Giảm diện tích lúa: cần thiết

05:01, 12/01/2016

Xuất khẩu lúa gạo Việt Nam đang thu hẹp dần do đối mặt với những thị trường mới nổi như Campuchia và Myanmar. Vì vậy, năm 2016, Bộ Nông nghiệp- PTNT tiếp tục khuyến cáo nông dân tiếp tục giảm diện tích trồng lúa lên khoảng 100.000ha sang trồng hoa màu.

Xuất khẩu lúa gạo Việt Nam đang thu hẹp dần do đối mặt với những thị trường mới nổi như Campuchia và Myanmar. Vì vậy, năm 2016, Bộ Nông nghiệp- PTNT tiếp tục khuyến cáo nông dân tiếp tục giảm diện tích trồng lúa lên khoảng 100.000ha sang trồng hoa màu.

Trồng bắp hoặc hoa màu khác thay thế lúa kém hiệu quả đang được khuyến khích.
Trồng bắp hoặc hoa màu khác thay thế lúa kém hiệu quả đang được khuyến khích.

Trồng lúa ngày càng khó khăn

Vụ lúa Hè Thu 2015, giá lúa gạo ở ĐBSCL đang dao động ở mức thấp, chỉ 4.100 đ/kg, lúa tươi loại thường còn lúa tươi hạt dài giá 4.500 đ/kg. Sức tiêu thụ chậm khiến nông dân và thương lái như ngồi trên lửa. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng rối bời vì sản lượng tồn kho nhiều nhưng đầu ra cứ ì ạch.

Thị trường lúa gạo diễn biến trong viễn cảnh đìu hiu. Nguyên nhân được đưa ra, do phần lớn nông dân gieo sạ giống lúa chất lượng thấp, cụ thể là giống IR50404, nên hạn chế thị trường xuất khẩu. Tới vụ lúa Đông Xuân này, nghịch lý lại xảy ra. Nhiều nông dân ở xã Nhơn Bình (Trà Ôn) cho biết, thương lái chỉ mua giống IR50404 nhưng lại “làm ngơ” với lúa chất lượng cao.

Từ các vụ lúa gần đây cho thấy, thị trường lúa gạo đang chịu phụ thuộc lớn, giá lúa luôn biến động, quan trọng hơn là nhu cầu nhập khẩu của một số thị trường hiện không nhiều. Nhất là, lúa gạo Việt Nam đang đối mặt với những thị trường mới nổi như Campuchia và Myanmar.

Xuất khẩu nhiều, lợi nhuận thấp trở thành nỗi lo thường trực của nông dân sau mỗi mùa thu hoạch. “Trung thành” với cây lúa, giữ nguyên diện tích nhiều năm qua đã dẫn đến sự dư thừa lương thực. Mặt khác, trước đây khoa học kỹ thuật chưa phát triển, các loại giống có năng suất trung bình, sản lượng lúa cả nước dao động chỉ khoảng 37- 38 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã đẩy tổng sản lượng lương thực luôn duy trì 45- 47 triệu tấn.

Tín hiệu thị trường và thực tế đã cho thấy đồng bằng đang thừa mứa lúa gạo. Thế nên, thời gian qua không chỉ tìm giải pháp tiêu thụ lúa gạo “đảm bảo nông dân lãi 30%”, mà vấn đề nên giảm bớt diện tích trồng lúa, chuyển đổi cây trồng khác, cơ cấu lại mùa vụ trên đất lúa cũng trở nên cấp thiết.

Thay lúa để tăng giá trị

Từ năm 2013, Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bộ Nông nghiệp- PTNT đã triển khai khá nhiều giải pháp trong đó chỉ đạo các địa phương khuyến khích nông dân chuyển diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng trồng khác.

Năm 2015, các địa phương đã chuyển đổi khoảng 34.600ha gieo trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, các cây màu và cây làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mức chuyển đổi này vẫn còn khá khiêm tốn so với kỳ vọng của ngành nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Cao Đức Phát, trong đề án chuyển đổi 700.000- 800.000ha diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm hoặc kết hợp trồng lúa và nuôi thủy sản (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt) sẽ chủ yếu chuyển đổi sang trồng bắp tại khu vực ĐBSCL với quy hoạch khoảng 200.000ha.

Lý do chuyển đổi, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tồn tại lớn nhất trong chăn nuôi của nước ta là đang phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, trong khi sản lượng bắp, đậu nành- nguyên liệu chế biến thức ăn hiện rất ít. Mỗi năm Việt Nam phải nhập khoảng 4,7 triệu tấn bắp để chế biến thức ăn chăn nuôi. Điều này đòi hỏi cần sớm giảm diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng bắp.

Năm 2016, theo Bộ trưởng, sẽ tiếp tục chuyển đổi lúa, dự kiến khoảng 100.000ha sang trồng một số cây hàng năm khác, chủ yếu là bắp. Duy trì tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm khoảng 7,6- 7,7 triệu hecta với năng suất bình quân 57,8 tạ/ha, sản lượng đạt 44,5 triệu tấn. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo và Đề án xây dựng thương hiệu gạo, chuyển đổi mạnh cơ cấu giống lúa ở khu vực ĐBSCL.

Năm 2015, diện tích rau, đậu các loại đạt 1,08 triệu hecta; sản lượng rau các loại 15,8 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2015. Song song với việc giảm diện tích lúa, năm 2016 sẽ tiến hành mở rộng diện tích bắp lên 1,22 triệu hecta, tăng 20.000ha so với năm 2015.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh