Sâu, bệnh tấn công lúa Hè Thu

02:07, 05/07/2016

Tại 2 xã Trung Nghĩa và Trung Ngãi (Vũng Liêm), ước có trên 1.000ha lúa Hè Thu nhiễm sâu bệnh, chi phí sản xuất tăng cao, nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ.

 

Ruộng lúa của anh Nguyễn Văn Út (ấp Phú Tiên- xã Trung Nghĩa) không phát triển được.
Ruộng lúa của anh Nguyễn Văn Út (ấp Phú Tiên- xã Trung Nghĩa) không phát triển được.

Tại 2 xã Trung Nghĩa và Trung Ngãi (Vũng Liêm), ước có trên 1.000ha lúa Hè Thu nhiễm sâu bệnh, chi phí sản xuất tăng cao, nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ.

“Chưa có năm nào như năm nay, vụ Đông Xuân rồi lúa nhiễm mặn, nông dân hy vọng gỡ gạc lại vụ Hè Thu này nhưng giờ cũng thua luôn rồi!”- ông Nguyễn Văn Hải- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Nghĩa bùi ngùi cho biết.

Thất thu nặng

Ông Hải dẫn chúng tôi rảo quanh mấy ruộng lúa “đúng lý ra đã trổ đòng đòng”, nhưng hiện loe hoe, thưa thớt. Có chỗ bằng mấy chiếc đệm lúa chết không còn một cây. Sáng sớm, giờ nông dân ra đồng, nhưng trên cánh đồng hàng trăm hecta của xã vắng hoe.

Ông Hải giải thích: “Họ phun xịt biết bao nhiêu phân thuốc cứu lúa nhưng có ăn thua gì đâu! Sâu bệnh tấn công lúa chết, họ chán nản không muốn chăm sóc nữa. Vụ Đông Xuân vừa rồi lúa thất bát, tính gỡ gạc vụ này nhưng giờ cũng hết hy vọng”.

Theo ông Hải, do ảnh hưởng hạn mặn, vụ Hè Thu này toàn xã ước có trên 600ha lúa xuống giống trễ khoảng 1 tháng so kế hoạch. Thời điểm mới xuống giống lại gặp mưa dầm, giai đoạn mạ lại gặp bệnh đạo ôn, vi khuẩn tấn công nên lúa chết hàng loạt.

“Qua thống kê, hiện có hơn 20ha lúa chết trắng, tập trung nhiều ở 2 ấp Phú Tiên và Ấp 4. Nhiều ruộng nông dân phải gieo sạ mấy lần, rồi mướn nhân công giặm lại, giá trên trời 500.000- 600.000 đ/công nhưng lúa vẫn thưa thớt”- ông Hải cho hay.

Anh Nguyễn Văn Út (ấp Phú Tiên, xã Trung Nghĩa) “ngồi trên đống lửa” bởi 2 công gieo sạ vụ này thì có đến gần 1 công bị sâu bệnh tấn công, “chắc không có lúa thu hoạch”. Hàng triệu đồng tiền thuê cày, xới, phân giống xem như mất sạch.

Cạnh đó, anh Tám Hường có đến 7 lúa chết rụi, nói: “Chưa có năm nào khắc nghiệt như năm nay. Lúa chết sạch giờ không muốn ra đồng, tiền mua phân thuốc còn nợ đại lý chưa biết tính sao trả nợ”.

Tại xã Trung Ngãi, theo ông Phạm Văn Trai- công chức nông nghiệp xã, trong tổng số 610ha xuống giống thì đến nay có khoảng 20ha chết trắng.

“Khi xuống giống lúa Hè Thu đã xảy ra tình trạng xì phèn cộng với mưa dầm nên nông dân trở tay không kịp, khi lúa 20 ngày tuổi bệnh đạo ôn, đốm vằn, sâu,… xuất hiện. Nhiều diện tích chết trắng, nông dân bỏ đất trống”.

Chi phí gấp đôi

Anh Lâm Văn Chiến (ấp Phú Tiên) cho biết vụ Hè Thu gieo sạ 12 công. Giai đoạn đầu lúa phát triển bình thường, bụi cao khỏe, nhưng tới lúc làm đòng thì “dựng cờ” cháy lá, vi khuẩn tấn công, lá lúa vàng từ gốc lên ngọn rồi từ từ chết rụi. Anh sử dụng nhiều loại phân thuốc khống chế nhưng không ăn thua gì.

Hiện có gần 4 công chết rụi, mất trắng, diện tích còn lại cũng chết loang lổ, ước năng suất cũng chỉ khoảng trên 10 giạ/công- “không bằng phân nửa năm ngoái”. Do sâu, bệnh nhiều nên vụ này chi phí tăng cao.

Anh Chiến cho biết, trong 12 công đã gieo sạ, tiền phân thuốc đã tăng thêm khoảng 3 triệu đồng so những vụ trước. “Đó là chưa kể tiền bơm nước năm nay cũng nhiều hơn, rồi giống phải sạ giặm lại mấy lần, cầm chắc lỗ.”

Do ảnh hưởng sâu, bệnh nên chi phí vụ lúa này tăng khá cao.
Do ảnh hưởng sâu, bệnh nên chi phí vụ lúa này tăng khá cao.

Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm cho biết, hiện có một số diện tích lúa Hè Thu đã thu hoạch, năng suất giảm từ 0,4- 0,5 tấn/ha so cùng kỳ. Ngoài Trung Ngãi, Trung Nghĩa, ở các xã Hiếu Thuận, Tân An Luông, Trung Hiếu, Trung Hiệp, Trung Chánh,… cũng xảy ra tình trạng xuống giống trễ so kế hoạch.

Và phần lớn diện tích lúa này đều nhiễm các loại sâu bệnh. “Lúa giai đoạn mạ thì chịu ảnh hưởng tình trạng xì phèn kết hợp vi khuẩn làm chết cây, đến độ tháng 5, tháng 6 gặp khô hạn, nông dân tăng cường bón phân, sau đó gặp mưa dầm lúa thừa phân nên phát sinh sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn, cháy lá.

Có thời điểm, bệnh đạo ôn cấp 7, cấp 9- cấp cao nhất, có đến 1.500ha nhiễm bệnh làm nhiều diện tích lúa cháy rụi.” Ông Dương Ái Đạo cho biết thêm, năng suất thấp kéo theo sản lượng thấp, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế huyện. 6 tháng đầu năm, lần đầu tiên sản xuất nông nghiệp rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.

Để giải quyết những khó khăn trước mắt, ông Dương Ái Đạo cho biết, ở các xã xuống giống trễ, ngành khuyến cáo không gieo sạ vụ Thu Đông mà có thể lấy rơm trồng nấm hoặc làm đất bỏ ruộng chờ gieo sạ vụ Đông Xuân sớm để né hạn, mặn cho vụ lúa năm sau.

Lúa chết nhưng không thể trồng màu

Theo ông Nguyễn Văn Hải- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Nghĩa, hiện mặn đã qua nhưng “dư âm” mặn trong đất vẫn còn, làm nhiều diện tích vườn cây ăn trái không ra hoa, đậu trái. Cũng vì thế, mà vụ Hè Thu, toàn xã không thể phát triển diện tích trồng màu nào, thay vào đó những ruộng lúa da beo, thất thu đáng kể.

 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh