Nông dân trồng màu chờ... tết đẹp

09:01, 20/01/2016

Tết sắp về! Ngoài trồng lúa, nông dân huyện Tam Bình còn xen canh trồng thêm nhiều loại rau màu đón tết. Diện tích trồng rau màu của huyện cũng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tết sắp về! Ngoài trồng lúa, nông dân huyện Tam Bình còn xen canh trồng thêm nhiều loại rau màu đón tết. Diện tích trồng rau màu của huyện cũng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Những ruộng dưa leo, khổ qua, dưa hấu, bí, bầu,… đã trổ hoa, hứa hẹn trúng mùa và chỉ chờ… giá đẹp.

Nông dân Tam Bình mong chờ tết đẹp.
Nông dân Tam Bình mong chờ tết đẹp.

Màu đón tết

Ngãi Tứ là xã có diện tích trồng màu nhiều nhất huyện Tam Bình, với hơn 400ha màu (màu xuống ruộng và màu xen vườn) trong dịp tết này. So với Tết Ất Mùi, diện tích màu của xã tăng khoảng 80ha. Cán bộ nông nghiệp xã- Phạm Thị Cẩm Giang cho biết: “Diện tích trồng màu tăng nhưng rải đều ở nhiều loại, dưa hấu cũng ít hơn trước”.

Đang lui cui với rẫy bắp, chú Nguyễn Văn Hùng (xã Ngãi Tứ) cho biết: “Đám bắp này, lối 25 tết là bẻ. Mong là được giá bởi tết người ta hay ăn bắp để “chắc ăn như bắp mà!” Gia đình chú Hùng có hơn một công đất chuyên trồng màu xen canh với ruộng lúa.

Nhìn giàn dưa leo đã thu hoạch xong đang rụi dần bên mấy cây bắp xanh nõn, chú Hùng giải thích: “Dưa leo ra bông thì tui tỉa bắp, bắp ăn phân theo dưa leo mà lớn. Mình vừa tưới dưa leo, vừa tưới bắp để gối vụ tiết kiệm thời gian và tiền bạc luôn”. Gia đình khó khăn, chỉ có vỏn vẹn miếng đất này nên chú Hùng chỉ mong sao kiếm được đôi ba triệu ăn tết.

Đám bắp tết của gia đình chú Hùng.
Đám bắp tết của gia đình chú Hùng.

Trong khi đó, chú Phan Văn Mười ở cùng xã chọn khổ qua cho mùa tết. Hôm nay, đám khổ qua bắt đầu cho trái chiếng.

Chú Mười nói: “Tui cũng có 1- 2 công đất trồng khổ qua thôi. Hôm nay thu hoạch kéo dài khoảng 30 ngày mới xong vụ”. Cũng như chú Hùng, chú Mười trồng khổ qua bởi: “Tết nhiều nhà phải có nồi khổ qua hầm ngày cuối năm để “cái khổ nó qua đi” mà đón năm mới sum vầy hạnh phúc”. Vả lại, được cái khổ qua không như đậu cove, đậu đũa cứ đôi ba ngày không cắt là trái phồng lên, già sụ không mua bán gì được.

Đang cân bầu cho lái, chú Nguyễn Văn Hiền cùng vợ là cô Bùi Hằng Nga cho biết: “Mỗi bịch 10kg, cái này tui cân cho lái Sóc Tro. Giàn bầu này bán dài tới tết nha!” Tờ mờ sớm, vợ chồng chú Hiền đã đi cắt bầu về bán, mỗi ngày thu hoạch khoảng 400kg. Chú Hiền cười tươi: “Đám bầu này hái cỡ 40 ngày mới tàn lứa à, lời khoảng 40 triệu, coi như tết này cũng ấm cúng rồi”.

Tết đẹp, an toàn

Rau màu đã sẵn sàng, bà con nông dân ở Tam Bình chỉ còn mong một mùa tết đẹp với giá tốt. Nhớ vụ dưa hấu năm rồi dội chợ còn 2.000 đ/kg, nhiều nông dân trồng dưa đã giảm diện tích và trồng đa dạng các loại rau màu.

Anh Nguyễn Văn Trà (xã Mỹ Thạnh Trung) nói: “Năm rồi, tui trồng hơn 3 công dưa, dội chợ lái không thèm cân. Vợ chồng tui phải huy động anh em bán phụ ở trong xóm, đầu đường,... hết sức mới huề vốn. Năm nay, tui trồng dưa hấu phân nửa, phân nửa trồng rau màu như rau thơm, rau muống, xà lách”.

Chị Hạnh- vợ anh Trà- lo lắng: “Tụi tui trồng thì trồng, đón thì đón vậy thôi chứ hên xui, bán xong hết mới yên tâm được”.

Không chỉ trồng đa dạng các loại rau màu, nông dân còn chú trọng việc trồng rau màu an toàn. Chú Hiền giới thiệu: “Bầu tui trồng xài phân hữu cơ, thuốc sinh học và cách ly đúng thời gian nên không sợ độc hại gì hết á”.

Đám khổ qua xanh mướt được chú Mười cưng như trứng mỏng, ít khi chú dám đi trên bờ. Hái trái, tưới dây chú đều lội dưới đường mương. Với những nông dân như chú Hiền, chú Mười trồng rau màu không chỉ để bán mà còn để mình ăn mà hễ “mình dám ăn thì mới dám bán cho bà con, trồng đồ độc hại, tội chết”.

Suốt ngày, nông dân ở ngoài rẫy chăm bón cho rau màu. Bởi màu tết không giống màu bình thường, đó còn là hy vọng cho mùa tết đẹp. Đó là nồi thịt heo kho rệu, mấy đòn bánh tét, dưa hấu, bánh mứt,… hàng trăm thứ mà tết cần dùng.

Chú Mười băn khoăn: “Lái mới gọi báo khổ qua 3.000 đ/kg. Giá này là khó kiếm lời. Nhớ mùa tết năm ngoái tui cân 10.000 đ/kg khổ qua”.

Trong khi đó, đám bầu của chú Hiền cũng mới bị tuột giá “từ 4.000 đ/kg còn có 3.000 đ/kg”. Với 400kg bầu, mỗi ngày chú Hiền bị mất 400.000đ. Chú cười hiền khô như cái tên mình: “Mong cho cận tết nó nhích lên được 4.000- 5.000 đ/kg là vợ chồng tui mừng hết lớn rồi. Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời suốt ngày ngoài ruộng chỉ mong nhiêu đó thôi!”

Giá cả bấp bênh, điệp khúc “được mùa mất giá” ám ảnh người dân lâu đời. Hơn thế nữa, việc thương lái cùng nhau ép giá thì nông dân cũng đành chịu thiệt. Trong khi giá dưa leo, bầu, khổ qua cân tại vườn chỉ từ 2.000- 3.000 đ/kg thì tại chợ người tiêu dùng vẫn mua với giá 8.000- 10.000 đ/kg.

 

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tam Bình, diện tích trồng hoa màu tết trong toàn huyện là 1.443ha, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Các xã trồng màu đợt tết nhiều là: Ngãi Tứ, Long Phú, Mỹ Thạnh Trung, Bình Ninh. Diện tích trồng dưa hấu là 94,2ha, giảm hơn 30ha so với cuối năm 2015.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh