Ảnh hưởng mặn, chưa xuống giống lúa Hè Thu

09:04, 19/04/2016

Tại 2 huyện Mang Thít và Vùng Liêm- do chịu ảnh hưởng nặng xâm nhập mặn, nên hiện còn trên 2.000ha lúa Hè Thu chưa xuống giống.

Tại 2 huyện Mang Thít và Vùng Liêm- do chịu ảnh hưởng nặng xâm nhập mặn, nên hiện còn trên 2.000ha lúa Hè Thu chưa xuống giống.

Vì vậy, những ngày gần đây, khi độ mặn tại các sông chính dẫn nước vào ruộng giảm mạnh, các địa phương đã khuyến cáo bà con tranh thủ làm đất, chuẩn bị giống để gieo sạ.

Nhiều cánh đồng ở Mang Thít, nông dân cày ải phơi đất chờ nước ngọt mới gieo sạ.
Nhiều cánh đồng ở Mang Thít, nông dân cày ải phơi đất chờ nước ngọt mới gieo sạ.

Cày xới chờ xuống giống

Ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Mang Thít cho biết, toàn huyện dự kiến xuống khoảng 4.700ha vụ Hè Thu. Tính đến ngày 16/4, đã sạ khoảng 4.000ha, còn lại phải kéo dài đến hết tháng 4 âm lịch mới dứt điểm.

Cụ thể, tại 3 xã: Tân An Hội, Bình Phước, Tân Long Hội, trong gần 1 tháng qua nước mặn còn khá cao nên người dân chưa thể gieo sạ.

Do đó, trên nhiều cánh đồng, tận dụng thời gian này, nông dân chủ động cày ải để phơi đất lâu hơn. “Hiện độ mặn tại các sông lớn dẫn nước ngọt vào đồng ruộng đã giảm mạnh.

Tại một số xã chưa thể gieo sạ theo lịch thời vụ như những năm trước, đã cày, xới, phơi đất, khi đủ nước ngọt bà con sẽ đồng loạt xuống giống, dự kiến đến cuối tháng 4 âm lịch sẽ dứt điểm”- ông Trương Tấn Được cho biết thêm: “Do gieo sạ không đồng loạt nên đã xuất hiện tình trạng da beo, tuy vậy sâu bệnh trên lúa vẫn được kiểm soát tốt”.

Đứng trên cánh đồng khô queo, vừa cày xới xong, chú Võ Thành Tư ở ấp Phước Lộc A (xã Bình Phước- Mang Thít) làm ruộng tại Tân Long nói: “Rất mừng là hiện nước ngọt ngoài sông đã đảm bảo, nhưng chưa ai mạo hiểm cho vào ruộng, ít nhất chờ tuần nữa mới dám gieo sạ”.

Chú Tư có 10 công ruộng, năm ngoái mùng tháng 3 âm lịch đã xuống giống dứt điểm, còn năm nay nằm đợi, tính ra đã trễ gần 1 tháng.

Nôn nóng gieo sạ kịp thời vụ nên ngày nào chú cũng túc trực ngoài đồng canh nước. “Giống, đất đai đã chuẩn bị sẵn sàng, mấy ngày nay báo đài thông tin nước mặn giảm mạnh nên hy vọng gieo sạ được trong những ngày tới.” Chú Tư cũng cho hay, hàng trăm hecta ruộng lân cận cũng chờ nước. Nhiều người còn mua máy đo độ mặn với mong muốn gieo sạ được an toàn.

Chú Hồ Văn Phước (ấp An Hội 3, xã Tân An Hội) khá lo lắng, bởi “chưa có năm nào xuống giống muộn như năm nay”.

Chú Phước có 15 công ruộng, xung quanh kinh, mương rất thuận lợi dẫn nước ra vào. Lối mùng tháng 3 âm lịch, chú dự định kéo nước vào ruộng gieo sạ nhưng mặn bất ngờ lên nhanh nên phải nằm chờ.

Chú nhẩm tính, nếu sạ trong thời điểm này thì năm nay chỉ làm được 2 vụ, thay vì 3 vụ như những năm trước. “Thu hoạch Hè Thu này xong, xả lũ luôn chứ không làm vụ Thu Đông được. Mấy hộ ruộng nhiều thì không sao chứ ruộng vài ba công, làm 2 vụ cũng lo ảnh hưởng thu nhập lắm”- chú cho biết thêm.

Tại huyện Vũng Liêm, theo Phó Chủ tịch UBND huyện- Hồ Công Nguyên, huyện có kế hoạch xuống giống 13.000ha lúa vụ Hè Thu, hiện gieo sạ được 4.500ha, chưa được 50%. Dự báo từ nay đến cuối tháng 4 là cao điểm xuống giống, bởi độ mặn giảm mạnh. Riêng tại 2 xã Trung Ngãi, Trung Nghĩa, khoảng 1.500ha còn chờ tháng 5 vì nước ngọt không đảm bảo.

Xáo trộn lịch thời vụ

Ông Trương Thành Phước- quyền Chủ tịch UBND xã Tân An Hội (Mang Thít) cho biết, hiện còn 3 ấp Tân An, Tân Hội, Tân Quy 1 với hơn 222ha lúa Hè Thu chờ mùng tháng 4 mới có thể xuống giống, trễ so vụ này năm trước khoảng 20 ngày.

Cũng theo ông, do năm nay mặn “chộp” bất ngờ nên lịch thời vụ có phần xáo trộn. Toàn xã trên 676ha gieo sạ lúa nhưng hiện lúa có 3 giai đoạn: chuẩn bị xuống giống, đã xuống giống và một phần lúa Hè Thu sớm chuẩn bị thu hoạch.

“Những diện tích lúa Hè Thu sớm chuẩn bị thu hoạch thời điểm đầu vụ cũng bị hạn mặn, có khả năng giảm năng suất. Nhưng lo nhất là lúa gieo sạ trễ, với khoảng hơn 100ha bị da beo sẽ bị sâu, rầy, chuột di trú gây hại.”- ông lo ngại.

Còn theo ông Hồ Công Nguyên, nếu xuống giống giai đoạn này lại rơi vào đợt hạn, ruộng lúa tiếp tục thiếu nước, dân phải tốn chi phí bơm tát. Nước bốc hơi nhanh phải tốn thêm lượng phân nhiều hơn những năm trước. Tuy vậy, ông cho rằng, cái lợi của việc kéo dài thời gian xuống giống nông dân có điều kiện cày ải phơi đất được lâu, cải tạo được phèn.

Về lâu dài, Vũng Liêm sẽ chuyển đổi khoảng 10.000ha lúa sang cây trồng khác, tập trung ở Trung Hiếu, Trung Thành, Trung Hiệp, Trung Chánh,… Tuy nhiên, chuyển cây gì, thì địa phương đang tính toán để vừa đảm bảo thu nhập, vừa có đầu ra ổn định.

 

 

Tính tới trung tuần tháng tư, đã xuống giống hơn 48.000/55.000ha lúa Hè Thu, chủ yếu giai đoạn mạ- trổ. Trong tuần qua, rầy nâu tuổi 2- 3 xuất hiện và gây hại 208ha, trên trà lúa đẻ nhánh-trổ, với mật số trung bình 500- 1.000 con/m2.

Dự báo những ngày tới, rầy tuổi 3- 4 có thể gây hại trên trà lúa đẻ nhánh- làm đòng. Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con cần thăm đồng thường xuyên, theo dõi kỹ mật số rầy để phòng trị kịp thời không để cháy rầy diện rộng.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh