Mưa lớn kèm theo dông lốc những ngày qua làm hàng ngàn hecta lúa Hè Thu bị đổ ngã, khó thu hoạch. Đáng lo nhất là giá lúa bắt đầu sụt giảm, thương lái kỳ kèo chê lúa xấu, ẩm ướt… Hết hạn mặn, giờ đây người dân lại phải tiếp tục đối mặt khó khăn.
Mưa lớn kèm theo dông lốc những ngày qua làm hàng ngàn hecta lúa Hè Thu bị đổ ngã, khó thu hoạch. Đáng lo nhất là giá lúa bắt đầu sụt giảm, thương lái kỳ kèo chê lúa xấu, ẩm ướt… Hết hạn mặn, giờ đây người dân lại phải tiếp tục đối mặt khó khăn.
Mưa lớn kèm theo dông lốc những ngày qua làm lúa Hè Thu bị đổ ngã, khó thu hoạch. |
Thiệt kép
Tại các huyện Vũng Liêm, TX Bình Minh, Tam Bình đang vào cao điểm thu hoạch lúa Hè Thu, thế nhưng nhiều nông dân đứng ngồi không yên vì mưa liên tục làm lúa đổ ngã.
Đi đâu cũng nghe nông dân trồng lúa than vắn thở dài vì thất thu, không tìm được thương lái bán lúa. Anh Nguyễn Văn Truyền làm 5 công lúa ở xã Long Phú (Tam Bình) cho biết, còn khoảng 10 ngày nữa thu hoạch thì mưa ập tới kèm dông gió lớn khiến gần như toàn bộ diện tích lúa bị ngã.
Chủ máy gặt đập liên hợp nâng giá công cắt từ 260.000 đ/công (lúa đứng) lên 300.000 đ/công (lúa ngã) nhưng vẫn phải chờ tới lượt mới được cắt. Theo anh Truyền, hàng trăm hecta lúa lân cận cũng rơi cảnh tương tự, ước thiệt hại từ 10- 20% năng suất.
Bà Lê Thị Thanh Vân- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm cho biết toàn huyện có trên 13.000ha lúa Hè Thu, phần lớn xuống giống trễ do ảnh hưởng hạn, mặn. Tại 3 xã Hiếu Thành, Hiếu Nhơn và Hiếu Nghĩa đang bước vào thu hoạch lúa sớm, tuy nhiên do ảnh hưởng mưa lúa đổ ngã 30- 40%, năng suất khá thấp.
Tại TX Bình Minh, qua thống kê hiện có khoảng 460/3.000ha lúa Hè Thu bị đổ ngã, tỷ lệ khoảng 15%. Phó Phòng Kinh tế- Lê Văn Biên cho biết ngoài năng suất lúa bị giảm 20- 30%, đáng lo hiện nay là giá lúa đang giảm nên lợi nhuận của nông dân giảm theo.
Ghi nhận chung, nếu như từ giữa tháng 5 trở về trước, thương lái đặt cọc mua lúa tươi loại thường ngay tại ruộng với giá 4.700 đ/kg, thì nay chỉ còn 4.300 đ/kg, những ruộng xa kinh thủy lợi giá chỉ 4.200 đ/kg. Dù giá đã giảm, nhưng thương lái chậm lại, bởi họ chê lúa bị ẩm ướt, khó tiêu thụ.
Một số hộ đã chủ động buộc túm lúa như thế này để dễ thu hoạch và hạn chế hao hụt. |
Thua lỗ rất cao
Trà Ôn hiện cũng có hơn 100ha lúa đổ ngã, trong đó có nhiều diện tích lúa bị ngã hoàn toàn ở các xã như: Hòa Bình, Nhơn Bình, Xuân Hiệp và Thới Hòa, ước thiệt hại từ 15- 25% năng suất.
Qua ghi nhận, nguyên nhân chủ yếu là do trong vụ, nông dân gieo sạ dày, sử dụng giống lúa có thân rạ mềm, thân lúa cao nên khi gặp những cơn mưa đầu vụ lớn, kéo dài, chân ruộng giữ nước nên lúa rất dễ bị ngã.
Ghi nhận dọc Đường tỉnh 905 thuộc huyện Tam Bình, nhiều diện tích lúa đổ ngã hoàn toàn. Một số hộ đã chủ động gom lúa thành từng bó để dễ thu hoạch và hạn chế hao hụt, còn phần lúa ngã không thể cắt thì đã lên mộng hư hỏng nặng, trong khi mưa kéo dài một số máy cắt phải “trùm mền” chờ nắng lên mới có thể thu hoạch.
Chị Nguyễn Thị Huyền Hương (xã Tân Phú) cho hay: “Ruộng của gia đình tôi gần tới ngày thu hoạch nhưng do trời mưa liên tiếp cả tuần lễ nay, lúa bị ngã hơn 70%. Nếu thời tiết thuận lợi, ước đạt thu hoạch trên 40 giạ/công, giờ mong được 25- 30 giạ/công là mừng, công sức mấy tháng trời coi như bỏ không”...
Đầu vụ nắng nóng, hạn, mặn khiến chi phí vật tư tăng vọt so với mọi năm, sau là mưa lớn kéo dài khiến lúa ngã dẫn đến chi phí tiếp tục tăng khoảng 15- 20%. Mặt khác, giá công cắt máy từ 250.000đ nay lên 300.000 đ/công so với vụ trước, nếu mướn nhân công cắt tay và suốt giá lên đến 500.000- 600.000 đ/công, tuy nhiên không dễ tìm nhân công.
Bà Lê Thị Thanh Vân cho biết, trước mắt địa phương khuyến cáo bà con nên tranh thủ rút nước ra khỏi ruộng, để mặt đất ruộng được khô, cây lúa cứng, hạn chế lúa bị ngã. Đối với trà lúa mới vào chắc, nông dân không nên bón phân chứa hàm lượng đạm cao để hạn chế sâu bệnh hại, đồng thời tập trung gieo sạ lại những diện tích lúa Hè Thu xuống giống trễ bị ngập úng chết giống để ổn định sản xuất.
Rút kinh nghiệm cho vụ sau |
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, lúa bị đổ ngã có rất nhiều nguyên nhân như: giống cây cao, yếu rạ, điều kiện canh tác, sâu bệnh làm cây suy yếu,… Nếu rơi trường hợp này là rất khó khắc phục, “chỉ biết rút kinh nghiệm cho vụ sau”. Về giải pháp cho những vụ tiếp theo hạn chế đổ ngã, ông cho rằng, nông dân cần chọn giống, bố trí mùa vụ thích hợp, sạ thưa bón phân cân đối. Đặc biệt, khu vực đất lung không sạ dầy, bón thêm phân đạm. |
Bài, ảnh: HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin