Phòng bệnh tiêu chảy cấp cho heo con

09:10, 11/10/2016

Tôi thường xuyên nuôi heo nái bán giống. Tuy nhiên, nhiều đợt chịu lỗ vì heo con sinh ra bị tiêu chảy chết nhiều. Xin hỏi cách phòng trị bệnh?

Tôi thường xuyên nuôi heo nái bán giống. Tuy nhiên, nhiều đợt chịu lỗ vì heo con sinh ra bị tiêu chảy chết nhiều. Xin hỏi cách phòng trị bệnh?

Phạm Văn Minh

(Tam Bình)

Anh Minh mến, dịch bệnh tiêu chảy cấp tính trên heo- PED (Porcine Epidemic Diarroea) do Coronavirus gây ra. PED lây lan và phát dịch nhanh chóng, gây tỷ lệ chết cao (đặc biệt là heo con theo mẹ). Heo từ 0- 5 ngày tuổi mắc bệnh tỷ lệ chết 100%, trên 7 ngày tuổi tỷ lệ chết 30- 50%.

Bệnh thường xảy ra với heo nuôi ở chuồng trại ẩm ướt, lạnh, bẩn, heo con chưa được tiêm sắt, heo mẹ chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Bệnh lây trực tiếp từ heo bệnh sang heo khỏe (qua phân, dịch tiết…) và gián tiếp qua phương tiện vận chuyển, thức ăn, nước uống nhiễm mầm bệnh. Heo con bú ít hoặc bỏ bú, tiêu chảy cấp, phân lỏng, tanh (màu trắng đục hoặc vàng nhạt, dính bết ở hậu môn)...

Để phòng bệnh, cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin (bao gồm vắc xin PED) cho heo mẹ, tiêm sắt cho heo con; giữ chuồng ấm, khô, sạch; cho uống nước muối sinh lý, lactat… để chống mất nước; giảm nhu động ruột bằng nước lá ổi, trà bắc và vài lát gừng; bổ sung men tiêu hóa; cho thuốc chống cầu trùng Anticoc, Baycoc... hoặc thuốc kháng khuẩn đường ruột (Sulfamethoxazole, Trimethoprim...).

Đồng thời, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Nuôi riêng heo mới và heo sắp bán; thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng nuôi, môi trường xung quanh; khơi thông cống rãnh, quản lý tốt chất thải chăn nuôi; không nuôi nhiều loài gia súc, gia cầm chung hoặc heo nái nuôi con cùng chuồng heo các lứa tuổi; cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho heo mẹ trong thời gian mang thai…

Chúc đàn heo của anh khỏe mạnh, cho lợi nhuận cao. Mến chào anh!

BẠN NHÀ NÔNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh