Trong khi nhiều diện tích trồng rau màu, luân canh lúa- màu, cây ăn trái giá trị cao (bưởi da xanh, sầu riêng) bị thiệt hại khá nặng nề thì cây lác vẫn "sống khỏe".
Bị ảnh hưởng hạn, mặn xâm nhập đầu năm đến nay ở Vũng Liêm, cây lác vẫn phát triển rất ổn.
Trong khi nhiều diện tích trồng rau màu, luân canh lúa- màu, cây ăn trái giá trị cao (bưởi da xanh, sầu riêng) bị thiệt hại khá nặng nề thì cây lác vẫn “sống khỏe”. Vũng Liêm hiện có 273ha lác, riêng từ đầu năm đến nay nông dân trồng mới khoảng 6ha.
Lác loại 1 được đầu mối thu mua từ nông dân. |
Trong số diện tích lác tại Vũng Liêm, xã Trung Thành Đông hiện có hơn 208ha, với 4,5ha trồng mới.
Mặn vừa phải, lác “sống khỏe”
Theo ông Châu Minh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành Đông, mấy ngày qua độ mặn đã xuống thấp, nếu từ 2‰, thì “chúng tôi cho đóng cống lại ngăn mặn”.
Trong các đợt mặn xâm nhập từ đầu năm, trong khi nhiều diện tích cây ăn trái, rau màu của người dân bị ảnh hưởng, thì cây lác vẫn “sống khỏe”. “Thường độ mặn 1-3‰, cây lác phát triển tốt, khi lên đến ngưỡng 4‰ cây lác vẫn chịu được, vẫn phát triển ngon!”- ông Châu Minh Tuấn thông tin.
Theo ông Châu Minh Tuấn, có đợt cống Nàng Âm đóng 10 ngày, độ mặn ngoài sông lên đến 9‰. Cây lác cần nước, bà con nhờ nước dẫn từ kinh, mương nội đồng đã tích trữ trước đó.
Chúng tôi nói chuyện với anh Đặng Văn Chỉnh- đang thu hoạch 2 công lác ở ấp Đức Hòa hôm cuối tháng 4 về việc mặn xâm nhập có ảnh hưởng tới cây lác hay không thì anh Chỉnh nói: “Về lâu dài không biết nghe, chứ vài ba tháng mặn lên thì không sao. Mặn nếu có kéo dài ngoài sông, lên tới đây (nội đồng) thì cũng đã loãng rồi, chân đất cũng còn nước ngọt”.
Theo kinh nghiệm của anh Chỉnh, “nông dân tụi tui tùy phân thuốc mà đất tơ thì 6-8 tháng, đất gốc 4-5 tháng sau sạ là lác tới kỳ thu hoạch.
Anh Đặng Văn Chỉnh tại ruộng lác đang thu hoạch. |
Bà Út Hường là vợ ông Trần Trung Hiếu- Chủ nhiệm Hợp tác xã Sản xuất, chế biến cây lác Vũng Liêm (ấp Đại Hòa) cho rằng: “Cây lác có thể thường xuyên ở nước mặn. Không sao hết. Nếu mặn lên cao quá, cây lác có thể bị cứng gốc, mới bị ảnh hưởng. Cây lác vùng này năm nay dân mần trúng dữ dằn”.
Bà Út Hường còn cho biết: “Hiện, nhà nào mần thất hay trung bình cũng đạt một tấn trở lên mỗi công lác. Nhà nào trúng đạt 1,5-1,6 tấn/công. Các lao động chúng tôi gặp trên đường liên ấp đang vác lác từ ghe lên, nói có nhà còn trúng tới 1,8 tấn/công.
Ông Châu Minh Tuấn cho biết, đến nay giá bán lác loại 1 từ 15.000-15.300 đ/kg, lác loại 2 từ 9.000-9.500 đ/kg. Lác loại 2 sau phơi khô xe lõi bán 14.000-14.300 đ/kg và: “Giá mua lác nguyên liệu như vậy là cao nhất từ trước tới giờ” .
Bà Út Hường nói là khác mọi năm, ngoài lác loại 1 giá cao, thì hiện lác “dạt” cũng cao vì nhu cầu lớn: “Thường mọi năm có một thời điểm rớt giá, nhưng 2 năm nay giá giữ cao. Sản lượng cao, giá cao nên bà con trồng lác sống được, mình cũng sống được”.
Bà Út Hường cho biết, hiện các sản phẩm làm từ cây lác được cung cấp cho những đơn vị kinh doanh ở Vĩnh Long, Sài Gòn để xuất ngoại.
Cực mà vui với cây trồng “chịu mặn”
Chịu hạn mặn, sản lượng khá, giá bán cao, nhưng anh Chỉnh nói có ruộng lác gần đó “đi thuốc” không kịp ngay lúc sâu bông rộ, măng của cây lác vừa lên bị sâu nó quật ngã ngang. Anh dè chừng: “Lác sắp tới đây khó mần. Năm nay sâu bông nhiều”.
Lao động làm lác rất cực. Làm một công lác “cái sự cực nó bằng canh tác 5 công lúa”- nông dân ở đây đúc kết. Dù bây giờ, làm lác “công nghiệp” hơn với máy phát lác, máy chẻ lác, máy xe lõi lác.
Phân thuốc bây giờ đầy, chứ hồi trước ai “trúng” ngay ruộng lác cỏ là xẩu mình, tối ngày ngoài đồng moi cỏ, moi xong là cỏ lại ngoi lên. Đổi lại, dù canh tác cực, nhưng trúng mùa được giá, bà con thu lợi nhuận với cây lác cũng gấp 5 lần trồng lúa.
Phó Chủ tịch UBND xã Châu Minh Tuấn cho hay, thu hoạch một công lác cần tới 60 ngày công: “Do rất cực, nên mần riết lao động... già cỗi!” Nhưng đây hiện là cây kinh tế chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động tại xã và nhiều địa phương khác đến, theo mùa vụ.
Xã Trung Thành Đông có 1 hợp tác xã chuyên sản xuất, chế biến cây lác, 2 làng nghề và 3 tổ hợp tác xe lõi lác.
Sản phẩm từ cây lác tại Hợp tác xã Sản xuất và chế biến cây lác Vũng Liêm. |
Theo ông Châu Minh Tuấn, chỉ riêng hợp tác xã đã có hàng trăm xã viên “sống” với cây lác. Đó là các lý do khiến cây lác tiếp tục duy trì, sinh sôi thêm ở vùng đất đặc thù hàng năm đều có mặn xâm nhập này.
Ông cho biết, giải pháp của xã khi hạn, mặn kéo dài là hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng, vận động bà con nạo vét kinh mương trữ nước ngọt, phòng mặn xâm nhập sâu, lâu để có đủ nước tưới tiêu cho cây ăn trái và cây lác.
Mừng là năm nay dù mùa hạn mặn kéo dài ở nhiều địa bàn tại Vũng Liêm, trong đó có Trung Thành Đông nhưng cây lác vẫn không bị ảnh hưởng, mà trái lại “sống khỏe”, năng suất đạt và giá bán cũng cao- cán bộ xã, người dân vùng lác “chốt” lại với chúng tôi như vậy.
|
Đến nay huyện Vũng Liêm đã thống nhất danh mục các công trình đầu tư phục vụ công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn giai đoạn 2016-2020. Trước mắt trong năm 2016, đầu tư 26 danh mục công trình (Trung ương: 2, tỉnh: 12, huyện: 12).
Ngành chức năng huyện cũng thường xuyên kiểm tra độ mặn và thông tin kịp thời đến người dân để cùng chính quyền chủ động ứng phó. Độ mặn đo được tại vàm Nàng Âm hôm 4/4 là 3,3‰, đến ngày 13/4 giảm còn 0,3‰. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin