TPP- "sân chơi" đầy thử thách với nông nghiệp

11:02, 13/02/2016

Tuy "cửa đã mở" nhưng với tình trạng xuất khẩu thô, sản xuất manh mún thì với ngành nông nghiệp, TPP sẽ là sân chơi đầy thử thách.

Trong vài năm tới, nông sản Việt Nam có cơ hội rất lớn khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực đầy đủ, nhiều mặt hàng nông sản sẽ được giảm thuế còn 0%. Tuy “cửa đã mở” nhưng với tình trạng xuất khẩu thô, sản xuất manh mún thì với ngành nông nghiệp, TPP sẽ là sân chơi đầy thử thách.

Nông nghiệp công nghệ cao- bài toán nâng cao chất lượng nông sản.
Nông nghiệp công nghệ cao- bài toán nâng cao chất lượng nông sản.

Nhiều cơ hội mở ra

TPP gồm 12 quốc gia, với khoảng 600 triệu dân, chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, bao gồm các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản,… chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nông sản nước ta khi chuỗi cung ứng mới hình thành.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng (Bộ Kế hoạch- Đầu tư), các nông sản xuất khẩu như lúa gạo, cá tra sẽ có cơ hội lớn. Những đối tác lớn sẽ giúp Việt Nam giảm áp lực phụ thuộc, đồng thời là điều kiện để mở cửa thị trường thông qua giảm thuế xuất nhập khẩu.

Cụ thể, đối với nông sản, khi mở cửa với Hoa Kỳ sẽ xóa bỏ thuế quan ngay đối với 97,7% kim ngạch xuất khẩu, sau 15 năm có 99,97% dòng xóa bỏ thuế; thị trường Mexico, thủy sản được xóa bỏ thuế quan ngay và sau 3- 5 năm 60% dòng xóa bỏ thuế chiếm 99,33 kim ngạch xuất khẩu.

Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc cả hai đầu xuất- nhập khẩu vào một số thị trường truyền thống như Trung Quốc. Phía tiêu thụ, họ chiếm tới 35% tổng giá trị gạo Việt Nam xuất khẩu, 48% cao su và 64% các mặt hàng rau quả xuất khẩu.

TPP sẽ mang lại thuế suất thấp, doanh nghiệp có lợi hơn cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
TPP sẽ mang lại thuế suất thấp, doanh nghiệp có lợi hơn cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Ngược lại, đây cũng là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu tới hơn 62% tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm đầu vào cho nông nghiệp. Rõ ràng, đây là một bạn hàng lớn và quan trọng nhưng điều đáng nói là sự thay đổi nhanh chóng trong chính sách của họ luôn đòi hỏi ngành nông nghiệp Việt Nam phải linh hoạt hơn về chiến lược của mình.

Nhận định thị trường cá tra, Tiến sĩ Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ cho rằng, TPP sẽ mang lại thuế suất thấp, doanh nghiệp có lợi hơn cho các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng. Bên cạnh, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân sẽ được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công nghệ, thiết bị mới, những nguồn tài chính mới, dồi dào hơn từ các đối tác tiềm năng ở các nước thành viên TPP.

Còn theo GS.TS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ), gạo là mặt hàng có lợi thế rõ nhất, khi 2 nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới là Thái Lan, Ấn Độ chưa vào TPP.

Một cú hích quan trọng cho nông nghiệp khi hội nhập là sẽ thu hút được vốn đầu tư của các quốc gia vào Việt Nam khi thuế suất của lĩnh vực này bằng 0%. Và đương nhiên, những dòng vốn quý giá này sẽ mở ra cơ hội để chúng ta đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp- một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hiện nay.

Đầu tư sản xuất chuỗi giá trị- yêu cầu cần thiết cho nền nông nghiệp khi hội nhập.
Đầu tư sản xuất chuỗi giá trị- yêu cầu cần thiết cho nền nông nghiệp khi hội nhập.

TPP không phải “đại tiệc”

Cơ hội lớn cũng kèm những thách thức lớn, bởi khi bước vào TPP một loạt hạn chế của ngành nông nghiệp sẽ bộc lộ, trong khi “sân chơi” TPP thật sự khắt khe với rất nhiều sức ép cạnh tranh cho nông dân và doanh nghiệp.

Các nước tham gia có thể giảm thuế suất, nhưng sẽ nâng cao các hàng rào phi thuế quan nghiêm ngặt hơn. Để xâm nhập, chiếm lĩnh được những thị trường lớn cần vượt qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm gắt gao.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng cho rằng, thách thức lớn nhất của nông sản là công nghệ chế biến, nguồn gốc xuất xứ. Riêng đối với ngành chăn nuôi sẽ có tác động tiêu cực ở mức độ cao, đặt ra thách thức về cạnh tranh hàng nhập khẩu, giá thức ăn chăn nuôi giảm thấp.

Do đó, bà Thúy Hằng cho rằng, phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa, tăng cường nhân lực, nâng cao năng suất lao động, phát triển lực lượng lao động tiên tiến phục vụ cho ngành, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Nói chuyện với doanh nghiệp và nông dân ĐBSCL gần đây, GS.TS Nguyễn Quốc Vọng- Đại học RMIT (Úc)- thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam (SSC) cho rằng, ĐBSCL có rất nhiều thế mạnh lúa gạo nhưng để hội nhập sâu rộng cần xây dựng một thương hiệu gạo quốc gia bao gồm đảm bảo chất lượng sản phẩm, kỹ thuật sản xuất, cam kết lâu dài uy tín của các doanh nghiệp.

GS.TS Nguyễn Quốc Vọng cũng cho rằng, Việt Nam cần phải sản xuất theo chuỗi ngành hàng để phát triển nông nghiệp bền vững.

Sản phẩm nông nghiệp cho thị trường hiện nay cần sự tổng hợp của một chuỗi giá trị với mục tiêu sản phẩm cuối cùng phải có chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Để các mặt hàng nông nghiệp thắng cả xuất khẩu lẫn sân nhà, ở mỗi lĩnh vực, các đơn vị sản xuất và kinh doanh nông nghiệp cần thấu hiểu luật chơi TPP.

Làn sóng đầu tư, nguyên liệu máy móc nông nghiệp hiện đại vào nước ta.
Làn sóng đầu tư, nguyên liệu máy móc nông nghiệp hiện đại vào nước ta.

Bộ Tài chính đã công bố một số dòng thuế được miễn thuế ngay khi TPP có hiệu lực, trong đó có nhiều sản phẩm nông nghiệp và một số mặt hàng là đầu vào của ngành như động vật sống, thức ăn gia súc, một số sản phẩm sữa, ngũ cốc, gạo, cao su… 

Điều này sẽ dẫn đến luồng hàng nhập khẩu hàng hóa từ các nước thành viên TPP vào Việt Nam ngày càng lớn, do giá cả cạnh tranh hơn, chất lượng đạt chuẩn hơn và bao bì, mẫu mã đa dạng, phong phú hơn.

Khi đó, các quy trình công nghệ trong sản xuất nông nghiệp sẽ ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào các công ty cung cấp giống, vật tư, thức ăn, phân bón… từ nước ngoài, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước nhanh chóng đầu tư, thích ứng kịp thời với những yêu cầu, đòi hỏi của thị trường quốc tế.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh