Từ bỏ ghế hiệu trưởng một trường cao đẳng công lập, TS Vũ Văn Thoại theo đuổi ước mơ gây dựng nền nông nghiệp giá trị cao khỏi đầu từ loại cây đàn hương.
Từ bỏ ghế hiệu trưởng một trường cao đẳng công lập, TS Vũ Văn Thoại theo đuổi ước mơ gây dựng nền nông nghiệp giá trị cao khỏi đầu từ loại cây đàn hương.
TS. Vũ Văn Thoại chia sẻ từng có thời gian dạy học tại một trường THPT tại huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Cuộc sống tưởng đã an phận nếu như chàng thanh niên Vũ Văn Thoại không gặp cơ hội có được học bổng toàn phần đi du học tại Ấn Độ.
Với tấm bằng tiến sỹ, chàng trai trẻ Vũ Văn Thoại về Việt Nam và được mời làm Hiệu phó rồi Hiệu trưởng một trường cao đẳng nghề ở Hà Nội.
TS. Vũ Văn Thoại (trái) nhận chậu cây giống từ Ngài Joachim Chandran Fernando, bí thư thứ hai đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam. |
Đang là Hiệu trưởng của một trường cao đẳng công lập ở Hà Nội, một vị trí nhiều người mơ ước, nhưng TS. Thoại vẫn quyết định dứt áo ra đi nhằm hiện thực hóa giấc mơ tạo ra một nền nông nghiệp có giá trị cao cho Việt Nam.
Hiện tại, ông Thoại là Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm. TS Thoại cũng đã chia sẻ về lý do bất ngờ từ chức Hiệu trưởng một trường Cao đẳng công lập Hà Nội đầu năm 2016.
"Trường tôi từng làm hiệu trưởng cũng như bao trường cao đẳng nghề khác đều có chương trình khung quá nặng về các môn chung, dẫn đến việc đào tạo nghề không sát với thực tiễn người sử dụng lao động cần, nên nhà trường không thể đào tạo được đầu ra theo ý muốn", TS Thoại bày tỏ.
Là người đứng đầu nhà trường nhưng ông Thoại cũng không thể giúp cho trường mình được tự chủ hoàn toàn về chương trình đào tạo. Đó cũng là điều ông vô cùng trăn trở nhưng không thể thay đổi.
Tuy nhiên, việc “bén duyên” với cây đàn hương lại là nguyên nhân sâu xa hơn khiến ông quyết định rời môi trường sư phạm.
Năm 2006, TS Thoại có may mắn được gặp cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, người dành gần trọn cuộc đời gắn bó với nền nông nghiệp Việt Nam. Khi đó, cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã bày tỏ mong muốn TS. Thoại dành thời gian nghiên cứu về giống cây đàn hương tại Ấn Độ.
Cây đàn hương một loài cây có giá trị kinh tế cao và được ví như “vàng xanh”. Nếu trồng được ở Việt Nam, loài cây này sẽ cho giá trị cao nhất trong các cây lâm nghiệp của nước nhà.
TS Thoại miệt mài với việc nhân giống cây đàn hương ở Việt Nam |
Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đánh giá cây đàn hương sẽ là cây đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi diện mạo của nền nông nghiệp nước nhà trong việc tạo ra những cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Nhớ lời của ông Tạn, TS. Thoại đã có hàng chục chuyến đi thực địa tại các khu rừng, các Viện nghiên cứu, và các trang trại tại Ấn Độ.
Các chuyên gia Ấn Độ cũng được mời sang Việt Nam để đánh giá về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng cho việc trồng cây đàn hương. Ròng rã nghiên cứu từ năm 2006, nhưng phải đến năm 2014, TS. Thoại và các đồng nghiệp mới thành công trong việc tạo ra giống cây đạt tiêu chuẩn tạo giống hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ.
Hiện nay, cây đàn hương đã được trồng khảo nghiệm tại khoảng 40 tỉnh thành trên cả nước, cho tín hiệu rất khả quan về một hướng thoát nghèo cho hàng nghìn hộ nông dân.
Đàn hương là loài cây được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành như: công nghiệp mỹ phẩm cao cấp, nước hoa, dược liệu, mỹ nghệ. Đặc biệt, gỗ đàn hương được coi là gỗ tâm linh rất được ưa chuộng.
Úc là nước có kim ngạch xuất khẩu gỗ đàn hương lớn nhất thế giới, khoảng 6,5-7 tỷ USD/năm với khoảng 800.000 ha đã được trồng.
“Hiện nay, hầu hết các dòng nước hoa cao cấp đều phải có tinh dầu đàn hương để giúp định mùi hương thơm của nước hoa. Khoảng 30% mỹ phẩm sản xuất tại Ấn Độ, Úc như kem chống lão hóa da, trị nám, trị tàn nhang… có sử dụng chất chiết xuất từ cây đàn hương.
Bên cạnh việc dùng làm gỗ tâm linh, gỗ đàn hương còn dùng làm đồ mỹ nghệ cao cấp. Thậm chí các hãng xe hơi đắt tiền, các dòng máy bay siêu sang cũng sử dụng gỗ đàn hương làm nội thất,” TS. Vũ Văn Thoại chia sẻ.
Để có thể khai thác gỗ phải mất từ 12-15 năm, thậm chí 30 năm nếu muốn có gỗ đạt chuẩn tốt nhất. Nhưng ngay từ năm thứ tư, cây đã cho nguồn thu từ lá để làm trà cao cấp và hạt dùng để chiết xuất tinh dầu.
Đặc biệt, đàn hương là loài phải trồng xen canh với khoảng 300 loài cây ký chủ bao gồm cây lâm nghiệp, cây ăn trái và cây dược liệu, do vậy trồng loại cây này không sợ rủi ro, bởi có thể ngay lập tức có nguồn thu từ cây dược liệu trồng xen canh.
TS. Thoại cho biết, trên thị trường Ấn Độ hiện nay, 1 kg lõi gỗ đàn hương có giá 350 USD, về đến Việt Nam nó có giá 450 USD, sang tới thị trường Trung Quốc, Đài Loan, và các nước Ả Rập nó có giá khoảng 600 USD.
Trong công nghệ sản xuất mỹ phẩm, giá mỗi kg cành đàn hương tại thị trường Việt Nam hiện nay khoảng 3 triệu đồng/kg, rễ cây đàn hương có chứa rất nhiều tinh dầu, loại tinh dầu đa năng được ví như “giọt vàng”, có giá khoảng 4.500 USD/kg.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là có thể dễ dàng “hái ra tiền” từ cây đàn hương, bởi đây là giống cây rất khó nhân giống. Hạt để nhân giống phải lấy từ cây mẹ sạch bệnh từ 10 năm tuổi trở lên.
TS Thoại cũng chia sẻ giá trị của cây đàn hương rất lớn |
Nhưng càng già, cây đàn hương lại càng cho ít hạt. Hơn nữa, nếu chọn nguồn giống không tốt, cây đàn hương dễ mắc những bệnh do virus gây ra. Loài cây này có thể mắc một loại bệnh mà đến bây giờ các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được cách chữa trị khi cây mắc bệnh đó là bệnh xoăn lá (spike disease) do virus gây ra.
Khi đã bị bệnh này, cây sẽ chết sau 1-2 năm. Do vậy, đòi hỏi người trồng phải chọn được hạt giống từ những cây khỏe mạnh, không nằm trong vùng đang có những cây đàn hương bị bệnh xoăn lá.
Do rất khó nảy mầm nên để kích thích hạt nảy mầm, các chuyên gia đã phải dùng đến các hoạt chất chiết xuất từ… nước tiểu của giống bò trắng Ấn Độ, thay vì sử dụng chất kích thích GA3, một loại chất kéo dãn tế bào cây, dẫn đến khó hình thành lõi gỗ (bộ phận quý nhất của cây) và tỷ lệ tinh dầu rất ít.
Mặc dù khó nảy mầm, nhưng đàn hương lại là loài thích hợp với nhiều loại đất như: đất cát, đất đỏ, đất sét, đất đá ong pha sét, đất sỏi và đất bông đen…và trồng được trên các loại đất có độ PH từ 5,5 – 8,0.
“Đàn hương không chịu được ngập úng, vì thế, nó sẽ không chịu được khi được trồng ở những nơi thoát nước kém và hay ngập úng dài từ 3 ngày trở lên. Cũng không nên trồng ở ven biển, nơi thường xuyên có bão lớn...” TS. Thoại cho biết.
Tuy nhiên, việc trồng cây đàn hương cũng không phải quá khó với điều kiện tại Việt Nam. TS. Thoại cũng khuyến cáo: “Cần có quy hoạch vùng cụ thể với số lượng diện tích được kiểm soát. Không nên chạy theo phong trào mà trồng một cách bừa bãi. Nên tìm hiểu kỹ về đặc tính của cây đàn hương và nếu có điều kiện nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia trước khi trồng đàn hương xuống mảnh đất của mình.
Cây đàn hương có thể sử dựng được tất cả các bộ phận nên rất khó bảo vệ khi cây trưởng thành. Vì vậy nếu không có điều kiện chăm sóc và bảo vệ cây trên diện rộng, mỗi gia đình chỉ nên trồng 10 – 15 cây trong vườn nhà như của để dành”.
Theo VTC News
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin