Có những thửa ruộng xuất hiện một loại lúa cỏ, còn gọi là lúa lộn, mọc thành từng chòm, cao hơn lúa thuần. Lúa cỏ cạnh tranh dinh dưỡng, làm ảnh hưởng sự quang hợp của lúa, gây thiệt hại đến năng suất và chất lượng gạo. Trong khi đó, cỏ dại chưa có thuốc đặc trị.
Có những thửa ruộng xuất hiện một loại lúa cỏ, còn gọi là lúa lộn, mọc thành từng chòm, cao hơn lúa thuần. Lúa cỏ cạnh tranh dinh dưỡng, làm ảnh hưởng sự quang hợp của lúa, gây thiệt hại đến năng suất và chất lượng gạo. Trong khi đó, cỏ dại chưa có thuốc đặc trị.
Nông dân phát bông lúa cỏ, bảo vệ lúa thuần, hạn chế lúa cỏ vụ sau. |
Lúa cỏ thường có ở vùng đất gò, ruộng thiếu nước, lúc ngập lúc khô. Hình dáng lúa cỏ lúc nhỏ khó phân biệt được với lúa thuần, nhưng khi lớn, bản lá lúa hẹp, màu hơi vàng, thân cao hơn lúa thuần, rất yếu rạ, dễ đổ ngã từng chòm. Lúa trổ sớm, hạt có đuôi rất dài, cũng có loại hạt tròn, dị dạng, nhiều màu sắc, nhưng tất cả có chung đặc tính là hạt gạo bị điểm, rất muối hạt, gặp gió mạnh là rụng xuống đất trước khi thu hoạch.
Tai hại nhất là lúa có đuôi dài, vịt tàu không ăn vì vướng cổ nên nó lưu tồn trong đất, nảy mầm rất mạnh dù ở độ sâu (không biết chừng nào hạt lúa bị hư)! Vì thế, khi ruộng có lúa cỏ rồi thì mùa sau sẽ nhiều hơn mùa trước, gây tràn lan cả thửa ruộng, lấn áp lúa thuần, gây thất thu nặng.
Để phòng tránh lúa cỏ, các nhà khoa học khuyến cáo, nông dân phải sử dụng giống xác nhận, đất phải trục trạc kỹ, bằng phẳng, đánh đường thoát nước tốt. Phun thuốc tiền nảy mầm sofit trước hoặc ngay sau sạ. Đưa nước sớm vào ruộng và giữ nước xăm xắp, đừng để ruộng bị khô.
Ngoài áp dụng biện pháp trên, nông dân ở ấp Thạnh Hòa (xã Đông Thạnh- TX Bình Minh) còn có kinh nghiệm đối phó với lúa cỏ ở vụ trước như:
- Sử dụng giống có thời gian sinh trưởng 100 ngày (OM 4900- OM 7347)…
- Sạ mật độ dày cỡ 22 kg/công để lấn áp lúa cỏ.
- Phát hiện nhổ bỏ lúa cỏ còn nhỏ.
- Khi lúa cỏ lớn sẽ có chiều cao hơn lúa thuần và trổ sớm hơn. Chờ đến khi nó trổ xong, chuẩn bị vào gạo thì dùng lưỡi hái cắt bỏ. Nếu nhiều quá thì dùng máy phát cỏ tay để phát ngang tầng bông lúa, tránh đừng cho đứt lá lúa thuần, lúc này lúa 100 ngày mới làm đòng, thấp hơn nhiều so với bông lúa cỏ. Phát như vậy, vừa loại bỏ bông lúa cỏ, vừa tạo quang hợp cho lúa thuần chuẩn bị trổ. Cần cắt lại những bông lúa cỏ còn sót, được bông nào thì hay bông nấy.
Có những miếng ruộng người ta còn bỏ vụ, ruộng cũng được làm đất, rút nước, nhử cho lúa cỏ mọc lên, sau đó dùng thuốc cỏ cháy để phun xịt tiêu diệt hầu bảo vệ lúa thuần vụ sau.
Có người thì gieo mạ để cấy, vì ruộng lúa cấy không cần rút nước thật khô, giữ chân ruộng có nước liên lục từ một tháng đầu, làm hạn chế lúa cỏ rất đáng kể. Cấy nhiều vụ sẽ tiêu diệt được lúa cỏ.
Diệt lúa cỏ phải thật kiên trì, diệt nhiều mùa, nhiều năm mới hết được. Nên xem lúa cỏ là một loại dịch hại rất nguy hiểm, một vấn nạn của nhà nông. Vì ruộng đã có lúa cỏ thì không bao giờ trúng mùa được. Bởi vậy, các anh bạn nhà nông bị lúa cỏ tấn công cám cảnh:
Ruộng người trông thấy mắc mê,
Ruộng mình thì lại ê chề thảm thay!
Lúa thuần chẳng trúng bằng ai,
Lúa cỏ, lúa lộn, ôi thôi quá nhiều!
Ra đường học hỏi đủ điều,
Về làm luốc bét vợ chê quá chừng!
Bài, ảnh: TRẦN HỮU THẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin