Dù không phải là loại bệnh hiếm gặp vào mùa mưa thế nhưng hiện nay nhiều diện tích trồng hành tại xã Tân Bình (huyện Bình Tân) đang bị nhiễm bệnh đỏ lá, thúi gốc dẫn đến chết bụi hàng loạt. Nhiều hộ dân trồng hành không khỏi lo lắng cho mùa vụ thất thu.
Dù không phải là loại bệnh hiếm gặp vào mùa mưa thế nhưng hiện nay nhiều diện tích trồng hành tại xã Tân Bình (huyện Bình Tân) đang bị nhiễm bệnh đỏ lá, thúi gốc dẫn đến chết bụi hàng loạt. Nhiều hộ dân trồng hành không khỏi lo lắng cho mùa vụ thất thu.
Cánh đồng hành của HTX Rau củ quả Tân Bình (ấp Tân Thới) thiệt hại nặng nhất. |
Hành bị thất thu
Theo nhiều nông dân trồng hành trên địa bàn xã Tân Bình cho biết khoảng 5 tháng nay, cây hành ban đầu vẫn sinh trưởng tốt, thế nhưng gần đến thời gian thu hoạch khi gặp mưa cây hành dập lá, rồi xuất hiện các đốm đỏ.
Sau đó, chuyển sang màu vàng nhạt ở phần chóp lá rồi lan dần xuống dưới gốc lá làm cho lá trở nên héo và khô.
Ông Nguyễn Cao Miên- Giám đốc HTX Rau củ quả Tân Bình buồn bả với ruộng hành đang chết dần. |
Bệnh xuất hiện đều trên các lá khác khiến cả bụi hành trở nên vàng, các chóp lá bị hư. Bệnh nhẹ, cây hành phát triển kém, giảm năng suất, bệnh nặng chết hàng loạt nếu không được điều trị kịp thời.
Xã Tân Bình hiện có 160ha diện tích đất nông nghiệp trồng hành lá. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành nông nghiệp xã đã có 82ha hành lá bị nhiễm bệnh, trong đó, 45ha diện tích thất thu hoàn toàn, số còn lại đang được phun thuốc điều trị.
Anh Nguyễn Ngọc Thạnh (ấp Tân Thới) vừa bó những lọn hành “mót” xấu xí,vừa buồn bả nói: “Tôi trồng được 4 công hành, mùa này thất dữ lắm, thu hoạch được vậy là may rồi. Kiếm lại được đồng vốn nào đỡ đồng ấy”.
Các đốm đỏ này xuất hiện và lan sang các lá khác trong bụi. |
Chị Nguyễn Thị Loan ngụ cùng ấp đang lặt hành, tiếp lời: “Hồi trước, thương lái đến mua tại ruộng. Giờ thì phải đi “mót” rồi lặt bỏ lá hư, rồi bó. Đã vậy phải vừa bán sỉ ở sạp chợ, vừa bán hàng “la” chứ hành xấu vậy lái đâu chịu”.
Theo ông Nguyễn Cao Miên- Giám đốc HTX Rau củ quả Tân Bình, hiện giá hành vẫn giữ ở mức cao giao động từ 8.000- 10.000 đ/kg, song nông dân lại không có hành để bán vì chết, hoặc bán với giá thấp hơn vì hành “xấu mã”.
“Theo như bình thường, 2 tháng là hành tới tuổi thu hoạch, mỗi công đạt năng xuất khoảng 2 tấn, bán giá như trên sau khi bỏ hết chi phí cũng lời được 6- 7 triệu đồng.
Còn bây giờ, có công không thu hoạch được gì, còn cố gắng “o bế” thuốc thêm 1 tháng thì họa may còn gỡ gạt tiền vốn 2 triệu- 3 triệu/công”- ông Miên ngao ngán kể.
Cần luân canh để phòng ngừa bệnh
Người dân đang phun thuốc cố cứu đám hành đang dần đỏ. |
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, bệnh đỏ lá trên hành không phải chỉ mới xuất hiện thời gian gần đây, mà năm nào “trồng hành vào mùa mưa độ từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch là bị bệnh liền”.
Vậy tại sao người dân không rút kinh nghiệm mà tránh? Qua tìm hiểu chúng tôi mới biết “Đâu trồng gì mà có giá cao và lời như hành”.
Rõ ràng, dù biết trước tình trạng bệnh sẽ diễn biến phức tạp vào đúng thời gian trên, song nhiều người “dân xứ hành” vẫn trồng vì “mọi năm bệnh cũng đâu đến nỗi như năm nay”.
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, các chuyên gia vẫn khuyến cáo bà con nên trồng luân canh hành với các loại rau màu khác như: ớt, cải, dưa leo,… để phòng trừ bệnh; Khử đất trước khi trồng bằng thuốc gốc đồng hoặc vôi bột hoặc formol 5%; Lên liếp cao, thoát nước tốt; Bón lót phân chuồng hoại mục cũng hạn chế được bệnh; Phun thuốc đúng kỹ thuật khi thấy bệnh gây hại. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp Bình Tân đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo hướng dẫn bà con các kỹ thuật chăm sóc cây hành bị nhiễm bệnh.
Nằm trơ trọi trong ruộng hành ấp Tân Thới, khoảng 1 công dưa leo của anh Lý Văn Hoàng đang vào vụ thu hoạch rộ, do biết luân canh cây dưa leo nên ruộng dưa leo của anh thu “bộn” tiền, anh cho biết:
“Vụ rồi tôi trồng hành chết hết không thu được đồng nào, nay tôi luân canh trồng dưa leo thấy phấn khởi, vụ dưa leo này thu hoạch khoảng 3 tấn. Lái mua tại ruộng mỗi ký dưa leo là 5.000đ trừ chi phí tôi cũng còn lời 3.000đ mỗi ký”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng- Công chức nông nghiệp xã Tân Bình khuyến cáo: “Bà con nên luân canh các loại rau màu khác để giảm mầm bệnh theo mùa, không nên trồng độc canh cây hành.
Đối với những diện tích hành đã chết bà con cần thu dọn kỹ, tiêu hủy tàn dư, làm sạch đất tiêu diệt mầm bệnh. Còn những diện tích mới phát bệnh nên chăm sóc kịp thời tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật đã được chuyển giao”.
Bài, ảnh: TẤN TÂN- NGỌC LIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin