Luân canh màu trên đất lúa-cây trồng nào hiệu quả?

10:06, 23/06/2016

Từ lâu, các nhà khoa học luôn khuyến cáo nông dân nên chuyển sang trồng các loại rau màu hoặc luân canh cây màu trên đất lúa kém hiệu quả.

Từ lâu, các nhà khoa học luôn khuyến cáo nông dân nên chuyển sang trồng các loại rau màu hoặc luân canh cây màu trên đất lúa kém hiệu quả.

Cách làm này giúp người dân thu được nhiều lợi nhuận kinh tế hơn so với trồng lúa, đồng thời còn giúp cắt đứt nguồn lây lan của dịch hại, gia tăng năng suất cây lúa nhờ đất đai được cải tạo các đặc tính sinh hóa trong hệ thống luân canh, giảm sự cạnh tranh của cỏ dại cho cả cây lúa và cây trồng cạn, đồng thời tạo được nhiều việc làm ổn định cho nhà nông.

Mô hình cánh đồng mẫu khoai mỡ trên đất lúa được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình cánh đồng mẫu khoai mỡ trên đất lúa được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao.

Đi tìm mô hình đạt giá trị kinh tế nhất

Tỉnh Vĩnh Long nằm ở vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL, có khí hậu ôn hòa, đất đai phì nhiêu, nước ngọt gần như quanh năm, thích hợp cho phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng đa canh và thâm canh có hiệu quả.

Những năm qua, nông dân Vĩnh Long sản xuất lúa theo hướng thâm canh tăng vụ, hệ số sử dụng đất lúa đạt 2,89 vòng/năm. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa theo hướng thâm canh tăng vụ không phải là giải pháp bền vững để đem lại sự ổn định và hiệu quả.

Do đó, trong thời gian gần đây, Vĩnh Long đã triển khai mạnh mẽ việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu canh tác trên đất lúa và đạt được những thành công đáng kể, từng bước hình thành vùng nguyên liệu sản xuất theo hướng thâm canh để tạo ra lượng hàng hóa lớn có năng suất, chất lượng cao. Nhờ vậy, đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Theo số liệu điều tra thực tế của Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp về kết quả phân tích hạch toán kinh tế các mô hình trồng màu trên đất lúa giai đoạn 2010- 2012 cho thấy giá trị hiệu quả đạt cao nhất là mô hình canh tác chuyên canh các loại rau thực phẩm.

Ví dụ như mô hình chuyên canh rau 5 vụ/năm (xà lách xoong) đạt 584 triệu đồng/ha, 3 vụ rau và 1 vụ dưa hấu đạt 434 triệu đồng/ha, 3 vụ rau và 1 vụ đậu nành đạt 372 triệu đồng; 1 vụ lúa (Đông Xuân), 1 vụ đậu nành (Xuân Hè) và 2 vụ hành lá đạt 289,8 triệu đồng/ha.

Kế đến là mô hình luân canh 1 vụ lúa và 2 vụ màu mà điển hình là 1 lúa (Đông Xuân), khoai lang (Xuân Hè) và dưa hấu (Thu Đông) đạt 246,8 triệu đồng; 2 vụ lúa và 1 vụ màu đạt giá trị sản lượng đạt 145- 153 triệu đồng/ha, còn chuyên canh 2- 3 vụ lúa chỉ đạt 44,8- 67,2 triệu đồng/ha, trong đó thấp nhất là cơ cấu 2 vụ lúa (Đông Xuân- Hè Thu).

Về lợi nhuận: mô hình chuyên 4- 5 vụ rau, 3 vụ rau và 1 vụ dưa hấu đạt lợi nhuận từ 282- 404 triệu đồng/ha, 2 vụ lúa và 1 khoai lang, 2 vụ lúa và 1 rau đạt từ 97- 104,5 triệu đồng/ha, lợi nhuận của mô hình 2- 3 vụ lúa chuyên canh thấp (22,5- 31,7 triệu đồng/ha), còn 2 lúa và 1 màu (bắp, đậu nành) trung bình đạt từ 40- 57 triệu đồng/ha.

Xét về hiệu quả của từng loại cây cho thấy: khoai lang, khoai mỡ, củ sắn là những loại màu cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Tuy nhiên những loại này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất do giá cả luôn có sự biến động rất lớn.

Các loại hành lá, dưa hấu, củ cải, dưa leo, bầu bí và rau cải các loại cũng cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3- 4 lần so với trồng lúa. Riêng nhóm cây bắp, đậu nành, mè thì chỉ có cây mè cho hiệu quả cao, còn bắp và đậu nành cho hiệu quả chênh lệch so với trồng lúa không lớn lắm.

Cây đậu nành trên đất lúa.
Cây đậu nành trên đất lúa.

Luân canh rau màu trên đất lúa

Điều này cho thấy, việc luân canh rau màu trên đất lúa sẽ cho lợi nhuận cao, đồng thời kiểu sản xuất này còn góp phần cải tạo độ màu mỡ cho đất, cách ly được nguồn lưu tồn của dịch hại. Nhờ vậy, sẽ hạn chế việc sử dụng các loại hóa chất trừ sâu bệnh và giữ gìn hệ sinh thái bền vững.

Chủ trương đúng của nhiều địa phương ở Vĩnh Long trong những năm qua là luôn đẩy mạnh việc vận động bà con nông dân đưa cây màu xuống ruộng để thay thế 1 hoặc 2 vụ lúa trong năm.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm (giá cả không ổn định).

Ngoài ra, nông dân chưa thực sự muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vì nhiều lý do như: đã quen với việc trồng lúa, cây lúa dễ làm hơn (cây lúa hiện nay đã cơ giới hóa ở nhiều khâu sản xuất), thiếu lao động, hiệu quả một số cây trồng chuyển đổi khác biệt với cây lúa không nhiều (so sánh trên 1ha là lớn nhưng trên diện tích canh tác của từng hộ lại không lớn, vì trung bình chỉ vài công/hộ).

Đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, cơ chế chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển cây trồng cạn chưa được chú trọng so với lúa.

Vì vậy, sắp tới cần tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho nông hộ cũng như hiệu quả của các mô hình chuyển đổi cây màu trên đất lúa, đặc biệt tổ chức lại sản xuất theo hình thức tổ, CLB, hợp tác xã để thuận lợi cho việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Các cơ quan chuyên môn cần đẩy mạnh việc tuyên truyền tập huấn về kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất RAT, GAP. Xây dựng nhiều mô hình trình diễn; liên kết tiêu thụ, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến và sơ chế rau quả, tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho cây rau màu.

Thực hiện tốt việc xây dựng thương hiệu, tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất rau màu an toàn và xúc tiến thương mại, ký kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Định hướng chuyển dịch trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đi đôi với phát triển bền vững, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, chuyển đổi cây trồng phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng, từng địa bàn.

Số còn lại tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và áp dụng các biện pháp, kỹ thuật canh tác tiên tiến để tăng năng suất...

Ngoài ra, cần đẩy nhanh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh với quy mô lớn, sớm hình thành những vùng nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của nông sản.

Nhanh chóng ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp để làm tiền đề chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thành công.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN LIÊM

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh