Thiệt kép vụ lúa Hè Thu

09:06, 29/06/2016

Mưa lớn kéo dài đúng thời điểm người dân bước vào thời điểm thu hoạch lúa Hè Thu. Lúa đổ ngã hư hỏng nặng, năng suất giảm, trong khi giá bán cũng sụt giảm mạnh.

Mưa lớn kéo dài đúng thời điểm người dân bước vào thời điểm thu hoạch lúa Hè Thu. Lúa đổ ngã hư hỏng nặng, năng suất giảm, trong khi giá bán cũng sụt giảm mạnh.

Mưa kéo dài khiến lúa đổ ngã, năng suất giảm.
Mưa kéo dài khiến lúa đổ ngã, năng suất giảm.

“Lỗ là chắc!”

Hiện giá lúa tươi giống IR50404 được nông dân bán cho các thương lái tại ruộng từ 4.200- 4.500 đ/kg, giảm 400- 500 đ/kg so với tháng trước. Các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao cũng giảm từ 300- 400 đ/kg.

Theo các thương lái, nguyên nhân giá lúa giảm không phải do giá gạo bán ra giảm mà do mưa nhiều chất lượng lúa bị giảm. Mặt khác, do mưa diễn ra đúng vào thời điểm lúa thu hoạch rộ, nhu cầu bán lúa của nông dân tăng cao đã làm cho giá sụt giảm mạnh. Nhiều nông dân chất lúa ngoài lộ đợi thương lái đến thu mua.

Tại xã Long Phú (Tam Bình), nhiều diện tích lúa Hè Thu của bà con nông dân sắp bước vào thu hoạch nhưng gặp mưa làm đổ ngã nghiêm trọng. Một số hộ đã chủ động gom lúa thành từng bó để dễ thu hoạch và hạn chế hao hụt, nhiều lúa ngã không thể cắt đã lên mộng hư hỏng nặng, trong khi mưa kéo dài, một số máy cắt phải “trùm mền” chờ nắng lên mới có thể ra đồng.

Anh Nguyễn Văn Do (xã Long Phú- Tam Bình) có 7 công lúa vừa thu hoạch xong cho hay: “Ruộng của gia đình tôi đã gần tới ngày thu hoạch nhưng do trời mưa liên tiếp lúa bị ngã hơn 80%. Nếu thời tiết thuận lợi, ước đạt trên 35 giạ/công, nhưng giờ chỉ khoảng 20 giạ, công sức mấy tháng trời coi như bỏ không”.

Gần đó, anh Nguyễn Văn Truyền cũng đang lui cui cắt gần 1 công lúa ngã rạp, do “máy cắt không được”. Vụ này, anh Truyền sạ 5 công, nhưng năng suất chỉ khoảng 20 giạ/công lúa tươi. Đầu vụ thương lái đặt cọc 5.100 đ/kg nhưng do mưa, lúa ướt thương lái hạ giá chỉ còn 4.800 đ/kg.

“Giờ lúa gặp mưa bị ngã rạp, lái chỉ mua giá 4.500 đ/kg, mình không bán thì lái bỏ cọc, giá thấp nhưng bắt buộc phải bán, chứ thời tiết này thì không thể phơi, giá này xem như lỗ”- anh Truyền cho hay.

Cũng tại khu vực này, qua ghi nhận do mưa lớn lúa đổ ngã nặng nên không ít nông dân bỏ không thu hoạch, sợ lỗ tiền thuê mướn nhân công.

Qua thống kê, mưa to gió lớn những ngày qua khiến huyện Tam Bình có trên 155ha lúa Hè Thu đổ ngã, nhiều nhất ở các xã Hòa Hiệp, Bình Ninh, Ngãi Tứ, Hòa Lộc, Mỹ Lộc, Long Phú, Song Phú. Tỷ lệ đổ ngã từ 30- 70%, ước thiệt hại 311 triệu đồng.

Còn theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Mang Thít, hiện cũng đã có hơn 30ha lúa Hè Thu đổ ngã, năng suất giảm, gây thiệt hại cho nông dân. 4 xã bị ảnh hưởng nhiều nhất là Chánh Hội, Nhơn Phú, An Phước, thị trấn Cái Nhum.

 

Trà Ôn là một trong những huyện chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, hạn, phèn nên nhiều diện tích lúa của huyện vẫn còn chịu ảnh hưởng năng suất ở những giai đoạn khác nhau. Huyện Trà Ôn thiệt hại khoảng 550ha, lúa, màu, cây ăn trái với số tiền đề nghị hỗ trợ trên 950 triệu đồng.

Vụ sau cần rút kinh nghiệm

Ông Dương Văn Truyền- Phó Chủ tịch UBND xã Chánh Hội (Mang Thít) cho biết: 2 ấp có lúa sập nhiều nhất là Giòng Dài và ấp Nhì A, khoảng 15/70ha.

Đến nay đã thu hoạch hơn 50%. Tuy nhiên có một số diện tích lúa sập nhiều không thu hoạch bằng máy phải chuyển qua cắt bằng tay. H

iện giá lúa sập cắt bằng tay là 500.000 đ/công, cắt bằng máy 200.000 đ/công lúa sập, 180.000 đ/công/lúa đứng. Lúa sập khiến năng suất lúa vụ này giảm 20- 30%.

“Thường vụ này lúa khoảng 6 tấn/ha nhưng giờ chỉ còn khoảng hơn 5 tấn/ha. Hiện xã cũng còn một số diện tích lúa đang trổ, nếu mưa kéo dài thì rất lo số diện tích lúa đổ ngã sẽ tăng lên”- ông Truyền lo ngại.

Giá cắt lúa bằng tay đang tăng cao, song khó tìm nhân công.
Giá cắt lúa bằng tay đang tăng cao, song khó tìm nhân công.

Chị Nguyễn Thị Bé Tư (ấp Nhì A- Chánh Hội) có 2 công lúa sắp thu hoạch bị sập hoàn toàn, than:

“Mưa hoài ruộng sình lầy, máy không cắt được phải chuyển qua cắt tay mà tìm thợ muốn đỏ con mắt. Mấy chỗ cắt máy được thì lúa cũng rụng dữ lắm, cuốn vào rơm, nhìn thấy mà nhót ruột. Tôi còn mấy công đang trổ, mưa vầy hoài rầu quá. Sắp tới chín chắc phải xiết nước lại coi cắt máy được không, chứ thôi hiu quá”.

Hiện nay ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân nhanh chóng tháo nước trong ruộng ra, tranh thủ thu hoạch sớm để giảm bớt thiệt hại.

Toàn tỉnh hiện đã thu hoạch khoảng 20.000/59.000ha lúa Hè Thu xuống giống. Trà lúa trên đồng còn lại chủ yếu từ giai đoạn đòng trổ- chín. Ths. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, lúa bị đổ ngã có rất nhiều nguyên nhân như: giống cây cao, yếu rạ, điều kiện canh tác, sâu bệnh làm cây suy yếu,…

Nếu rơi trường hợp này là rất khó khắc phục. Để hạn chế, ông lưu ý những vụ tiếp theo, nhất là trong vụ Hè Thu, cần chọn giống, bố trí mùa vụ thích hợp, sạ thưa, bón phân cân đối. Đặc biệt, khu vực đất lung thì không sạ dày, bón thêm phân đạm.

 

Thời tiết mưa dầm xen kẽ những đợt nắng nóng sẽ rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh, phát triển trên trà lúa Hè Thu còn lại giai đoạn đẻ nhánh- làm đòng, khuyến cáo bà con nên phun ngừa đạo ôn lá khi thấy dấu hiệu bệnh chớm xuất hiện, đặc biệt lưu ý trên những chân ruộng thiếu nước, sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm như Jasmine, ML 202, OM 4218, OM 6976,… có thể bị hại nặng.

 

Đối với đạo ôn cổ bông phải phun ngừa trước trổ và sau khi lúa trổ đều bằng các loại thuốc đặc trị.

NHÓM PV KINH TẾ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh