Đồng bằng sông Cửu Long: Lo thiếu phù sa

09:04, 12/04/2016

ĐBSCL có hệ thống sông ngòi chằng chịt cùng đặc điểm tự nhiên nổi bật ít có trên thế giới, với gần một nửa diện tích bị ngập lũ từ 3- 4 tháng mỗi năm. 

ĐBSCL có hệ thống sông ngòi chằng chịt cùng đặc điểm tự nhiên nổi bật ít có trên thế giới, với gần một nửa diện tích bị ngập lũ từ 3- 4 tháng mỗi năm.

Đây vốn là hạn chế lớn đối với canh tác nông nghiệp và gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của dân cư. Tuy nhiên, phù sa từ sông nước cũng mang tới cho nông nghiệp đồng bằng sự phì nhiêu ít nơi nào có được.

Song giờ đây, thiên tai hạn- mặn đang gây thiệt hại lớn, và về lâu dài thiếu phù sa sẽ là vấn đề còn nghiêm trọng hơn nữa- theo nhận định của các chuyên gia.

Thiếu hụt phù sa ở đồng bằng sẽ gây khó khăn lớn cho sản xuất nông nghiệp.
Thiếu hụt phù sa ở đồng bằng sẽ gây khó khăn lớn cho sản xuất nông nghiệp.

Lượng phù sa giảm dần

TS. Dương Văn Ni- ĐH Cần Thơ cho biết xâm nhập mặn diễn ra dựa vào 3 điều kiện: nước từ thượng nguồn đổ về ít, nước từ biển dâng cao và sự sụt lún của ĐBSCL.

Tuy nhiên, vấn đề thiếu nước ngọt ở thượng nguồn vẫn còn có cơ hội bổ sung từ mưa, vấn đề nước biển dâng không phải là câu chuyện một sớm một chiều, còn vấn đề sụt lún do thiếu phù sa bồi cho ĐBSCL mới thật sự nguy hiểm vì nó mất đi là mất vĩnh viễn, không có cơ may phục hồi.

Ths. Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL cho rằng, ĐBSCL là một phần của lưu vực Mekong chịu ảnh hưởng của cả thủy văn từ phía thượng nguồn sông Mekong và từ phía biển.

Khi dòng Mekong yếu đi vào mùa khô thì nước biển dâng sẽ đẩy mặn vào sâu trong đất liền. Đây là một quy luật không thể chống lại.

Tổng dòng chảy trung bình cả năm của dòng Mekong là 475 tỷ mét khối, trong đó 16% đến từ Trung Quốc, 2% từ Myanmar và 82% là nước mưa ở hạ lưu vực tức là tính từ Lào, Thái Lan, Campuchia, tới bờ biển Việt Nam.

Cũng theo Ths. Nguyễn Hữu Thiện, ĐBSCL được hình thành bởi lượng phù sa (bùn, cát,…) từ dòng sông Mekong trong 6.000 năm qua.

Tuy nhiên, lượng phù sa ngày càng giảm dần, từ 160 triệu tấn phù sa/năm xuống chỉ còn phân nửa. Tình trạng này sẽ làm đảo ngược quá trình kiến tạo và gây sạt lở bờ biển, khiến ĐBSCL trở thành… tấm giẻ rách trong vòng 1 thế kỷ nữa. “Lớp phù sa như “cái áo giáp” che chắn, bảo vệ đất ven biển, làm giảm bớt tác động sóng đánh.

Lượng phù sa thiếu hụt, “cái áo giáp” sẽ bị hỏng, nước biển tấn công mạnh làm sạt lở nhanh hơn. Ngoài ra, thiếu hụt lượng phù sa còn làm cho ĐBSCL sụt lún đất, chìm nhanh”- Ths. Nguyễn Hữu Thiện nói thêm.

“Cái chết không có đường đỡ”

Người dân cần chủ động trữ nước ngọt sinh hoạt
Người dân cần chủ động trữ nước ngọt sinh hoạt

Sự thiếu nước ở sông Mekong năm nay căng thẳng thêm bởi các đập thủy điện. 

Theo TS. Dương Văn Ni, các nước thượng nguồn sông Mekong đua nhau xây đập thủy điện không chỉ làm suy kiệt nguồn nước, nguồn thủy sản mà còn tác động rất lớn đến thành phần đã kiến thiết ĐBSCL trong hàng ngàn năm qua.

Khi 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong ở lãnh thổ Lào và Campuchia được xây dựng, ĐBSCL sẽ không còn cát thô mà chỉ còn cát mịn và phù sa lơ lửng.

Khẳng định vai trò ĐBSCL không chỉ riêng khu vực mà cả thế giới, TS. Dương Văn Ni lưu ý, nói đến ĐBSCL không chỉ có 12 tỉnh và TP Cần Thơ mà còn phải nghĩ đến biển, đến lưu vực sông Mekong.

Cần thấy rằng, gạo, cá, tôm... của ĐBSCL là cung ứng cho “chợ thế giới”, “cho nên bảo vệ ĐBSCL không phải chỉ riêng cho ĐBSCL mà phải nhìn ĐBSCL là vấn đề quốc tế.

Hiện khó khăn người dân đồng bằng không chỉ là câu chuyện nước ngọt mà phải bàn đến phù sa. Nước nhiễm mặn dân chủ động trữ nước ngọt trong lu, hũ hay chuyển sang nuôi tôm, cá nước mặn, còn nếu mất phù sa thì không có gì bù đắp được, cái chết không có đường đỡ.”- TS. Dương Văn Ni lo ngại.

Nhiều nhà khoa học còn chỉ ra, phù sa sông Mekong có vai trò sống còn đối với sự tồn tại của ĐBSCL, bởi đồng bằng này hình thành từ sự bồi đắp phù sa sông và quá trình trên vẫn tiếp diễn.

Nhiều năm gần đây xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông, ven biển. Nguyên nhân, bên cạnh việc khai thác cát tràn lan còn có nguyên nhân từ sự thiếu hụt phù sa thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy và hệ sinh thái sông.

Trong tương lai, lượng cát sỏi, phù sa từ thượng nguồn về rất ít, không đủ bù đắp, vì vậy, để khắc phục các nhà khoa học khuyến cáo địa phương không nên cấp phép khai thác cát sông để tránh làm thay đổi dòng chảy và hệ sinh thái sông.

 

TS. Dương Văn Ni

Trong 3 thiên tai: nước ngọt ít, nước biển dâng và thiếu phù sa thì thiếu phù sa là nghiêm trọng nhất. Bởi khi các đập thủy điện giữ lại 75- 90% phù sa, vùng ĐBSCL sẽ bị lún xuống và xói lở. Đây lại là loại thiên tai mà người ĐBSCL chưa hề có kinh nghiệm đối phó.

 

Ths. Nguyễn Hữu Thiện

Lượng phù sa ngày càng giảm dần, từ 160 triệu tấn phù sa/năm xuống chỉ còn phân nửa. Tình trạng này sẽ làm đảo ngược quá trình kiến tạo và gây sạt lở bờ biển, khiến ĐBSCL trở thành… tấm giẻ rách trong vòng 1 thế kỷ nữa.

 

.Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh