Tận dụng lợi thế, phát triển vịt nuôi

05:12, 01/12/2015

Vịt là vật nuôi truyền thống ở Vĩnh Long, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh nên những năm gần đây tổng đàn có chiều hướng giảm. Tận dụng lợi thế, ngành nông nghiệp đang tập trung khôi phục đàn nhằm tăng thu nhập nông hộ, nâng giá trị sản phẩm.

Vịt là vật nuôi truyền thống ở Vĩnh Long, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh nên những năm gần đây tổng đàn có chiều hướng giảm. Tận dụng lợi thế, ngành nông nghiệp đang tập trung khôi phục đàn nhằm tăng thu nhập nông hộ, nâng giá trị sản phẩm.

Nuôi vịt chạy đồng là hình thức khá phổ biến ở Vĩnh Long hiện nay. Ảnh: Thảo Ly
Nuôi vịt chạy đồng là hình thức khá phổ biến ở Vĩnh Long hiện nay. Ảnh: Thảo Ly

Ông Trương Vĩnh Yên- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long cho biết, toàn tỉnh có hơn 2,6 triệu con vịt, trong đó vịt đẻ khoảng 538.000 con. Đàn vịt đẻ cũng tăng dần từ năm 2010 đến nay.

Bên cạnh các sản phẩm thịt, thì trứng vịt muối cũng là thế mạnh của tỉnh, góp phần đa dạng hóa sản phẩm từ vịt, đáp ứng tốt yêu cầu trong nước và xuất khẩu. Vịt tươi sống cũng là sản phẩm thế mạnh, có trên 95% sản phẩm tiêu thụ tại nhiều thị trường trong nước.

Theo ông Trương Hữu Nghi- Chủ DNTN Vĩnh Nghiệp (Phường 4- TP Vĩnh Long), hiện ngoài tiêu thụ trứng vịt cho một số cơ sở trong nước như Tân Huê Viên, Kinh Đô, Siêu thị Co.opmart, doanh nghiệp còn xuất sang thị trường Singapore.

Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Thú y Vĩnh Long cho biết, đặc điểm sinh thái và cơ cấu sản xuất lúa 3 vụ luân phiên nhau giữa các cánh đồng nên nghề nuôi vịt chạy đồng cũng diễn ra liên tục. Một trong những giống vịt được chọn nuôi nhiều như Super M, vịt Hòa Lan, vịt nông nghiệp, vịt cò.

Chăn nuôi vịt chạy đồng có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên từ phụ phẩm nông nghiệp, thủy sinh. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều hộ nuôi do không tuân thủ tốt khâu tiêm phòng nên hình thức nuôi này thường xuyên xảy ra dịch bệnh, thiệt hại không nhỏ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- Nguyễn Thành Một nhận định, dịch bệnh đang là trở ngại phát triển đàn. Trong năm 2014, có hơn 8.000 con vịt mắc bệnh phải tiêu hủy, còn 9 tháng đầu năm nay đã tiêu hủy trên 3.000 con.

Vì thế, tận dụng lợi thế để tiếp tục phát triển đàn vịt nuôi hướng an toàn dịch bệnh đang là mục tiêu mà ngành nông nghiệp đang hướng tới. Nhiều chương trình hỗ trợ người nuôi phát triển đàn vịt đã được đầu tư.

Ông Trương Vĩnh Yên cho biết, từ năm 2010, từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, ngành đã thực hiện dự án “Chăn nuôi vịt siêu thịt an toàn sinh học”, quy mô hơn 8.600 con chuyển giao cho 40 hộ. Kết quả trọng lượng xuất chuồng 10 tuần tuổi đạt trung bình 3,8 kg/con, cho sản phẩm sạch, lãi khá; từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, trung tâm đã hỗ trợ 21 hộ dân xã Mỹ Lộc (Tam Bình) thực hiện mô hình nuôi vịt siêu thịt theo hướng an toàn sinh học sử dụng men Balasa.N01 làm đệm lót sinh học xử lý chất thải, với quy mô 4.200 con.

Bên cạnh, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi vịt giai đoạn 2015- 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh được giao thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển chăn nuôi vịt siêu thịt quy mô nông hộ theo hướng an toàn sinh học”. Hiện tại, dự án đã chuyển giao cho 40 hộ dân thuộc 5 xã của 4 huyện 8.000 con vịt siêu thịt. Vịt nuôi đã hơn 1 tháng tuổi phát triển tốt, tất cả đều được áp dụng đệm lót sinh học nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp đang quy hoạch lại vùng nuôi tập trung, nâng cao chất lượng con giống và cơ sở nhân giống, nhất là khuyến khích nông dân chuyển đổi mạnh mẽ từ chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ, nuôi chạy đồng sang chăn nuôi tập trung.

Ông Lê Thanh Tùng cho biết, chi cục cũng đã hoàn thành đề án nâng cao năng lực mạng lưới thú y cơ sở, xây dựng hệ thống giám sát, thông tin dịch bệnh từ các cấp. Nhờ vậy, kết quả tiêm phòng hiệu quả cao, dịch bệnh khống chế kịp thời khi mới phát sinh, không lây lan diện rộng.

Nghề nuôi vịt ở Vĩnh Long đang tồn tại 4 phương thức chủ yếu: Nuôi chăn thả (chạy đồng), với ưu điểm là tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp, chất lượng thịt ngon, song hình thức này thường gặp rủi ro bởi dễ lây nhiễm dịch bệnh. Nuôi nhốt kết hợp chăn thả, tận dụng thức ăn sau mùa vụ nên tiết kiệm chi phí. Nuôi nhốt hoàn toàn là phương thức đang được khuyến khích, bởi chất sản phẩm được kiểm soát tốt suốt quá trình nuôi. Nuôi vịt- cá kết hợp sẽ giảm được chi phí thức ăn, giảm công dọn chuồng, thuận lợi phối giống…

HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh