Tiết trời cận tết se lạnh là điều kiện thuận lợi để một số dịch hại nguy hiểm, nhất là rầy nâu trên cây lúa phát sinh, di trú và lây lan mật số cao. Vì thế, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân vui tết nhưng không quên chăm sóc ruộng đồng.
Tiết trời cận tết se lạnh là điều kiện thuận lợi để một số dịch hại nguy hiểm, nhất là rầy nâu trên cây lúa phát sinh, di trú và lây lan mật số cao. Vì thế, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân vui tết nhưng không quên chăm sóc ruộng đồng.
Bà con cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện và phòng trị sâu bệnh kịp thời. |
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long, tính tới thời điểm hiện tại lúa Đông Xuân xuống giống cơ bản dứt điểm trên 61.000ha, lúa chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh- đòng trổ, trà lúa xuống giống sớm bước vào giai đoạn thu hoạch hơn 3.000ha nên sinh vật gây hại có chiều hướng giảm.
Tại các địa phương có hệ thống thủy lợi nội đồng tương đối hoàn chỉnh, gieo sạ sớm như: xã Ngãi Tứ (Tam Bình), Trà Côn, Tích Thiện, Thiện Mỹ (Trà Ôn), nông dân tất bật thu hoạch lúa Đông Xuân sớm. Nhờ được chăm sóc và phòng trừ dịch hại tốt, hầu hết các trà lúa này đều đạt năng suất từ 6- 7 tấn/ ha, cá biệt có nơi đạt gần 8 tấn/ha.
Theo ông Bùi Văn Lễ (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) hiện giá thu hoạch lúa bằng máy trọn gói chỉ khoảng 280.000 đ/công. Trong khi đó, các ruộng lúa dự kiến thu hoạch sau Tết Nguyên đán những ngày qua đang đối mặt với nhiều loại dịch bệnh gây hại. Trong đó, rầy nâu di trú trên lúa giai đoạn đồng trổ đến chắc xanh khá cao nhưng mật số còn trong vòng kiểm soát.
Anh Nguyễn Văn Nguyện (xã Long Phú- Tam Bình) cho biết: Ngoài dịch chuột, thời điểm này những năm trước còn xuất hiện nhiều loại dịch bệnh khác như sâu cuốn lá nhỏ và đạo ôn gây hại. “Tui mới mua thuốc, dự kiến vài ngày nữa sẽ phun ngừa. Khoảng mùng 2, 3 tết lại tiếp tục ra đồng thăm chừng, phát hiện bệnh để phòng trị, chứ không là thất liền”.
Những ngày giáp tết, nông dân không thăm đồng thường xuyên hoặc thiếu quan sát nên đôi lúc không phát hiện tình hình dịch hại phát sinh trên ruộng. Một số trường hợp chủ động phun ngừa trước để sau đó yên tâm ăn tết, thế nhưng điều này làm cho dịch hại phát triển càng nhiều hơn mà nông dân không hay biết. Do đó, người dân không nên phun thuốc ngừa rầy nâu để ăn tết khi mật số rầy trên ruộng thấp, mà chỉ nên phun thuốc trừ rầy ở tuổi 2- 3 để tiêu diệt.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, ẩm độ không khí cao, sáng sớm có sương mù thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát triển trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, chú ý bệnh đạo ôn cổ bông trên các trà lúa trổ, khuyến cáo bà con nên phun ngừa đạo ôn cổ bông trước trổ và sau khi lúa trổ đều, đặc biệt lưu ý trên những chân ruộng thiếu nước, sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm có thể bị hại nặng.
Đối với lúa đang giai đoạn đẻ nhánh- đòng cần duy trì mực nước trên ruộng thích hợp hạn chế rầy chích hút thân cây lúa, khi rầy trưởng thành xuất hiện với mật số cao thì cần can thiệp ngay bằng thuốc chết nhanh (hoạt chất Fenobucard) và khi rầy cám xuất hiện mật số cao 3 con/tép, rầy tuổi 2- 3 thì cần phun xịt thuốc (hoạt chất Buprofezin) kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng”.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp- PTNT) cũng vừa có văn bản yêu cầu các địa phương theo dõi và phòng chống sinh vật hại cây trồng dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Theo đó, trước, trong và sau tết là giai đoạn cao điểm và dễ bộc phát một số dịch hại cây trồng, đặc biệt năm nay thời gian nghỉ tết kéo dài. Để bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân và bảo vệ thực vật, các tỉnh- thành, các trung tâm bảo vệ thực vật vùng thực hiện phân công lãnh đạo và cán bộ trực ban, phối hợp chặt chẽ với địa phương giám sát đồng ruộng, thường xuyên kiểm tra, phát hiện, cảnh báo và hướng dẫn nông dân phòng, chống dịch hại trước, trong và sau tết.
Đặc biệt lưu ý các dịch hại chính như đạo ôn, rầy nâu tại các tỉnh Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ. Phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng thông báo tình hình sinh vật gây hại trong dịp tết và vận động nông dân thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm và xử lý kịp thời; không tiến hành phun thuốc với mục đích phòng sinh vật gây hại khi không cần thiết để yên tâm ăn tết.
Bên cạnh công tác phòng chống dịch hại, hiện sở nông nghiệp- PTNT các tỉnh thành ĐBSCL đang khẩn trương khắc phục hiện tượng thiếu nước, xâm nhập mặn, khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên phát hiện và quản lý kịp thời các đối tượng rầy phấn trắng, nhện gié, muỗi gây lá hành, đạo ôn cổ bông. Với diễn biến thời tiết khá thuận lợi và hoạt động kiểm soát phòng chống dịch hại tốt, kỳ vọng vụ lúa Đông Xuân tiếp tục thắng lợi lớn.
Tại các tỉnh phía Nam, muỗi hành (sâu năn) xuất hiện cục bộ ở một vài địa phương ở giai đoạn lúa đẻ nhánh. Khuyến cáo nông dân ở những vùng thường xuất hiện muỗi hành áp dụng các gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải 5 giảm” để hạn chế thấp nhất khả năng gây hại của muỗi hành. Ngoài các đối tượng nêu trên, cần lưu ý ốc bươu vàng trên lúa ở giai đoạn mạ; sâu cuốn lá nhỏ, chuột, bệnh bạc lá vi khuẩn giai đoạn đẻ nhánh- trổ chín. |
Bài, ảnh: HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin