ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, vùng nguyên liệu lớn trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức.
ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, vùng nguyên liệu lớn trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức. Yêu cầu đổi mới để thích ứng trên cơ sở tăng cường liên kết vùng là vấn đề đang đặt ra đầy thúc bách!
Nhiều mô hình mới
Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, 3 năm qua, ĐBSCL đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo ra diện mạo mới của vùng, nhất là những thành tựu trong sản xuất nông, thủy sản, xây dựng nông thôn mới. Nông dân ĐBSCL ngày càng tiếp cận và ứng dụng nhanh hơn với những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Mô hình cánh đồng lớn đạt được thành công bước đầu rất quan trọng trong liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, gắn sản xuất với thị trường; nông dân, nhà khoa học với doanh nghiệp. Xây dựng nông thôn mới bước đầu tạo ra diện mạo mới với 19 tiêu chí quốc gia, tạo ra không gian sống, lao động sản xuất và hưởng thụ vật chất văn hóa, tinh thần tốt hơn cho người dân.
Theo tính toán, mỗi hécta lúa tham gia trong “Cánh đồng lớn” nông dân có thể giảm được chi phí sản xuất 10% - 15%, giá trị sản lượng tăng lên 20% - 25%, thu lợi nhuận thêm 2,2 - 7,5 triệu đồng. Hiện nay, mô hình “Cánh đồng lớn” không giới hạn tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL mà đã được áp dụng tại nhiều địa phương trong cả nước. Mô hình này cũng không giới hạn ở sản xuất lúa mà còn được áp dụng đối với mía đường, cà phê, điều, chè, nuôi trồng thủy sản, rau quả an toàn,…
Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa. Ảnh: MINH TRƯỜNG |
Ngoài sản phẩm lúa gạo, ngành nông nghiệp ĐBSCL cũng đã xây dựng được các mô hình tổ chức liên kết chăn nuôi và nuôi trồng chế biến thủy sản. Điểm nổi bật của những mô hình này là doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư cho nông dân, tổ chức sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và bảo đảm thị trường tiêu thụ.
Nông dân là người trực tiếp sản xuất, nhận khoán theo định mức chi phí, được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất của họ. Những mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp kể trên đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển nông nghiệp ĐBSCL.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, quá trình phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL vẫn đang tồn tại nhiều yếu kém, bất cập, điển hình như: Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, không đồng bộ, khó kết nối với thị trường trong và ngoài nước; giao thông ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; thông tin về thị trường hạn chế, gây ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân, khó tạo điều kiện liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm; nguồn lao động ở nông thôn đang có xu hướng giảm và “lão” hóa… Đây là lực cản của ĐBSCL trong giai đoạn tới.
Liên kết - yêu cầu thúc bách
Bộ NN-PTNT đánh giá: Qua 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vùng ĐBSCL cho thấy những tín hiệu tích cực, đi đúng theo tinh thần của đề án theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Trong xu thế hội nhập quốc tế, sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Cơ hội rõ nét nhất là khả năng mở rộng thị trường trong và ngoài nước rất lớn do xu thế gia tăng nhu cầu sản phẩm nông nghiệp và lương thực trên thế giới. Các cơ chế, chính sách của Nhà nước đang tiến đến chỗ ngày càng minh bạch, ổn định hơn, khuyến khích được mọi thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, địa phương tiên phong trong việc thực hiện thí điểm, phân tích: “Vấn đề đặt ra là phải dựa lên chuỗi liên kết, giữa các ngành hàng, giữa nông dân với doanh nghiệp. Có thể nói đề án tái cơ cấu nông nghiệp là cuộc cách mạng.
Trong khiển khai sẽ đối mặt với những vấn đề khó”. GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, cho rằng chính sách đúng đắn sẽ khuyến khích nông dân rất nhiều; đồng thời, nhà khoa học sẽ tâm huyết, xã hội sẽ vào cuộc. Phải kết hợp được người nông dân lao động tốt, có kỹ thuật cao với những chính sách khuyến khích để cây lúa, hạt gạo phát triển mạnh.
Điều đáng lo ngại là hiện nay giá thành sản xuất một số hàng hóa còn khá cao, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế. Nguyên nhân là do hệ thống quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa còn nhiều bất cập; việc xây dựng hệ thống sản xuất theo tiêu chuẩn mô hình GlobalGAP, VietGAP còn gặp khó khăn.
Ngoài ra, ĐBSCL còn đối mặt với nhiều thách thức do thiên tai, dịch bệnh gia tăng và tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ. Do đó, để thích ứng với xu thế và điều kiện mới, ĐBSCL phải tăng cường liên kết vùng, nhằm tạo ra sức bật mới để phát triển bền vững! |
Theo http://sggp.org.vn/thongtincanuoc/DBCuuLong/2016/2/411542/
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin