ĐBSCL: Trên 100.000ha lúa ảnh hưởng nặng bởi xâm nhập mặn

09:02, 18/02/2016

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu, dự báo các tỉnh vùng ĐBSCL sẽ chịu tác động mạnh của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trong Đông Xuân 2015-2016. Đặc biệt, ảnh hưởng đến công tác sản xuất lúa trên địa bàn vùng.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu, dự báo các tỉnh vùng ĐBSCL sẽ chịu tác động mạnh của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trong Đông Xuân 2015-2016. Đặc biệt, ảnh hưởng đến công tác sản xuất lúa trên địa bàn vùng.

 Chủ động bố trí cơ cấu thời vụ hợp lý là một trong những giải pháp phòng hạn hán, xâm nhập mặn (Ảnh: baocantho.com.vn)
Chủ động bố trí cơ cấu thời vụ hợp lý là một trong những giải pháp phòng hạn hán, xâm nhập mặn (Ảnh: baocantho.com.vn)

Trên 100.000ha lúa ảnh hưởng nặng bởi xâm nhập mặn

Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, dự kiến ảnh hưởng hiện tượng El Nino vẫn còn ở mức mạnh, kéo dài đến hết vụ Đông Xuân, do vậy nền nhiệt độ trong các tháng mùa khô 2016 ở ĐBSCL có xu thế cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C.

Bên cạnh đó, mực nước thượng nguồn sông Mê Kông tiếp tục xuống nhanh; đầu nguồn sông Cửu Long, khu vực Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và mực nước xuống dần trong thời gian tới.

Với điều kiện khí tượng trên, mùa khô năm 2015-2016, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiếu nước ngọt, nhiệt độ cao sẽ làm gia tăng bốc hơi, xâm nhập mặn; nước mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ hàng năm, xâm nhập sâu vào ĐBSCL và làm gia tăng nhu cầu nước cho cây trồng.

Do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, vụ Đông Xuân 2015-2016, diện tích lúa có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán của các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL khoảng 339.234 ha, chiếm 35,51% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm 21,88% diện tích xuống giống lúa Đông Xuân vụ 2015-2016 toàn vùng ĐBSCL.

Trong đó, diện tích có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán nặng là 104.731 ha, chiếm 10,90% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm 6,7% diện tích xuống giống lúa Đông Xuân 2015-2016 toàn vùng ĐBSCL.

Qua kết quả khảo sát tình hình hạn hán và xâm nhập mặn trong tháng 1/2016 của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tại 4 tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang cho thấy, diện tích lúa Đông Xuân 2015-2016 bị hạn, mặn khoảng 58.311 ha.

Trong đó diện tích lúa thiếu nước tưới 10.691 ha; diện tích lúa thiếu nước tưới các tháng tiếp theo ước khoảng 47.620 ha.

Cần bố trí thời vụ hợp lý

Theo dự báo của Trung Tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, xu hướng thời tiết, thủy văn từ nay đến tháng 6/2016, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trong năm 2016 tương đương hoặc ít hơn so với trung bình nhiều năm.

Trong những tháng đầu mùa hè, nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn so với trung bình hàng năm ở khu vực Nam Bộ; lượng mưa 6 tháng đầu năm ở ĐBSCL có khả năng cao hơn 10-20% so với TBNN. Trong các tháng đầu năm 2016, tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về khu vực ĐBSCL khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-40%, do vậy mực nước các trạm chính sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.

Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn, sớm hơn và sâu hơn cùng kỳ của mùa khô năm 2015 và so với trung bình nhiều năm. Trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn có thể xâm nhập sâu khoảng 50- 60km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70km; độ mặn sẽ tăng cao và kéo dài từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 5/2016.

Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, theo Bộ NN&PTNT, các tỉnh vùng ĐBSCL cần tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm để khắc phục tình hình. Trong đó, về sản xuất lúa, cần tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ Hè Thu 2016 và vụ Mùa 2016 hợp lý, tránh thời gian xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn; tập trung thực hiện nhanh và gọn.

Cụ thể, thời vụ lúa Hè Thu cần tập trung vào tháng 4, tháng 5, phù hợp  với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và sắp xếp thời vụ sản xuất lúa ở ĐBSCL. Không xuống giống lúa Xuân Hè do lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa khan hiếm vào các tháng đầu năm 2016. Với những vùng không chủ động về nguồn nước không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại.

Về cơ cấu giống, ngoài các ưu tiên cho sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, đặc biệt các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL.

Sử dụng các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Sử dụng các giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn trung bình – khá như: OM5464, AS996, OM2517,…cho những vùng khó khăn về nước tưới, chịu ảnh hưởng phèn, mặn.

Trên lĩnh vực thủy lợi, Công ty khai thác công trình thủy lợi các tỉnh cần quản lý chặt chẽ nguồn nước, tranh thủ những đợt xả nước của các hồ lớn tổ chức lấy nước và tích trữ vào các ao, hồ, trục sông, trục kênh; thực hiện tưới tiết kiệm nước, không để rò rỉ, thất thoát nước trên hệ thống kênh rạch nội đồng;nạo vét một số trục kênh chính, củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống điều tiết nước nhằm tăng khả năng trữ nước ngọt và giữ kín nước, giảm tổn thất rò rỉ.

Thêm vào đó, theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn trong và ngoài hệ thống cống, vận hành điều tiết nước theo quy trình ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo phân phối nước công bằng, hợp lý, hiệu quả; tận dụng tối đa thời gian mở cống lấy nước trong thời gian triều cường, độ mặn cho phép.

Về giải pháp lâu dài, cần bố trí lại cơ cấu cây trồng phù hợp; đa dạng hóa, phát triển các cây trồng có khả năng thích ứng với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, mang lại hiệu quả kinh tế cao;nghiên cứu chọn tạo các giống cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực và thực phẩm có khả năng chịu hạn, mặn tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.; quy hoạch, bố trí lại vườn cây ăn quả, cây công nghiêp hoặc chuyển đổi cây trồng; hoàn chỉnh hệ thống đê bao ngăn mặn dọc theo sông lớn, xây dựng các cống ngăn mặn tại các điểm trọng yếu của vùng chuyên canh cây ăn quả./.

Theo http://dangcongsan.vn/kinh-te/dong-bang-song-cuu-long-tren-100-000ha-lua-anh-huong-nang-boi-xam-nhap-man-371622.html

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh