Kỳ cuối: Không nên trồng "cam rau"

07:08, 10/08/2016

Nông dân nói trồng cam sành hiện rất hiệu quả, trong khi nhà quản lý nói sẽ gây nhiều hệ lụy. Cam sành hiện là "cây nhà giàu" và nông dân quyết "chinh phục" cây này để làm giàu. Vậy, giải pháp nào để cây cam sành phát triển bền vững?

Nông dân nói trồng cam sành hiện rất hiệu quả, trong khi nhà quản lý nói sẽ gây nhiều hệ lụy. Cam sành hiện là “cây nhà giàu” và nông dân quyết “chinh phục” cây này để làm giàu. Vậy, giải pháp nào để cây cam sành phát triển bền vững?

Lo ngại phát triển nhanh, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng môi trường.
Lo ngại phát triển nhanh, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng môi trường.

Nông dân trồng “cam rau”

PGS-TS. Trần Văn Hâu- ĐH Cần Thơ cho biết đã đi tìm hiểu rất nhiều vườn cam sành ở Vĩnh Long, phần lớn nông dân trồng cam kiểu “trồng rau” hay “trồng rẫy”.

Phổ biến hình thức trồng này là những người đi thuê đất trồng, họ thiết kế sơ sài, đắp “mô thúng” để giảm chi phí, sử dụng cây giống trôi nổi giá rẻ, làm sao mức đầu tư thấp nhưng lợi nhuận sớm nhất.

“Chúng tôi nói vui là họ sạ cam chứ không phải trồng, bởi 1ha họ trồng tới 4.000- 5.000 cây. Trồng kiểu này muốn ăn lâu dài cũng không được, còn thực tế cam sành họ trồng dày mà tốt là nhờ phân, thuốc hóa học chứ không phải do áp dụng kỹ thuật sản xuất”.

PGS-TS. Trần Văn Hâu cũng thừa nhận, cam sành có thu nhập rất cao nên được nhiều nhà vườn mở rộng diện tích. Tuy nhiên, thực tế không ít hộ thua lỗ nặng nề, thậm chí không có cam thu hoạch. Có 4 nguyên nhân chủ yếu, sử dụng giống trôi nổi, mang mầm bệnh; trồng dày không tạo tán; thiết kế mô, vườn không hợp lý và ít sử dụng phân hữu cơ.

“Kết quả phân tích cách đây khoảng 20 năm của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam đã khẳng định 85% giống trôi nổi nhiễm vi rút. Tuy nhiên, hiện hình thức mua giống trồng kiểu này khá phổ biến. Nhà vườn thường tới vườn nào thấy cây được được rồi ghép về trồng, họ nói hên- xui nhưng thực tế làm kiểu này theo tôi xui nhiều hơn hên.”- PGS-TS. Trần Văn Hâu nói.

Điều này thời gian qua cũng đang xảy ra khá phổ biến tại vùng cam sành ở Trà Ôn. Một lãnh đạo địa phương nói thật, khi thấy nhiều người chỉ chuyển 2 công ruộng trồng cam, sau vụ trái chiếng bỏ túi tới hàng trăm triệu đồng, thế là dân ồ ạt đổ xô trồng cam, tạo nên cơn sốt cây giống.

Lúc đó cứ thấy ghe cây giống cập bến là giành giật nhau mua mà không biết nguồn gốc từ đâu, dẫn đến khan hiếm giống nên “bình thường chỉ 4.000- 5.000 giờ lại đẩy lên 10.000 đ/cây nhưng có khi không đủ bán”. Vậy nên đã có không ít hộ “muốn khóc vì cam”, bởi trồng kiểu “mì ăn liền”.

Năm thứ 3 trở đi là bắt đầu phát bệnh, nhưng do đã ôm tiền triệu, tiền tỷ ngon ơ nên nhiều nông dân thay vì “biết dừng lại đúng lúc”, lại cứ mở rộng, cứ đeo bám, nên dần dần cũng bị “gỡ tay” lại hết, không ít trường hợp bóp bụng “xuống cam” chuyển sang trồng cây khác.

Hài hòa diện tích

Ông Lâm Minh Chánh- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT Tam Bình cho biết, hiện chi phí đầu tư trồng 1 công cam sành là không nhỏ, khoảng 20- 30 triệu đồng. Tuy nhiên, vì thấy lợi nhuận nhiều người đã nhảy vào đầu tư trồng “cam rau”, rất mạo hiểm.

Ông Nguyễn Văn Hải có 4 công trồng cam ở xã Bình Ninh ví “cam sành hiện giờ như gái nhà giàu”, bởi ngoài lợi nhuận cao thì có tiền mới trồng cam được. Năm 2012, ông Hải được hỗ trợ trồng cam theo Tổ chức JICA. Toàn bộ, phân, thuốc, giống kỹ thuật đều được hỗ trợ, song ông cho biết vẫn phải đầu tư gần 20 triệu đồng để lên liếp, thiết kế vườn.

Trước đây, Vũng Liêm được xem là “miền đất lạ” với cam sành nhưng chỉ sau hơn 4 năm toàn huyện hiện có 400ha. Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT thừa nhận hiện “nông dân thua cam sành chỉ đếm đầu ngón tay”, nhưng tương lai không nói trước. Vì vậy, ông đề nghị Sở Nông nghiệp- PTNT cần có giải pháp khống chế, ổn định diện tích.

Thực tế, chính lợi nhuận “khủng” mà “làm ruộng không thể mơ” đã khiến cho rất nhiều nông dân lao vào cam. Những triệu phú cam sành càng làm “nức lòng” nông dân. Vì thế, ngoài lo ngại đã nêu trên, cam sành còn làm nảy sinh nhiều vấn đề như: địa điểm trồng có nằm trong khu quy hoạch, khu vực khuyến cáo hay không và không ít hộ trồng bất chấp cả việc không rành về kỹ thuật.

Trong khi đó, theo các nhà khoa học, cây cam sành là cây đòi hỏi kỹ thuật và chăm sóc, đầu tư phân thuốc rất cao, nhất là muốn cho trái vụ nghịch. Mặt khác, bệnh vàng lá greening vẫn đang hoành hành chưa có thuốc đặc trị, còn bệnh vàng lá thối rễ tuy đã có thuốc trị rồi, nhưng nếu đầu tư không tốt thì hiệu quả cũng không cao.

PGS-TS. Trần Văn Hâu.
PGS-TS. Trần Văn Hâu.

Đó là chưa kể một lượng phân thuốc hóa học đổ vào ruộng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng môi trường. Vì vậy, việc nông dân tự phát đắp mô trồng cam, để rồi vài năm sau phải đốn bỏ là rất tốn kém chi phí về thời gian, công sức cho gia đình lẫn xã hội.

 

Do nông dân ùn ùn trồng cam nên dẫn đến việc mua giống trôi nổi, nguy cơ mang mầm bệnh rất cao.

Ths. Nguyễn Văn Liêm cũng cho rằng, kỹ thuật trồng cam của nông dân giờ rất tốt nên mặc dù bà con trồng dày nhưng đó là những tiến bộ sản xuất, không nên khư khư bắt nông dân trồng thưa, rồi bón phân cân đối như ngày xưa thì khoa học chưa sát thực tế.

Đừng nghe nói trồng dầy, xử lý ra trái sớm rồi đâm ra sợ là không đúng, mà cần có thêm đánh giá để tìm giải pháp quản lý tốt hơn.

Tuy vậy, dẫn trường hợp ở Hậu Giang sau thời gian phát triển cam sành lên đến 9.000ha, nhưng sau đó bệnh vàng lá tấn công phải công bố dịch, Ths. Nguyễn Văn Liêm cho rằng, ngành đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, người dân cũng có nhu cầu tăng thu nhập.

Vì vậy, đây là mô hình kinh tế hiệu quả cần phát huy, tuy nhiên cần phải dung hòa trong sản xuất, làm sao bền vững, đảm bảo sức khỏe kinh tế và môi trường. Với việc phát triển nhanh như hiện nay, Ths. Nguyễn Văn Liêm cho rằng: “Ngay bây giờ nếu không có động thái ngăn chặn thì 1- 2 năm nữa dịch bệnh lại bùng phát, gây tổn thất rất là lớn”.

PGS-TS. Trần Văn Hâu cũng cho rằng, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thì trồng cam trên đất lúa như hiện này là phù hợp. Tuy nhiên, cách trồng như thế nào để phát triển ổn định.

“Có thể chấp nhận trồng trên đất lúa nhưng cần khuyến khích chuyển đổi hình thức trồng cam rau bằng kiểu trồng cam vườn. Nghĩa là có sự đầu tư giống sạch bệnh, thiết kế vườn, đắp mô bài bản thì cam sành sẽ ăn bền hơn kiểu du canh hiện nay”- ông lưu ý.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh