Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp

08:01, 19/01/2016

Chất lượng nông- thủy sản thế mạnh ĐBSCL hiện rất khó cạnh tranh thị trường khó tính, đòi hỏi sớm tổ chức lại sản xuất phù hợp.

 

Chi cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn nông dân trị bệnh trên cam sành.
Chi cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn nông dân trị bệnh trên cam sành.

Chất lượng nông- thủy sản thế mạnh ĐBSCL hiện rất khó cạnh tranh thị trường khó tính, đòi hỏi sớm tổ chức lại sản xuất phù hợp.

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam đề xuất: “Nông dân cần kết hợp với nhau, tạo thành chuỗi ngành hàng, tuân theo một quy chuẩn chất lượng thống nhất như VietGAP, BAP,… để đảm bảo giá trị, độ an toàn, tin cậy cho sản phẩm làm ra”.

Học Nhật Bản làm nông nghiệp

Đánh giá nông nghiệp là ngành trọng điểm, đóng góp tới 1/4 GDP, nhưng theo TS. Võ Hữu Thoại, với việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp và những hạn chế trong tập quán, kỹ thuật canh tác cộng thêm quy mô canh tác manh mún, nhỏ lẻ sẽ khiến nền nông nghiệp khó phát triển.

Làm gì để cải thiện tình trạng này? TS. Võ Hữu Thoại cho rằng, cần học hỏi Nhật Bản trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm để phát triển nông nghiệp.

“Nông dân cần tạo thành chuỗi ngành hàng, tuân theo một quy chuẩn chất lượng thống nhất như VietGAP, BAP,… để đảm bảo giá trị, độ an toàn, tin cậy cho sản phẩm làm ra.”- TS. Võ Hữu Thoại khuyến cáo, đồng thời nói thêm:

“Thực tế những điều này đã được những nông dân Nhật Bản áp dụng từ hơn 50 năm nay, đưa Nhật từ một đất nước suy sụp, thiếu lương thực sau thế chiến thứ II trở thành một bậc thầy trong lĩnh vực nông nghiệp thế giới”.

Trong khi đó, ông Hideki Suzuki- Giám đốc Công ty TNHH Bellfarm (Nhật Bản) đã chia sẻ thành công về việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất:

“Ở Nhật, quỹ đất sản xuất rất hạn hẹp, lại thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai nên chúng tôi phải tối ưu hóa và làm tăng độ màu mỡ cho đất trồng. Một trong những kỹ thuật mà công ty áp dụng và đã thành công đó là sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp với vi sinh vật (theo một tỷ lệ hợp lý) thay cho phân hóa học và thuốc tăng trưởng”.

Việc trộn phân bón hữu cơ đúng cách giúp tăng lượng lợi khuẩn có sẵn trong đất, đồng thời cũng tăng độ phì nhiêu và làm mềm đất. “Với việc áp dụng thành công kỹ thuật pha trộn này, nông sản làm ra được đảm bảo tươi ngon và an toàn, đáp ứng được tiêu chuẩn đặt ra của những thị trường nhập khẩu khó tính nhất.”- ông Hideki Suzuki nói thêm.

Lo thói quen nuôi dày

Sản xuất thủy sản, cụ thể là cá tra cũng được xem như một mũi nhọn góp phần phát triển kinh tế ĐBSCL.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất thủy sản, hàng năm cung cấp hơn 52% sản lượng cho cả nước. Dù vậy, do những hạn chế về kỹ thuật chăn nuôi, chế biến cũng như khó khăn trong khâu tiêu thụ khiến cho ngành cá tra tiềm ẩn rủi ro.

Theo PGS- TS Nguyễn Thị Ngọc Anh (Khoa Thủy sản- ĐH Cần Thơ) thì ngành cá tra đang đối mặt khó khăn ở 2 nhóm chính: khâu tổ chức sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Lý giải việc này, PGS. TS Nguyễn Thị Ngọc Anh cho rằng, hiện tại việc phát triển vùng nuôi, cơ sở chế biến ở các địa phương chủ yếu là tự phát, thiếu quy hoạch và định hướng nên vấp phải vấn đề mất cân đối cung- cầu dẫn đến giá cả trên thị trường sụt giảm.

Chất lượng con giống không ổn định cùng với việc 70% nguyên liệu nuôi phải nhập từ nước ngoài cũng làm cho chi phí đầu vào tăng cao.

“Nông dân có thói quen thả nuôi theo mật độ dày trong thời gian dài, vô tình khiến môi trường nước bị ô nhiễm, vi khuẩn phát triển nhiều gây ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Những dòng vi khuẩn mới như khuẩn Edwardsiella ictaluri gây bệnh gan- thận mủ hay khuẩn Aeromonas hydrophila gây bệnh phù đầu, xuất huyết có thể làm tỷ lệ cá chết trong ao nuôi lên đến hơn 50%”- PGS- TS Nguyễn Thị Ngọc Anh lo ngại.

Bên cạnh, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, với việc 92% sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam ở dạng thô, hàm lượng chế biến thấp, phần lớn là phi lê đông lạnh nên không tạo được giá trị gia tăng cho ngành hàng.

Quảng bá nâng cao chất lượng nông sản.
Quảng bá nâng cao chất lượng nông sản.

Hiện tại, các doanh nghiệp chưa tập trung đầu tư nâng cấp trang thiết bị công nghệ, đa dạng hóa phân khúc sản phẩm cũng như chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam và xây dựng chuỗi phân phối sản phẩm cả trong lẫn ngoài nước cũng là một rào cản khiến ngành cá tra nước ta bị giảm khả năng cạnh tranh.

Thêm vào đó, việc xuất khẩu chủ yếu tập trung vào thị trường Mỹ và EU dễ dẫn đến rủi ro khi các thị trường này có biến động bất lợi.

Để giải quyết, PGS- TS Nguyễn Thị Ngọc Anh đề xuất, trước tiên cần quy hoạch lại vùng nuôi, chế biến cá tra. Trong đó, chú trọng đến các hoạt động sản xuất con giống; bảo đảm hài hòa lợi ích theo chuỗi giá trị từ người tiêu dùng đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu và công nghiệp phụ trợ cho ngành hàng cá tra.

“Trong những năm tới, không nên đầu tư các cơ sở chế biến cá phi lê đông lạnh nữa, mà chuyển sang thúc đẩy chế biến nhiều sản phẩm cao cấp đóng gói để tăng giá trị cho con cá tra, đưa đời sống hộ sản xuất và kinh tế doanh nghiệp đi lên.”- PGS- TS Nguyễn Thị Ngọc Anh kiến nghị.

 

Áp dụng công nghệ mới vào nuôi cá tra

Theo công bố của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II thuộc Tổng cục Thủy sản, hiện Viện đã thử nghiệm “Mô hình nuôi cá tra thâm canh bằng hệ thống tuần hoàn khép kín” (RAS) cho kết quả khả quan.

Ao nuôi đạt năng suất cao, ít thay nước và tăng cường đáng kể chất lượng thịt cá thương phẩm; từ đó, mở ra cơ hội cho nghề nuôi thâm canh, quy mô vừa và nhỏ có giá trị kinh tế cao.

Còn theo công bố khác của Khoa Thủy sản (ĐH Cần Thơ), sau 6 tháng thực nghiệm nuôi cá tra áp dụng công nghệ sục khí tiên tiến từ Đan Mạch tại vùng nuôi của Công ty Thuận Hưng (TX Ngã Bảy- Hậu Giang), tỷ lệ hao hụt giảm, cá tăng trưởng tốt, môi trường cải thiện nhiều so với ao nuôi truyền thống. Sắp tới, mô hình này sẽ được nhân rộng để phục vụ nhu cầu của các hộ nuôi ĐBSCL.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh