Chỉ sau 5 năm phát triển, đến nay làng nuôi dê ở xã Thành Đông (Bình Tân) có gần 100 hộ nuôi dê với hơn 1.500 con. Người nuôi dê thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chỉ sau 5 năm phát triển, đến nay làng nuôi dê ở xã Thành Đông (Bình Tân) có gần 100 hộ nuôi dê với hơn 1.500 con. Người nuôi dê thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đến xã Thành Đông vào những ngày này, ít ai nghĩ rằng giữa mênh mông đồng ruộng khoai lang lại có một làng nuôi dê đến hàng ngàn con đang mang lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân nơi đây.
Đàn dê của ông Hùm cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm. |
Ông Trần Văn Hùm, 67 tuổi ở ấp Thành Tiến, xã Thành Đông được xem là người khởi đầu và giàu lên nhờ dê ở xứ này. Ông Hùm chia sẻ: “Tui nuôi dê từ năm 2000, chỉ có vỏn vẹn 5 con dê cái, nếu đẻ ra dê cái thì để lại nuôi, còn dê đực thì nuôi lớn lên bán thịt.
Nhờ có dê cái là cứ để lại nuôi mà đàn dê tăng lên nhanh chóng, tới vài chục con, thậm chí cả trăm con.
Cao điểm đàn dê nhà tui lên tới 150 con và hiện nay vẫn duy trì số lượng này. Ngoài việc để một số dê cái giống đẹp lại nuôi để tăng đàn, tui còn bán dê cái giống với giá từ 3-5 triệu đồng/con, tùy lớn nhỏ. Dê đực thì nuôi độ 9 tháng là có thể bán thịt, với giá 105.000đ/kg dê hơi.
Dê cái cũng chỉ nuôi 9 tháng là đã sinh sản được rồi. Dê cái mang thai 5 tháng là sinh sản, mỗi lứa từ 3- 4 dê con. Sau 2- 3 tháng là dê con thôi bú, có thể xuất chuồng, bán giống. Mỗi năm, số tiền thu được từ bán dê từ 200-300 triệu đồng, đó là chưa tính số dê cái để lại nuôi”.
Từ thành công của ông Hùm, nhiều hộ trong ngoài ấp của ông cũng tham gia nuôi dê và bước đầu đã thành công.
Ông Nguyễn Văn Đức, 63 tuổi, ngụ ấp Thành Thới, xã Thành Đông, vui vẻ tâm sự: “Nhờ Hội nông dân xã cho vay được 20 triệu đồng cùng với góp tích lũy của gia đình, tôi mua được 4 con dê giống về nuôi. Sau 2 năm, ngoài những con dê đực tôi bán thịt, hiện đàn dê của tôi đã phát triển được 16 con cái giống”.
Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long tham quan mô hình nuôi dê ở Thành Đông đang ăn nên làm ra. |
Ông Hùm cho biết thêm: “Nuôi dê không quá khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải siêng năng và kiên nhẫn. Vì số lượng đàn lớn phải chuẩn bị nguồn thức ăn khá lớn. Nhưng mà ở Bình Tân thì khoẻ lắm, cả vùng đều là khoai lang, chỉ cần mình siêng một chút là đi xin dây khoai của chủ ruộng về cho dê ăn thoả thích.
Đặc biệt là con dê rất khoái lá khoai lang, nên mau lớn, phát triển rất nhanh và không có bệnh hoạn gì hết trọi.
Cái hiệu quả nhất chính là việc tận dụng nguồn thức ăn cho dê từ dây lá khoai lang sẵn có vô cùng dồi dào tại địa phương nên không phải tốn kém chi phí gì, nên cứ bỏ công ra là chắc có lời, mà là lời nhiều. Với 150 con dê này, chỉ cần tui và 2 đứa con là có thể lo đủ nguồn dây lá khoai lang cho dê ăn đến chăm sóc, vệ sinh chuồng trại.
Bên cạnh đó, nguồn chất thảy, phân của dê còn có thể bán làm phân hữu cơ cho rất nhiều người trồng hoa ở Đà Lạt.
Chỗ tui là đầu mối, họ đặt tui 500 bao phân, giá 10.000 đ/bao, 2 tháng giao hàng một lần, nhưng tui chỉ đáp ứng được chừng 100 bao/tháng, còn lại tui liên kết với những chủ nuôi dê trong ấp để đủ số lượng giao cho họ”.
Ông Trần Văn Lành- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Đông, cho biết: “Toàn xã hiện có gần 100 hộ nuôi dê với khoảng 1.500 con tập trung ở 3 ấp: Thành Tiến, Thành Thới và Thành Khương. Với địa bàn có trên 8.600 ha trồng khoai lang nên nguồn thức ăn cho dê lúc nào cũng dồi dào.
Khoai loang cho dê ăn không chỉ là nguồn thức ăn tốt mà còn là vấn đề giải quyết phụ phẩm khoai mang tránh tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương.
Chính nhờ nguồn thức ăn này mà người nuôi dê ít tốn chi phí lại được lời cao. Điều đáng mừng là đầu ra của dê thịt cũng như dê giống ở đây không đủ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, nhất là TPHCM”.
Ông Võ Văn Vũ - Trưởng Ban kinh tế - Hội Nông Dân tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Thành Đông là địa phương có hộ nuôi dê đông nhất tỉnh. Chính nhờ thức ăn chính lại là phụ phẩm của khoai lang nên hiệu quả rất cao.
Đa phần những hộ dân nơi đây khá lên nhờ dê. Tùy số lượng đàn mà có hộ thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Hiện phong trào nuôi dê ở Thành Đông đang phát triển mạnh, nâng cao tiêu chí thu nhập cho xã Nông thôn mới Thành Đông được bền vững hơn”.
Bài, ảnh: BÁ HÙNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin