Mênh mông "hai lúa" ở tứ giác Long Xuyên

01:02, 08/02/2016

Biết chúng tôi tìm kiếm những nông dân nhiều đất, có cách làm đột phá, ứng dụng khoa học kỹ thuật để làm giàu, chị Đỗ Thị Diễm Tuyền- Trưởng Ban Kinh tế (Hội Nông dân tỉnh An Giang) nói vui: "Tứ giác Long Xuyên không thiếu "Hai Lúa" được gọi là "vua", như "vua lúa giống", "vua xoài", "vua chế tạo máy nông nghiệp"… 

Biết chúng tôi tìm kiếm những nông dân nhiều đất, có cách làm đột phá, ứng dụng khoa học kỹ thuật để làm giàu, chị Đỗ Thị Diễm Tuyền- Trưởng Ban Kinh tế (Hội Nông dân tỉnh An Giang) nói vui: “Tứ giác Long Xuyên không thiếu “Hai Lúa” được gọi là “vua”, như “vua lúa giống”, “vua xoài”, “vua chế tạo máy nông nghiệp”… Và khi có dịp tiếp kiến 2 ông “vua lúa giống”, chúng tôi thấy “Hai Lúa” thật sự làm giàu với ruộng đất mênh mông.

Cánh đồng lúa bạt ngàn ở Tri Tôn.
Cánh đồng lúa bạt ngàn ở Tri Tôn.

Sáu Đức- từ làm lúa giống đến trang trại bò

Trước khi đến với đồng ruộng ở xã Lương An Trà, Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn- An Giang) và trở thành “vua lúa giống”, chú Nguyễn Lợi Đức (Sáu Đức) cho biết từng là thương hồ buôn bán đủ thứ qua Campuchia.

Khi “chán sông nước”, năm 1996 chú lên bờ “kiếm cục đất cắm dùi”, nhiều người bảo đất ở Lương An Trà vừa rộng lớn, vừa rẻ, nhưng là vùng phèn nặng “ngay cả nông dân thứ thiệt còn bó gối, nói chi như tui còn chưa phân biệt được cây cỏ với cây lúa”- chú Sáu nhớ lại.

Chú Sáu Đức “khoe” có thể tự lái các loại máy cày và đồng ruộng đã được cơ giới hóa.
Chú Sáu Đức “khoe” có thể tự lái các loại máy cày và đồng ruộng đã được cơ giới hóa.

Nhưng với sự kiên trì, “ham” lúa vừa làm vừa nghiên cứu, học hỏi cán bộ nông nghiệp nên sau vài năm “vật lộn” đồng ruộng đã khởi sắc. Cần mẫn tích lũy kiến thức, chú đã cùng nông dân thắng “giặc phèn” khai thác thành công vùng đất hoang cuối cùng của Tứ giác Long Xuyên để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Rồi lại thuê, lại mua thêm đất, đến nay đã có trong tay hơn 150ha đất.

Chú Sáu Đức thường được nói đến như một người tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đầu những năm 2000, bức xúc vì nông dân làm lúa không thuần, năng suất thấp “nhìn trên đồng lúa 3- 4 tầng… bông cỏ”, chú tìm đến Viện Lúa ĐBSCL, trường đại học… để học quy trình sản xuất lúa giống.

Được đầu tư khép kín từ khâu làm đất bằng “máy la-de” đến máy sấy hạt, đóng bao, kho bảo quản nên chất lượng ổn định và giá “hợp túi tiền” nên lúa giống của chú Sáu Đức được ưa chuộng. Đến năm 2009, chú thành lập Công ty TNHH 1TV “SD”, giống lúa thương hiệu “SD” bán ra thị trường trên 3.000 tấn/năm, vượt ra khỏi Tri Tôn đến nhiều tỉnh ĐBSCL. Có thời điểm, “SD” cung ứng trên 10.000 tấn/năm.

Hiện nay, chú Sáu Đức cho biết với công nghệ chan đất bằng lazer, ruộng phẳng đều rang, trước phải phân từng khu lung, cao, nông hay gò rồi vác cuốc đi ban vất vả lắm, giờ chỉ đứng một chỗ. “Chan đất tia lazer giống như nấu cơm bằng nồi cơm điện”- chú Sáu Đức ví von vui, bên cạnh “đã đầu tư cơ giới hết” để phục vụ sản xuất với 3 máy gặt đập liên hợp, 4 máy cày, rồi máy sấy, khử lẫn…

Coi như quy trình sản xuất lúa giống đã được cơ giới hóa và bây giờ chú lại chuyển sang lĩnh vực hoàn toàn mới: lập trang trại nuôi bò!

Trang trại bò nằm giữa cánh đồng xã Vĩnh Gia, chú trúng thầu thuê hơn 70ha đất công để mở trang trại bò siêu thịt quy mô 2.000 con. Cũng như vạt đất lúa trên 150ha ở Lương An Trà, chú cho đắp đê bao quanh với mặt rộng đủ cho xe tải ra vào.

Trang trại bò của chú Sáu Đức dự kiến sẽ có quy mô 2.000 con.
Trang trại bò của chú Sáu Đức dự kiến sẽ có quy mô 2.000 con.

Dù hiện mới bắt đầu với 400 con, chú đã nghiên cứu sử dụng chế phẩm làm đệm sinh học không chỉ giúp giảm chi phí lao động, mà còn tạo ra nguồn phân tự hoại độc đáo. Sau khi thu dọn có thể bón ruộng ngay và có tác dụng “đánh thức” cả những thửa đất tưởng như bất trị vì còn “ngậm phèn” nặng.

Hướng tới trang trại bò quy mô 2.000 con, nhưng chú Sáu Đức bảo chỉ đầu tư vốn cho lứa bò con “đầu dòng” từ các giống bò siêu thịt nổi tiếng Thái Lan, Australia, Pháp, Mỹ,… còn lại là bò cái giống địa phương. Việc “mượn bụng bò địa phương” để nhân đàn tạo ra thế hệ mới có chất lượng thịt của bò ngoại, nhưng có sức sống của bò nội, được GS.TS. Võ Tòng Xuân tán thưởng là: “Ý tưởng hay”.

Hai Hùng- “đất tui đẹp lắm”

Vợ chồng chú Hai Hùng tại TP Long Xuyên.
Vợ chồng chú Hai Hùng tại TP Long Xuyên.

Muốn được diện kiến “vua lúa” tại trang trại sản xuất lúa giống 320 công đất ở Óc Eo (huyện Thoại Sơn- An Giang), nhưng “vua” lại đang bận bảo trì ôtô, tất bật chuẩn bị đi Hà Nội nhận thưởng “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2015,… Thế nên, chúng tôi đành trở ngược ra TP Long Xuyên để gặp chú Nguyễn Quốc Hùng (Hai Hùng) tự nhận là: “nối nghiệp ông bà làm lúa nhưng tui làm hay hơn”.

Từ 2ha khởi nghiệp ở vùng đất Óc Eo gò cao, phèn nặng, rất nhiều người không kham nổi đã bán đất chạy lấy người, chú quyết tâm trụ lại “nối nghiệp làm ruộng”. “Có 10 năm hơn tụi tui mới chan khu đất bằng phẳng đó”- cô Lê Thị Hạnh- vợ chú Hai Hùng bảo vậy.

Trong lúc đất rẻ và nhiều người “nản”, cô chú làm ăn tích cóp, dành tiền mua thêm và cải tạo. “Cưng” ruộng, suốt ngày cuốc, cào gò cao đổ xuống đìa… Đến nay, cô chú không giấu sự sung sướng: “Đất tui đẹp lắm”, cùng với thương hiệu lúa giống Hùng Hạnh được nông dân nhiều nơi tín nhiệm.

Làm giống lúa đem lại hiệu quả tốt. 320 công đất làm không đủ, cô chú phát triển thêm 160 công hợp tác với nông dân quanh vùng. Rồi thành lập doanh nghiệp và hiện đã hình thành dây chuyền khép kín trong sản xuất lúa giống, đầu tư máy móc, hệ thống kho chứa, mạng lưới phân phối… “Tui đã có mạng lưới vệ tinh trên 10 điểm tiêu thụ lúa giống trong và ngoài tỉnh, cung ứng khoảng 1.000 tấn/năm”- chú Hai Hùng cho biết.

Chú Hai Hùng bảo rằng: “Phải giỏi mới làm ruộng được. Thời xưa con trâu đi trước cái cày đi sau, giờ tui đã làm hay hơn, đồng ruộng được cơ giới hóa, kỹ thuật canh tác biết hết… Trang trại đang tính chuyện liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa hàng hóa và dễ dàng đáp ứng các yêu cầu cao của họ”.

Trong trang trại sản xuất của cô chú hiện nay còn có 10 gia đình với khoảng 50 nhân khẩu gắn bó hơn chục năm qua. Họ được trả lương theo từng công đoạn: cấy, bón phân, xịt thuốc, bốc vác, cắt lúa… mỗi gia đình được chọn một công đoạn cụ thể.

“Các gia đình nông dân- công nhân này có mức thu nhập ổn định, được chúng tôi cấp nhà cửa kiên cố ngay trên đồng ruộng của gia đình. Họ giúp mình lo công việc đồng áng và cũng như thành viên trong gia đình, họ là một phần cuộc sống của chúng tôi”- cô Hạnh bảo. Còn chú Hùng tâm sự thật lòng: “Người nông dân làm với mình thì phải chăm lo cho họ để cùng nhau vươn lên, cùng hưởng lợi ích với mình”.

Với sự thành công trong sản xuất, làm thương hiệu lúa giống và một “đại gia đình” gắn bó, nên khi chúng tôi hỏi nguyện vọng phát triển, cô chú cùng cười: “Tụi tui luôn thèm thèm vài trăm công đất nữa. Có nhiều đất mới làm nhiều việcđược”. 

BÀI, ẢNH: LÝ AN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh