Cây cam sành bén rễ đất Hiếu Nghĩa

05:10, 19/10/2016

Tổng diện tích cam sành trên đất ruộng ở xã Hiếu Nghĩa (Vũng Liêm) hiện có hơn 371ha, chiếm nhiều nhất trong tổng số 502ha trồng cam sành tại 9 xã có cây cam sành trên đất ruộng tại huyện. 

Tổng diện tích cam sành trên đất ruộng ở xã Hiếu Nghĩa (Vũng Liêm) hiện có hơn 371ha, chiếm nhiều nhất trong tổng số 502ha trồng cam sành tại 9 xã có cây cam sành trên đất ruộng tại huyện. Chỉ sau 1- 2 năm, diện tích cây cam sành ở Hiếu Nghĩa đã tăng gần gấp đôi. Cây cam sành đang là chuyện “thời sự” ở đất này.

Cây cam sành phát triển ổn định trên vùng đất Hiếu Nghĩa. Ảnh: THANH BÌNH
Cây cam sành phát triển ổn định trên vùng đất Hiếu Nghĩa. Ảnh: THANH BÌNH

Một năm cây cam tăng gấp đôi diện tích

Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu Nghĩa Phan Văn Sơn cho biết, cam sành hiện được trồng trên đất ruộng có ở hầu hết các ấp.

Trong đó, chiếm đại đa số ở 3 ấp: Hiếu Trung, Hiếu Trung A, Hiếu Văn với vùng trồng đã được xã quy hoạch khoảng 250ha.

Ban đầu chỉ có vài hộ trồng cam sành, thấy hiệu quả kinh tế khá cao nên “lan” ra nhiều hộ khác. Nếu như năm 2015 cả xã chỉ có hơn 180ha cam sành thì đến giờ này đã có hơn 371ha, tăng gần gấp đôi diện tích.

Nhiều diện tích lúa đã được lên liếp trồng mới cam sành ở Hiếu Nghĩa.
Nhiều diện tích lúa đã được lên liếp trồng mới cam sành ở Hiếu Nghĩa.

Cam sành trên đất lúa ở các ấp Hiếu Văn, Hiếu Trung gần như chiếm toàn bộ diện tích đất nông nghiệp tại địa bàn.

Trưởng ấp Hiếu Trung Lương Thái Bình cho biết, ấp có gần 79ha đất nông nghiệp thì đã có hơn 75ha trồng cây cam sành. “Chỉ 3 năm lại đây, cây cam sành phát mạnh ở vùng này như vậy”- ông nói.

Chính quyền địa phương và nhiều người dân cho rằng cây cam sành trên đất Hiếu Nghĩa trong khoảng 3 năm qua phát triển “nóng”.

Và giải thích một số nguyên nhân: thổ nhưỡng đất đai phù hợp cây cam, lợi nhuận rất cao (hơn chục lần so cây lúa), đời sống kinh tế tăng lên từ cây cam sành, giải quyết hầu hết mọi việc làm cho lao động nông thôn.

Ông Võ Văn Đựng (ấp Hiếu Trung) đã trồng 1,6ha cam, trong đó có số đang cho “lứa” thuận, khoảng nắng lại là xuất bán, còn số trái cỡ “ngón chân cái” khoảng tháng 3- 4 âl năm sau vô vụ nghịch.

Con trai ông Đựng cũng trồng hơn 7 công cam đang trong các lứa. Trong 75ha trồng cam sành ở ấp Hiếu Trung, hiện khoảng 30ha đang được thu hoạch, khoảng 15ha trồng mới, số còn lại đang làm trái cho vụ sang năm.

Trưởng ấp- Lương Thái Bình kể: 2 năm trước, với 2,3 công tầm cấy cam sành mà lần đầu tiên anh trồng, đến vụ chính (vụ thứ 2) anh bán được 290 triệu đồng.

Sau khi trừ chi phí phân thuốc công cán hết 140 triệu đồng, anh còn lời 150 triệu đồng.

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từ những hộ gia đình ban đầu xuống cây cam sành trên đất lúa có hiệu quả kinh tế cao, xã Hiếu Nghĩa đã hướng loại cây này vào tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Ông Phan Văn Sơn cho hay, sắp tới có thể quy hoạch vùng cam tương tự ở các ấp Hiếu Hạnh, Hiếu Thảo, Hiếu Ân với khoảng 200ha.

Làm nông phải kiếm cây này con kia để sống

Ông Võ Văn Đựng, anh Lương Thái Bình và nhiều nông dân ở đây nói vốn liếng, công cán với cây cam sành rất lớn. Mỗi công đất trồng cam ban đầu phải đổ vô 45-50 triệu đồng.

“Làm nông dân, tui thấy mình phải kiếm này kiếm kia để sống chứ làm lúa không thì thua”- ông Đựng nói, và “thấy có cái ăn thì chạy theo tới, được thì chạy tới hoài hoài”. Đó cũng là cách lý giải vì sao diện tích cam sành “rộ” lên ở đất Hiếu Nghĩa hiện giờ.

Trưởng ấp Hiếu Trung Lương Thái Bình dẫn phóng viên đi thực tế tại ruộng cam ngút ngàn trong ấp. Ảnh: MINH THÁI
Trưởng ấp Hiếu Trung Lương Thái Bình dẫn phóng viên đi thực tế tại ruộng cam ngút ngàn trong ấp. Ảnh: MINH THÁI

Theo Phó Chủ tịch xã Phan Văn Sơn, ở đây giờ nhà ít đất hoặc không có điều kiện trồng cây cam sành, qua vận động của đoàn hội, người dân để các hộ trồng cam xung quanh thuê luôn.

Đã hình thành các tổ hợp tác sản xuất trồng cam sành, tổ lao động mùa vụ xoay theo cây cam. Nói như ông Bình ở ấp Hiếu Trung “muốn mần gì với cây cam cũng có việc, chỉ sợ không mần thôi”.

Song, bên cạnh hiệu quả tích cực về thu nhập, đời sống kinh tế phát triển từ cây cam đem lại, cũng xuất hiện không ít e ngại hiện nay và về sau.

Đó là tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều có thể gây ảnh hưởng môi trường; hạn mặn như đầu năm ngoái, thì không biết năm nay có diễn biến bất thường hay không...

Ông Phan Văn Sơn cho biết là chính quyền, các hội đoàn thể luôn quan tâm vận động bà con đảm bảo vệ sinh môi trường trong sản xuất, chính quyền thì đảm bảo công tác thủy lợi kinh mương, kiểm soát hạn mặn từ đầu vào...

Theo đà phát triển nhanh như hiện nay, dự báo vài năm tới cây cam sành sẽ phủ kín diện tích một số ấp. Nếu thuận lợi về thời tiết, giá cả thì đây là cây trồng cho lợi nhuận kinh tế cao.

Tuy nhiên, nó đòi hỏi sự đầu tư trong 2 năm đầu là rất lớn, nên cũng tiềm ẩn rủi ro cao đối với những hộ trồng mới.

Đó là những vấn đề cần đặc biệt quan tâm, để phát triển cây cam sành trên vùng đất mới một cách có kiểm soát, ngoài ra là vấn đề kỹ thuật canh tác cần quan tâm đến bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn đất nông nghiệp sạch, bởi thói quen sử dụng phân thuốc ào ạt đối với những ruộng cam.

Cây cam sành ở Hiếu Nghĩa đi sau những vùng quê mà cách đây chưa lâu cũng ồ ạt bén rễ như ở Vĩnh Xuân, Thuận Thới, Hựu Thành (Trà Ôn) và tới giờ đang phát triển ổn định.

Làm nông nghiệp trong bối cảnh còn chưa thật sự bền vững thì có thể hiểu cách nói “thấy có cái ăn thì chạy theo tới, được thì chạy tới hoài hoài” là sự thật.

Nhưng vẫn cần các mối quan tâm về môi trường, nguồn giống, thị trường, giá cả đầu ra với cây cam có ổn định hay không…

Vì vậy, bên cạnh sự đầu tư sản xuất của người dân và quy hoạch vùng của địa phương, thì cũng rất cần các cuộc hội thảo, tập huấn kỹ thuật của ngành chuyên môn.

Nhằm giúp cho nông dân nơi đây vừa có thu nhập cao từ cây cam sành, vừa bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp cũng như môi trường sống hài hòa, bền vững. Để nói như ông trưởng ấp “nếu được thì năm ba năm nữa đất ở đây giáp cam sành hết”.

Theo chính quyền xã Hiếu Nghĩa, thuận lợi là cây cam sành xuống ở đâu ở vùng đất này là tốt ở đó, nhất là ở vùng đất Hiếu Văn. Canh tác bây giờ “được hỗ trợ đến tận răng” từ phân, thuốc, nước,... do người nông dân, nhà cung cấp vật tư nông nghiệp với đội ngũ kỹ sư đi đến tận ruộng, rồi do cách học hỏi chọn lọc giữa người đi sau với người đi trước, mà đã tạo nên các ruộng cam mướt mắt và giá trị kinh tế cao trong đôi ba năm trở lại đây ở xã Hiếu Nghĩa.

Bài, ảnh: Minh Thái

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh