Hựu Thành- Người trồng cam sành có thu nhập khá

11:06, 08/06/2016

Đến xã Hựu Thành vào những ngày tháng 5, trong các hàng quán, đám tiệc thường nghe nhiều bà con bàn về cây cam sành như chuyện thời sự địa phương. Điều này đã hấp dẫn chúng tôi phải tìm hiểu về chuyện cây cam sành đang cho thu nhập khá cho nhiều nông dân ở đây.

 

Những kiện nhựa cam sành.
Những kiện nhựa cam sành.

Đến xã Hựu Thành vào những ngày tháng 5, trong các hàng quán, đám tiệc thường nghe nhiều bà con bàn về cây cam sành như chuyện thời sự địa phương. Điều này đã hấp dẫn chúng tôi phải tìm hiểu về chuyện cây cam sành đang cho thu nhập khá cho nhiều nông dân ở đây.

Theo chân anh Nguyễn Nhật Duy-  công chức địa chính phụ trách nông nghiệp xã Hựu Thành về ấp Vĩnh Sơn- nơi có nhiều diện tích cam sành nhất xã. Vượt gần 10km theo Đường tỉnh 907 và 901 là đến ấp Vĩnh Sơn.

Rẽ vào con đường đan dọc theo kênh Trà Sơn vài chục mét, hai bên bờ kênh nhìn ra đồng ruộng lúa trước đây, nay nhiều diện tích đã chuyển thành vườn cam sành xanh ngát. Tiến thêm vài trăm mét vẫn thấy vườn cam nhiều hơn ruộng lúa. Một phần bà con mới trồng tầm 6 tháng đến hơn một năm. Khoảng hơn 50% vườn cam được 2 năm tuổi trở lên đã và đang bắt đầu cho trái.

 Ở ấp Vĩnh Sơn, xã Hựu Thành nhiều vườn cam lấn dần ruộng lúa.
Ở ấp Vĩnh Sơn, xã Hựu Thành nhiều vườn cam lấn dần ruộng lúa.

Theo bà con ở đây cho biết, khoảng 2 tuần qua nhiều diện tích cam ở ấp Vĩnh Sơn  đã vào vụ thu hoạch. Một số vườn của bà con được thương lái đến mua và hái cam. Chúng tôi đến thăm vườn cam của anh Nguyễn Minh Quân.

Trời đã về trưa nhưng chủ vườn, thương lái và những người làm công đang còn tất bật thu gom cam trái vừa cắt xuống từ trong vườn chuyển ra đường lộ để sơ loại cho vào kiện nhựa trước khi chuyển đi.

Anh Quân cho biết: “Tôi là người dân ở tại ấp Vĩnh Sơn, đất tôi trước đây làm lúa, nhưng từ 3 năm nay thấy trồng cây cam sành có lợi nhiều hơn lúa nên tôi bỏ lúa, mướn người lên vườn trồng cam. Vườn cam sành của tôi gồm 10 công, có 6 công đã cho thu hoạch mùa thứ hai, 4 công mới thu hoạch vụ đầu tiên”.

Anh Quân phấn khởi:  Lần này, 6 công cam thu hoạch lứa thứ hai được 26 tấn trái; 4 công thu hoạch lứa đầu tiên được 8 tấn. Tổng cộng khoảng trên 34 tấn trái, giá bán hiện tại do thương lái thu mua tại vườn 31.000 đ/kg cam loại 1, loại 2; cam nhỏ giá 16.000 đ/kg. Anh ước tính 1 công cam của anh mùa này lãi khoảng 100 triệu đồng.

Anh Quân cũng cho biết, một người trồng cam sành gần đất anh vừa thu hoạch 7 công cách nay không lâu mà thu lãi 1,7 tỷ đồng.  Chỉ sang bên kia bờ kinh đã có nhiều diện tích đất ruộng nay đã chuyển thành vườn cam sành khoảng 1 năm tuổi,  anh nói: “Sang năm tháng này các anh xuống đây sẽ có thu hoạch cam rộ và vui hơn”.

 Giai đoạn phân loại.
Giai đoạn phân loại.

Anh Trần Văn Út-  cũng là một nông dân ở ấp Vĩnh Sơn. Anh Út trồng 5 công cam sành cho trái sớm, chỉ tính với giá cam đầu vụ năm nay khoảng 30.000- 35.000 đ/kg, công cam đầu tiên anh thu lợi nhuận được trên 300 triệu đồng. 4 công còn lại thu được trên 1,2 tỷ đồng.

Được biết cam sành loại 1 trong thời gian nắng hạn (nghịch vụ) được thương lái thu mua với giá 120.000- 150.000 đ/kg để vận chuyển ra Hà Nội tiêu thụ hoặc xuất ra nước ngoài, còn loại 2 với giá 100.000 đ/kg phần lớn đưa về bán tại TP Hồ Chí Minh.

Không chỉ những người tại chỗ mà có một số nông dân ở xa có kinh nghiệm đã đến thuê đất ruộng lên liếp trồng cam.

Thu hoạch cam
Thu hoạch cam

Những bà con thiếu nhân lực đã cho thuê đất ruộng 1 ha lấy tiền trước hoặc thoả thuận với giá từ 250-  270 triệu đồng cho cả 5 năm. Vì vậy phong trào trồng cam sành ở Hựu Thành đang phát triển nhanh và cho thu nhập khá cho nhiều nông dân hiện nay.

 

Hựu Thành hiện 252ha từ ruộng chuyển sang trồng cam sành, đang cho trái khoảng 170ha. Đầu năm đến nay có khoảng 165ha cam cho trái mùa nghịch và cho thu nhập bình quân (trừ chi phí) khoảng 300 triệu đồng/ha, cá biệt người kinh nghiệm làm giỏi có thể đạt gần tỷ đồng/ha.

 

Bài, ảnh: NGUYÊN KHÁNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh