Liên kết để không phải lụy "cò" khi bán lúa

07:03, 01/03/2016

Nhiều thương lái cho rằng, do không đủ lực mua lúa trực tiếp cho nông dân nên phải thông qua "cò" để mua được số lượng lớn, giảm chi phí. Kiểu mua bán qua nhiều tầng nấc khiến nông dân luôn chịu thiệt.

Chuyện “cò” lúa hoành hành, thương lái kỳ kèo mua lúa đã trở thành nỗi lo thường trực của nông dân mỗi khi bước vào thu hoạch rộ.

Nhiều thương lái cho rằng, do không đủ lực mua lúa trực tiếp cho nông dân nên phải thông qua “cò” để mua được số lượng lớn, giảm chi phí. Kiểu mua bán qua nhiều tầng nấc khiến nông dân luôn chịu thiệt.

Doanh nghiệp và nông dân cần liên kết trong sản xuất để hạn chế bán lúa thông qua “cò” lúa.
Doanh nghiệp và nông dân cần liên kết trong sản xuất để hạn chế bán lúa thông qua “cò” lúa.

Hoa hồng cho “cò”

Những ngày qua, trong khi giá lúa Đông Xuân có chiều hướng giảm chỉ còn khoảng 4.400- 4.600 đ/kg lúa tươi giống IR50404, giảm 300- 400 đ/kg so hơn tuần qua khiến nhiều nông dân lo lắng vì thua lỗ, thì tại nhiều địa phương còn xuất hiện tình trạng “cò” lúa vừa ăn hoa hồng, vừa kỳ kèo kéo dài thời gian thu hoạch lúa của nông dân.

Chỉ cho chúng tôi xem ruộng lúa 16 công vừa thu hoạch cách nay hơn 1 tuần, chị Nguyễn Thị Huyền Hương (ấp Phú Long, xã Tân Phú- Tam Bình) cho biết: “Bây giờ, dân ở đây bán lúa đều phải thông qua “cò” hết. Dù thương lái đậu ghe dưới sông nhưng phải được “cò” tìm, giới thiệu thì mới mua được”.

Theo chị Hương, khoảng 3 năm nay, “cò” mua lúa bắt đầu xuất hiện, đóng vai trò trung gian giữa nông dân với các thương lái. Thời điểm lúa vừa trổ bông, “cò” bắt đầu xem lúa, cho giá rồi đặt cọc.

Ngược lại, thương lái sẽ liên lạc với “cò” để biết những nơi nào đang thu hoạch, cánh đồng nào đang có những giống lúa gì để chủ động thu mua. Sau khi thương lái đưa ghe đến, nông dân mới thuê máy gặt thu hoạch lúa giao cho họ. Tuy nhiên, thực tế cũng không ít “cò” ngoài việc lấy hoa hồng từ cánh thương lái tiếp tục kỳ kèo, ép giá để lấy thêm tiền từ nông dân, nhất là vào những đợt lúa bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, khó tiêu thụ.

Thời gian đầu, một công ruộng được “cò” đặt cọc khoảng 500.000đ, nhưng gần đây các “cò” giảm mức tiền cọc. Vụ Đông Xuân này, nhiều nơi “cò” không đặt cọc mà chỉ cho giá. Cò lúa sẽ “quản lý” từng cánh đồng.

Nếu cánh đồng nào đã có “cò” đến rồi thì cò khác sẽ không đến, nên dẫn đến việc khi giá lúa xuống thấp nông dân buộc phải bán, vì nếu trữ lại sau đó cũng không biết bán cho ai.

“Đầu vụ, “cò” đặt cọc với giá 5.100 đ/kg lúa tươi tại ruộng. Nhưng khi thu hoạch, nếu giá lúa tăng là “cò” bỏ luôn không thèm mua. Nếu giá lúa giảm, “cò” bắt đầu tìm đủ mọi cách ép giá nông dân.”- chị Hương bức xúc.

Cách đó không xa, anh Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết vừa bán gần 10 công lúa tươi, sau hơn 3 ngày nằm đợi “cò” lúa và thương lái đến thu hoạch như hợp đồng trước đó. “Tôi đợi thương lái mấy ngày vẫn bặt tăm.

Điện hỏi cò nhưng họ cứ hẹn, nói thương lái đang xuống, nhưng đợi hoài chẳng thấy tăm hơi. Cuối cùng điện trực tiếp, họ mới chịu xuống thu mua”. Cũng theo anh Thắng, mọi năm, thay vì cắt xong thương lái đến mua liền đỡ mất trọng lượng, còn năm nay họ kéo thêm đến 3- 4 ngày, nắng gắt lúa khô nhanh, trung bình mỗi bao lúa mất từ 5- 6kg lúa.

Liên kết để “bẻ cò”

Theo các chuyên gia, hiện vẫn còn khoảng 90% lượng lúa hàng hóa do thương lái mua trực tiếp của nông dân, sau đó xay xát bán lại cho doanh nghiệp. Dù các doanh nghiệp “hô hào” sẽ liên kết với thương lái mua lúa trực tiếp của nông dân nhưng đến nay chuyện này vẫn gặp trở ngại.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, trong hơn 11.000ha lúa trong cánh đồng mẫu lớn của tỉnh, hiện chỉ 3 doanh nghiệp trực tiếp thu mua lúa cho nông dân. Song, thực tế cũng gặp không ít khó khăn bởi thiếu phương tiện vận chuyển lúa từ đồng tới kho, dù doanh nghiệp sẵn sàng trợ giá cao hơn thị trường.

Anh Lê Văn Luận (ấp Phú Hòa Yên- xã Song Phú) cho rằng, nông dân cũng không dễ dàng bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp, dù có hợp đồng.

"Ở địa phương trước đây cũng có doanh nghiệp đến hợp đồng mua lúa nhưng tới cân lúa họ đo độ ẩm tới lui, chê lên xuống rất phiền phức dù giá cả vẫn vậy nên nông dân chưa mê, trong khi bán cho thương lái dễ dàng hơn”- anh Luận lý giải.

Ở khía cạnh khác, tại một số địa phương, diện tích đất trồng lúa còn manh mún nhưng sử dụng nhiều loại giống nên gây không ít khó khăn cho cánh thương lái hợp đồng thu mua. Do đó, nhiều thương lái cần tới đội ngũ “cò” thông thuộc tình hình sản xuất lúa tại địa phương thu gom, phân loại giúp để dễ mua với số lượng lớn.

Giá lúa tại nhiều tỉnh ĐBSCL có xu hướng giảm 200- 300 đ/kg.
Giá lúa tại nhiều tỉnh ĐBSCL có xu hướng giảm 200- 300 đ/kg.

Chị Nguyễn Thị Hai- thương lái ở Tam Bình giải thích thêm: Đội ngũ “cò” thu gom lúa nhanh, sản lượng lớn. Thay vì phải bỏ chi phí xăng, dầu tìm mua, thì chi phí này dùng chi hoa hồng cho đội ngũ cò tìm mua thay. Cánh thương lái sẽ trừ các khoản chi phí vận chuyển, xăng dầu, thuê lò sấy... và đưa ra giá mua lúa tươi tại ruộng, trong đó riêng khoản trích cho “cò” khoảng 100 đ/kg lúa.

Thực tế khác, tại một vài địa phương, tình trạng “bẻ kèo” từ phía nông dân lẫn doanh nghiệp trong thời gian qua là không ít. Khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương thành lập tổ hợp tác sản xuất, mua bán phải có hợp đồng mà ban chủ nhiệm tổ hợp tác là người ký kết với doanh nghiệp như tại xã Mỹ Lộc (Tam Bình) làm thời gian qua.

Hay ở xã Song Phú (Tam Bình), trong nhiều vụ lúa vừa qua, các trưởng ấp đứng ra làm “trọng tài” cho các cò lúa và nông dân, hoặc thương lái và nông dân ký hợp đồng mua lúa. Tuy vậy, thực tế khi xảy ra bẻ kèo thường rất khó xử lý, bởi chủ yếu mua bán “hợp đồng miệng”.

Việc “cò” xuất hiện việc mua bán lúa nhanh hơn, giảm được việc phải cho ghe cộ rong ruổi nhiều nơi, chi phí cũng thấp hơn là điều không phủ nhận.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện ngày càng nhiều “cò” mà không chịu sự kiểm soát nào, thì người chịu thiệt vẫn là nông dân, rất cần giải pháp lâu dài ngành chức năng. Phía nông dân cũng cần liên kết, sản xuất thông qua hình thức hợp tác xã, mới mong giảm nạn “cò” lúa.

 

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT), nhiều khả năng sản lượng lúa vụ Đông Xuân 2015- 2016 giảm, do ảnh hưởng hạn mặn.

 

Toàn vùng ĐBSCL gieo sạ hơn 1,5 triệu hecta và nếu trừ hơn 100.000ha ảnh hưởng bởi hạn, mặn vừa qua như công bố của Bộ Nông nghiệp- PTNT, thì còn lại khoảng 1,4 triệu hecta.

 

Nếu lấy năng suất lúa sụt giảm như ở một số địa phương đã báo cáo, thì sản lượng vụ Đông Xuân này có thể giảm đến 1,4 triệu tấn, đó là chưa kể phần thiệt hại năng suất của hơn 100.000ha do hạn, mặn.

 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh