Hiệu quả mô hình nuôi cá lóc trong bể

03:07, 20/07/2016

Tận dụng diện tích đất xung quanh nhà làm bồn nuôi, không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc, cộng thêm việc nông dân ứng dụng tốt các biện pháp kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi đã giúp mô hình nuôi cá lóc trong bể ny-lon, bể xi măng

Tận dụng diện tích đất xung quanh nhà làm bồn nuôi, không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc, cộng thêm việc nông dân ứng dụng tốt các biện pháp kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi đã giúp mô hình nuôi cá lóc trong bể ny-lon, bể xi măng của nhiều hộ gia đình ở phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên), xã Long Kiến (Chợ Mới) phát triển và kết quả mang lại rất khả quan.

Phát triển mạnh ở ngoại ô Long Xuyên

Với mô hình nuôi cá lóc này, ông Mai Tấn Phước (khóm Thới An A, phường Mỹ Thạnh) là người dày dạn kinh nghiệm. Từ việc tích lũy nghề qua những đợt nuôi theo kiểu truyền thống, ông Phước còn được Hội Nông dân phường, Trường đại học Cần Thơ, Sở Công thương hỗ trợ chi phí, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lóc trong bể ny-lon và cho ăn bằng thức ăn công nghiệp.

Sau 5 tháng nuôi với kỹ thuật mới, ông Phước còn khá bỡ ngỡ, mặc dù rất quan tâm chăm sóc nhưng tỷ lệ hao hụt gần 50%. Tuy nhiên, do nuôi bằng thức ăn công nghiệp nên cá nhanh phát triển nên sau khi xuất bán cá, trừ hết chi phí ông Phước vẫn còn có lãi.

“Nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp có thể tận dụng được những lao động nhàn rỗi ở gia đình vì là thức ăn viên, khi cho ăn chỉ cần trộn thêm một ít vitamin, thuốc phòng bệnh là được.

Còn cho cá ăn bằng cá tươi, người nuôi phải cắt, xay cá… rất phiền phức, đòi hỏi nhiều công đoạn, tốn thêm nhân công, nặng chi phí”- ông Phước phân tích.

Chưa dừng lại ở đó, với mô hình nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường tại địa phương, dễ quản lý dịch bệnh, thịt cá thương phẩm ít có mùi tanh nên được người tiêu dùng chấp nhận lựa chọn.

Mô hình nuôi cá lóc trong bể giúp bà con tận dụng được lao động nhàn rỗi, lại tạo được thu nhập ổn định
Mô hình nuôi cá lóc trong bể giúp bà con tận dụng được lao động nhàn rỗi, lại tạo được thu nhập ổn định

Rút kinh nghiệm từ đợt đầu thả nuôi, ông Phước làm thêm một bể thả mới với số lượng 2.500 con cá giống. Chỉ trong 3 tháng nuôi, trọng lượng cá bình quân từ 4-5 gram/con.

Sau khi xuất bán đợt cá này, trừ chi phí từ thức ăn, bơm nước, cá giống, ông Phước thu lợi từ 4,5 đến 6,5 triệu đồng. Muốn nuôi cá lóc đạt hiệu quả, diện tích mỗi bể nuôi khoảng 13m2 đến 32m2 là vừa và quan trọng nhất vẫn là khâu chọn cá giống, vì cá giống khỏe thì tỷ lệ hao hụt sẽ giảm đáng kể.

Tích lũy kinh nghiệm qua những lần nuôi, ông Phước chia sẻ: “Nuôi cá lóc phòng bệnh hơn trị bệnh, vì kéo theo đó là tốn chi phí, cá chậm lớn... Đồng thời, muốn cá mau lớn, nên thay nước thường xuyên và cho cá ăn dặm thêm ban đêm”.

Lan rộng nhờ hiệu quả

Không chỉ được biết đến là huyện có diện tích sản xuất màu, cây ăn trái lớn của tỉnh, nông dân Chợ Mới còn năng động học hỏi, tiếp thu nhiều mô hình mới để phát triển kinh tế, ổn định sản xuất.

Trước đây, trong tay chỉ có 2 công đất sản xuất, Nguyễn Văn Tiền (ấp Long Bình, xã Long Kiến) cứ loay hoay mãi với màu, lúa nhưng không mang lại hiệu quả. Đến năm 2011, thông qua các lớp dạy nghề về kỹ thuật nuôi cá lóc trong bể ở địa phương, anh đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình ở hộ gia đình.

Từ việc nắm vững kỹ thuật nuôi cá lóc trong bể thông qua lớp học, anh Tiền còn tranh thủ thời gian đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi. “Mình đến và quan sát kỹ từng mô hình, mỗi người nuôi đều có cái hay riêng, như: Từ cách làm, diện tích bể thông thoáng để cá mau phát triển, cách chọn giống, thức ăn…

Với những gì học hỏi được, đã có thể yên tâm phát triển mô hình của mình”- anh Tiền thiệt tình. Điều này đã giúp anh Tiền thu lợi nhuận cao ngay trong đợt đầu tiên. Với thành công có được, anh Tiền đã nhanh chóng chuyển diện tích đất không hiệu quả sang làm bể nuôi cá lóc.

Do vừa có được đầu mối thu mua trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh nên không lo về thị trường tiêu thụ, chỉ cần chăn nuôi tốt, tạo ra chất lượng cá thương phẩm tốt sẽ giữ mối được lâu dài.

Hiện tại, với 9 bể cá nuôi của mình, sau khi trừ tất cả chi phí, anh Tiền thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng. “Chỉ cần 1 hoặc 2 lao động tại gia đình cùng diện tích đất quanh nhà đã có thể tạo được thu nhập ổn định, mô hình nuôi cá lóc trong bể này đã giúp gia đình tôi và nhiều bà con ở địa phương thoát nghèo”- anh Tiền phấn khởi.

Không dừng lại ở quy mô hộ gia đình, anh Tiền còn vận động anh em, bà con xung quanh cùng phát triển mô hình, với khoảng 60 bể nuôi (24m2/bể).

Theo đó, với thời gian nuôi cá lóc trong bể từ 6 đến 9 tháng, chủ yếu cung cấp cho thương lái trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh đã giúp bà con thu lợi nhuận khoảng 15-25 triệu đồng/bể.

Theo  ÁNH NGUYÊN (Báo An Giang)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh