Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đánh giá Việt Nam là quốc gia đứng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống năm 2014.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đánh giá Việt Nam là quốc gia đứng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống năm 2014.
Thông tin trên được Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) đưa ra tại Hội thảo quốc gia về ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội diễn ra tại Hà Nội vào ngày 13/10.
Theo ông Tuấn, trong giai đoạn 2011-2016, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đạt được nhiều kết quả, đặc biệt là trong chọn tạo giống cây trồng đột biến…
Hiện, việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong nông nghiệp mới được triển khai 4 trong tổng số 6 lĩnh vực là chọn tạo giống cây trồng; nông hóa, thổ nhưỡng; bảo vệ thực vật; bảo quản và chế biến. Hai lĩnh lĩnh vực còn lại là chăn nuôi, thú y và nuôi trồng thủy sản chưa có những hoạt động cụ thể.
Ông Tuấn cũng cho hay, trong lĩnh vực chọn tạo giống đột biến đã có bước cải tiến đáng kể bằng việc tạo ra và đưa vào sản xuất 61 giống (tính đến 2015), gồm 41 giống lúa, 9 giống đậu tương và một số giống hoa, ngô, táo, lạc…
“Theo đánh giá của IAEA năm 2014, Việt Nam đứng thứ 8 trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống, Viện Di truyền nông nghiệp và giáo sư, tiến sĩ Trần duy Quý được trao Giải thưởng thành tựu xuất sắc về đột biến tạo giống; hai giải thưởng về thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống cho tập thể Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam và Trung tâm hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh; 2 cá nhân của Sở Nông nghiệp và Nông thôn Sóc Trăng,” ông Tuấn cho biết.
Ngoài ra, ở các lĩnh vực khác như y tế, công nghiệp, tài nguyên và môi trường… cũng ghi nhận nhiều thành tựu đáng kể.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết dù ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ có nhiều tiềm năng triển vọng nhưng sự đầu tư của các bộ, ngành còn chưa tương xứng. Có những lúc, những nơi chưa được quan tâm đúng mức, đội ngũ cán bộ đông đảo nhưng có nguy cơ thiếu hụt chuyên gia… Đặc biệt, cơ chế xã hội hóa được áp dụng trong lĩnh vực y tế, công nghiệp… song cần các giải pháp để phát huy hiệu quả.
Lãnh đạo Cục Năng lượng nguyên tử cũng cho biết để giải quyết vấn đề trên, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân; đào tạo phát triển nguồn nhân lực và hợp tác trong nước và quốc tế.
Theo YÊN THỦY (VIETNAM+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin