Khuyến nông "2 trong 1"

09:06, 21/06/2016

Hai nhiệm vụ quan trọng mà ngành khuyến nông xác định "bổ trợ" các địa phương thực hiện thời gian qua là khuyến nông phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Hai nhiệm vụ quan trọng mà ngành khuyến nông xác định “bổ trợ” các địa phương thực hiện thời gian qua là khuyến nông phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.

Thực hiện các mô hình chuyển đổi phải phù hợp địa phương.
Thực hiện các mô hình chuyển đổi phải phù hợp địa phương.

Từ năm 2014 đến nay, hệ thống khuyến nông đã có những đổi mới cả về nội dung và phương pháp hoạt động.

Cụ thể, để phục vụ xây dựng nông thôn mới, hệ thống khuyến nông cả nước tham gia cùng các cấp chính quyền địa phương thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp, vùng chuyên canh sản xuất lúa, bắp, rau, cây ăn trái,…

Lực lượng cán bộ khuyến nông cũng trực tiếp tham gia hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật mới đạt năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế cao.

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trên lĩnh vực trồng trọt, trung tâm đã triển khai thực hiện dự án “3 giảm, 3 tăng” và kỹ thuật trồng lúa SRI tại 13 tỉnh ĐBSCL.

Dự án đã hướng dẫn nông dân giảm lượng giống từ 50- 100kg giống/ha, bón phân cân đối, giảm sử dụng phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật,… Lĩnh vực chăn nuôi, trung tâm đã triển khai mô hình nuôi tôm sú, thẻ chân trắng theo hướng VietGAP, nuôi tôm càng xanh an toàn trong ruộng lúa,…

Tại Vĩnh Long, theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- Trần Văn Sơn, trong 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, có 4 tiêu chí liên quan đến khuyến nông.

Do đó, trung tâm luôn tích cực đẩy mạnh các hoạt động như đề xuất xây dựng và thực hiện các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, đồng thời tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Kết quả, từ năm 2014- 2015, trung tâm thực hiện 3 dự án: “Hỗ trợ phát triển chăn nuôi vịt chuyên trứng an toàn sinh học”; “Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất cây màu luân canh trên vùng nền đất lúa” và “Nuôi cá ruộng lúa ở vùng có hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản” với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Giai đoạn 2015- 2017, trung tâm có kế hoạch thực hiện 6 dự án, với kinh phí trên 11 tỷ đồng.

Cũng theo ông Trần Văn Sơn, các mô hình đáp ứng tốt mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thời gian qua, lợi nhuận mỗi mô hình chuyển đổi đều cao hơn từ 2- 3 lần.

Còn theo TS Phan Huy Thông- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hoạt động khuyến nông giờ khác trước rất nhiều. Từ năm 2014, công tác xây dựng kế hoạch, triển khai, nghiệm thu được lên lịch ngay từ đầu năm. Trung tâm đặt ra mục tiêu rất rõ ràng.

Trong công tác tuyên truyền, đào tạo của khuyến nông có rất nhiều đổi mới, sáng tạo mang lại hiệu quả rất cao. Chọn những đơn vị có năng lực để triển khai chứ không làm tràn lan như trước.

Các chương trình, dự án, mô hình trình diễn có sự phối hợp, hỗ trợ rất nhuần nhuyễn nên phát huy tính tương tác, đem lại kết quả rất tích cực. Hoạt động thông tin tuyên truyền của khuyến nông thay đổi mạnh mẽ.

Gắn chặt với chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp- PTNT.

Trong đó, bản tin và website của Trung tâm Khuyến nông quốc gia xây dựng riêng chuyên mục về tái cơ cấu và xây dựng nông thôn mới.

Với các chương trình phối hợp với 20 cơ quan báo đài Trung ương cũng được tăng thời lượng và tần suất nhằm hỗ trợ, tuyên truyền đắc lực cho chủ trương tái cơ cấu.

Ngoài những hoạt động tuyên truyền truyền thống, trung tâm tiến hành các hình thức tuyên truyền thông qua file điện tử, đĩa hình nhằm phục vụ đa lợi ích, giảm các tài liệu in ấn, tiết kiệm chi phí. Xây dựng tủ sách khuyến nông tại các xã nông thôn mới.

Thực tế, rất nhiều mô hình khuyến nông mà các địa phương triển khai mang lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Tuy vậy, theo ghi nhận nhiều địa phương lo ngại việc khó nhân rộng những mô hình khuyến nông sau khi những dự án kết thúc.

Bên cạnh, đầu tư các mô hình đòi hỏi cần có giải pháp phát triển bền vững. Ông Trần Văn Sơn cho rằng, cần phải có sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể; mô hình thực hiện phải đúng yêu cầu, phù hợp với trình độ người dân. Nhiều địa phương còn cho rằng, mỗi địa phương cần chọn cây- con chủ lực phát triển, mô hình phải phù hợp quy hoạch, sức dân, thị trường.

Mặt khác, các mô hình cần tập trung, nhất là phải có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư từ đầu vào đến đầu ra, đảm bảo sản phẩm người nông dân làm ra tiêu thụ thật thuận lợi.

Nhiều địa phương đề nghị cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn khuyến nông bằng nhiều hình thức và xây dựng các mô hình dịch vụ tư vấn khuyến nông; có sự phân công trong liên kết sản xuất vùng để thực hiện quy hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất lúa và có chính sách hỗ trợ hướng ưu tiên giống cây trồng, đầu tư cơ sở hạ tầng…

 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh