra, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa được chủ động, cây con giống chưa đảm bảo số và chất lượng,… cũng là những nguyên nhân khác ảnh hưởng nhiều đến kết quả chung của đề án.
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế, nhìn chung, giai đoạn 2014- 2016, giá trị kinh tế của ngành nông nghiệp- thủy sản thành phố không đạt chỉ tiêu đề ra. Ước tính giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp và thủy sản năm 2016 đạt 398 tỷ đồng (trong đó, nông nghiệp đạt 264 tỷ đồng), tăng 0,13% so năm 2015. Tuy nhiên, giá trị sản xuất giai đoạn 2014- 2016 lại giảm 5,23% (trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp giảm 2,39%)...
Theo Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long Nguyễn Trung Kiên, đề án chưa đạt mục tiêu đề ra do mô hình thực hiện còn quá nhỏ lẻ, đầu tư còn dàn trải. Trong khi đó, công tác tuyên truyền còn yếu và chưa xây dựng được mô hình sản xuất rõ nét nên chưa tập trung, chưa nhân rộng,… Do đó, thời gian tới cần nhiều giải pháp để thực hiện tốt mục tiêu của đề án đưa ra.
Hiện nay, trên địa bàn TP Vĩnh Long, một số địa phương cũng đã dần chuyển đổi mô hình sản xuất, chủ yếu là chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu theo hình thức 1 vụ màu- 2 vụ lúa. Tuy nhiên, cũng có một số địa phương vẫn còn chậm trong thực hiện tái cơ cấu ngành
nông nghiệp.
Đánh giá tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Hòa- Châu Minh Tuấn cho biết, người dân chậm chuyển đổi do đã quen với phương thức sản xuất cũ. Tuy cũng có một số hiệu quả nhất định nhưng nhìn chung, diện tích tham gia chuyển đổi vẫn còn rất ít, chưa tương xứng với tiềm năng.
Cũng theo ông Châu Minh Tuấn, hiện nay xã Tân Hòa cũng đang gặp khó khi thực hiện đề án do thành phố chưa có quy hoạch cụ thể “vùng nào trồng gì” và chưa có mô hình nào lớn rõ nét để hỗ trợ cho địa phương. Từ đó, chưa thể đánh giá hiệu quả của mô hình sản xuất, đầu vào con giống, đầu ra sản phẩm, khoa học kỹ thuật,… cũng không thể nhân rộng trong dân.
Từ mô hình, nông dân bàn chuyện nhân rộng
Tuy còn chậm chuyển đổi trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nhưng xã Tân Hòa cũng có một số mô hình hay, đạt hiệu quả kinh tế rất cao từ chính những nông dân. Theo Bí thư Đảng ủy xã Châu Minh Tuấn, hiện nay xã có một số mô hình như: dừa dứa, nhãn Ido, cam sành, cam xoàn,… cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Chúng tôi tìm đến vườn dừa dứa rộng 1,2ha của ông Lê Văn Thái (ấp Tân Phú, xã Tân Hòa) thì không khỏi ngỡ ngàng với cách canh tác “không cho đất ở không” của ông. Trong vườn, ông Thái trồng 500 gốc dừa dứa, xen ở phía dưới là bưởi da xanh, cam xoàn, cam sành ưa bóng mát, thậm chí là ông tận dụng cả gốc dừa để trồng… tiêu xanh.
Ông Thái cho biết suốt ngày cứ quanh quẩn trong vườn: “Con trai tôi tối ngày lo chặt dừa bán cũng… không kịp, do nhu cầu thị trường cao”. Ông cũng đã thuê 6 công đất cạnh bên để trồng thêm ổi Đài Loan và xen canh cam.
Thu nhập hàng tháng cũng vài chục triệu đồng. “Mình là nông dân thì bám đất, bám ruộng để sống. Tuy nhiên, cũng cần có tư duy để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả. Vườn tôi là một mô hình được nhiều nông dân ở trong và ngoài địa phương đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm”- ông Thái chia sẻ.
Sau 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, TP Vĩnh Long vẫn còn nhiều khó khăn.Ảnh minh họa |
Không chỉ có mô hình trăm triệu của ông Thái, xã Tân Hòa còn có mô hình cam xoàn thu nhập 100- 120 triệu đồng/ha/năm; mô hình nhãn Ido cho thu nhập 200- 600 triệu đồng/ha/năm… Ông Tuấn cho biết, việc nhân rộng và liên kết sản xuất để phục vụ trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương trong thời gian tới đã được địa phương tính toán thực hiện.
Theo đó, hiện các mô hình đạt hiệu quả cao đều do người dân tự phát triển, mà để phát triển hơn nữa phải để cho người dân liên kết với nhau, sản xuất tốt hơn, đầu tư cũng có hiệu quả hơn.
“Ngoài việc đợi hỗ trợ để thực hiện đề án, địa phương cũng đã vận dụng tình hình thực tế trong 3 năm qua chưa đạt hiệu quả để rút kinh nghiệm.
Thời gian tới, sẽ giao cho các đoàn thể liên quan hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, liên hệ đầu ra sản phẩm, xây dựng mô hình chuẩn để nông dân nghiên cứu. Đó là việc chính quyền lo cho dân theo định hướng để phát triển cùng nông dân”- Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Hòa- Châu Minh Tuấn
nhấn mạnh.
Còn theo Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long Nguyễn Trung Kiên, thời gian tới sẽ tập trung tuyên truyền mạnh mẽ đến người dân về đề án, cần phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng thu hẹp cây lúa và chăn nuôi, thực hiện đột phá ở 4 xã về cây, con, kiểng.
Đồng thời chú ý thành lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình tập trung có trọng điểm để đánh giá hiệu quả, nhân rộng mô hình…
|
Theo đề án, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 3%/năm; cơ cấu nông- lâm nghiệp và thủy sản lần lượt là 73,94%- 0,43%- 25,63%; giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên một đơn vị diện tích đạt 290 triệu đồng/ha/năm… |
Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin