Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, từ năm 2014, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long triển khai dự án "3 giảm, 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI" nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, từ năm 2014, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long triển khai dự án “3 giảm, 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI” nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa.
“3 giảm, 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI” là mô hình trồng lúa tiên tiến rất cần nhân rộng. Ảnh TL: VINH HIỂN |
Mục tiêu chung của dự án là nhằm giúp nông dân ý thức hơn nữa hiệu quả việc giảm chi phí đầu vào thông qua các giải pháp sử dụng giống lúa xác nhận; giảm lượng giống gieo sạ; giảm lượng phân bón (nhất là đạm); giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản
xuất lúa.
Ông Nguyễn Thành Khuynh (xã Tân An Luông- Vũng Liêm) cho biết, vụ Hè Thu 2015, ông thực hiện 0,9ha lúa OM 5451 theo mô hình sản xuất 3 giảm, 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI.
Với sự hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật và chịu khó học hỏi, kết quả năng suất thu được là 6,03 tấn lúa (tương đương 6,7 tấn/ha). Với giá bán 5.200 đ/kg, ông thu lời trên 16 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Phúc ở cùng ấp cho biết thêm, qua việc áp dụng 3 giảm, 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI, có thể điều tiết nước ngập- khô xen kẽ giữa vụ, kết hợp bón lót phân lân, phân hữu cơ sinh học trước khi cấy, so sánh với các vụ lúa trước đã giảm rất nhiều chi phí trong sản xuất và thu hoạch, lúa ít đổ ngã, tăng thêm lợi nhuận.
“Khi tham gia mô hình, trên 1ha lúa OM 5451, tôi đã giảm được 100kg lúa giống, 25kg phân đạm và 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật”- ông Phúc cho biết thêm.
Theo Trung tâm Khuyến nông, vụ Hè Thu năm 2015 mô hình thực hiện tại xã Tân An Luông, thu hút 160 hộ dân (80ha) tham gia.
Vụ Hè Thu 2016 là năm thứ 3 và cũng là năm cuối cùng thực hiện dự án. Xã Hiếu Phụng (Vũng Liêm) và Thiện Mỹ (Trà Ôn) được chọn thực hiện. Để quản lý và tổ chức hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long đã thành lập Ban Điều hành thực hiện.
Theo ông Trần Văn Sơn- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mặc dù thời gian đầu thực hiện gặp nhiều bất lợi như nắng nóng kéo dài, ốc bươu vàng tấn công ở một số ruộng không bằng phẳng…
Tuy nhiên, sau đó đã được khắc phục, lúa đẻ nhánh khỏe, thân cây mập, bộ rễ khỏe, lá cứng và cuối cùng cho bông tốt, năng suất cao. Hiện đã có nhiều hộ dân hưởng ứng làm theo.
Còn theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông, mô hình đã đem lại hiệu quả 3 mặt là kinh tế, khoa học và môi trường. Trong đó, về kinh tế là giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước…
Về khoa học là làm thay đổi về nhận thức và tập quán sản xuất của bà con nông dân. Mô hình cũng góp phần nâng cao độ phì nhiêu của đất, bảo vệ thiên địch, giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra sản phẩm lúa an toàn.
Sau thu hoạch nhiều nông dân cho biết, do được bón phân đúng theo quy trình canh tác, liều lượng phân cân đối nên theo nhiều nông dân lúa phát triển tốt.
Năng suất tăng 200 kg/ha lúa tươi, chất lượng sản phẩm đạt theo yêu cầu không có dư lượng, từ đó có thể cạnh tranh được với thị trường trong và ngoài nước, góp phần tăng lợi nhuận. Chi phí sản xuất trong dự án thấp hơn so với ngoài dự án, lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình khoảng 20%.
|
“3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất lúa tức là: giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất, tăng chất lượng lúa và tăng hiệu quả kinh tế. Ngoài góp phần giảm chi phí, nhất là trong thời kỳ giá cả giống lúa, vật tư tăng cao như hiện nay, dự án còn tạo cho bà con có thói quen ghi chép sổ tay, nông dân tự hạch toán chi phí sản xuất của mình. |
Bài, ảnh: HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin