Nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng

05:01, 08/01/2016

Mưa lũ lớn tại miền Bắc, hạn hán khu vực Nam Trung Bộ; xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL đã tác động xấu đến sản xuất và đời sống của người dân, khiến cho trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đều bất lợi. 

Mưa lũ lớn tại miền Bắc, hạn hán khu vực Nam Trung Bộ; xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL đã tác động xấu đến sản xuất và đời sống của người dân, khiến cho trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đều bất lợi. 

Nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng
Tác động biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất thời gian tới.

Tuy vậy, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Cao Đức Phát tại hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn 2015 và 5 năm 2011- 2015 vừa diễn ra cho thấy, ngành nông nghiệp vẫn đạt được mục tiêu duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống dân cư nông thôn, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững.

Tăng trưởng ổn định

Năm 2015, mặc dù xuất khẩu nông- lâm- thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhưng tốc độ tăng GDP của ngành nông nghiệp cả nước vẫn đạt 2,41%, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,62%, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 30,14 tỷ USD. Đến nay, Việt Nam đã có 10 mặt hàng nông- lâm- thủy sản gồm: gạo, cà phê, cao su, cá tra, tôm, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, sắn và đồ gỗ xuất khẩu đạt mốc “tỷ đô”.

Trên thực tế, suốt năm qua khi nền kinh tế đất nước hội nhập sâu với “sân chơi” kinh tế thế giới, nông nghiệp được nhận định là ngành hưởng nhiều lợi ích. Đáng chú ý, năm 2015, nhiều loại trái cây như nhãn, vải, xoài đã tiếp cận được với nhiều thị trường xuất khẩu lớn như: Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản, giúp ngành nông nghiệp giảm bớt sự phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu 
truyền thống.

Tổng thể cả giai đoạn 2011- 2015, ngành nông nghiệp đạt mục tiêu duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu: tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 3,13%; giá trị sản lượng tăng bình quân 3,68%. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mức kế hoạch đề ra, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và bảo đảm an sinh xã hội của cả nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Cao Đức Phát, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều địa phương đã tạo được chuyển biến rõ nét trong việc lựa chọn cây, con chủ lực để tập trung đầu tư phát triển; tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu, đến chế biến và tiêu thụ với quy mô lớn hơn; ngành chú trọng quy hoạch và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tỷ lệ và tốc độ cơ giới hóa sản xuất đã tăng nhanh, giảm được khá nhiều tổn thất và chi phí. Hoạt động hợp tác quốc tế được tăng cường; tham gia tích cực đàm phán và tổ chức thực hiện các hiệp định thương mại và tháo gỡ rào cản, phát triển thị trường.

Ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao

Nhận định tình hình sản xuất năm 2016 và những năm tiếp theo, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, diễn biến về chính trị và kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp và khó lường. Sản xuất nông sản thế giới tiếp tục có xu thế tăng nhưng với tốc độ chậm. “El Nino- hiện tượng gây ra thời tiết cực đoan trên toàn thế giới đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam. 

Do ảnh hưởng của hiện tượng này, nền nhiệt độ trên toàn quốc đã tăng cao, lượng mưa thiếu hụt. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ và hiện tượng mùa Đông ấm ở khu vực miền núi, Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ”- Bộ trưởng cảnh báo.

Năm 2016, ngành nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng GDP đạt từ 3- 3,5%, bình quân giai đoạn 2016- 2020 từ 2,5- 3%. Giá trị xuất khẩu nông- lâm- thủy sản vào năm 2020 sẽ đạt 39- 40 tỷ USD. 

Để đạt kế hoạch, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tập trung tái cơ cấu, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, tạo được chuyển biến rõ rệt hơn trên thực tiễn. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đồng thời duy trì, sử dụng linh hoạt diện tích trồng lúa để vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh