Điểm nhấn trong phong trào thi đua yêu nước huyện Long Hồ (giai đoạn 2010- 2015) là đã thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm gắn với thị trường, nâng cao thu nhập cho nông hộ trên cùng diện tích canh tác.
Điểm nhấn trong phong trào thi đua yêu nước huyện Long Hồ (giai đoạn 2010- 2015) là đã thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm gắn với thị trường, nâng cao thu nhập cho nông hộ trên cùng diện tích canh tác.
Nhờ áp dụng thành công tiến bộ kỹ thuật từ cây nhãn Edor, ông Viên thu lời tiền tỷ. |
Giá trị sản xuất tăng trên 1.200 tỷ đồng
Thi đua trên lĩnh vực kinh tế, cụ thể là trong nông nghiệp- nông thôn, huyện Long Hồ đã triển khai thực hiện khá hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế; trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp- thủy sản đạt gần 2.226 tỷ đồng, tăng hơn 1.200 tỷ đồng so năm 2010.
Đến nay, đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên 3.600ha tại 6 xã, góp phần tăng hiệu quả, lợi nhuận cho người dân.
Nổi bật, phải kể đến mô hình sản xuất lúa giống có năng suất, chất lượng cao của ông Phạm Văn Long (ấp An Phú A, xã Long An) với 2ha lúa cho lợi nhuận từ 250 triệu đồng/năm.
Trước đây, với 3 công ruộng, mỗi năm một vụ lúa năng suất 2,5- 3 tấn/ha, ông nghĩ “như vậy là quá thấp, cần phải tăng năng suất mới có thu nhập”. Cơ duyên đã đến khi ông được tham dự lớp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức. Nhờ áp dụng đạt hiệu quả, năng suất tăng lên 4- 4,5 tấn/ha. Sau đó, thấy lúa giống bán có giá gấp 2,5 lần so lúa thương phẩm, ông đến Trung tâm Khuyến nông tỉnh học hỏi kỹ thuật, rồi lần lượt sản xuất lúa giống xác nhận, nguyên chủng.
Năm 2007, ông đến Trường ĐH Cần Thơ học và ứng dụng thành công việc lai tạo giống lúa mới với tên riêng do mình đặt từ giống lúa Long Hồ 1 đến Long Hồ 10.
Ông vinh dự được Bộ Nông nghiệp- PTNT trao tặng danh hiệu “Nông dân sản xuất lúa giống sáng tạo toàn quốc”. Hiện mỗi năm, ông cung cấp ra thị trường 38- 40 tấn lúa giống nguyên chủng, xác nhận, lời gần 300 triệu đồng.
Ông cho biết: “Năm nay, tui mở rộng diện tích ra 3,5ha, dự kiến sẽ cung cấp 60 tấn lúa giống các loại”.
Trong làm vườn, nổi bật là mô hình áp dụng kỹ thuật trong trồng trọt và chiết cây giống nhãn Edor (còn gọi là Ido) của ông Huỳnh Văn Viên (ấp Tân Hòa, xã Tân Hạnh) cho lợi nhuận 1 tỷ đồng/ha/năm.
Hỏi về việc “bén duyên” với cây nhãn Edor, ông Viên cho biết: Vào những năm 1990, vườn nhà ông trồng cam, bưởi nhưng cây dễ bệnh, chi phí đầu tư cao, thu nhập không đủ để trang trải cho gia đình.
Qua báo, đài, ông đã tìm đến Trại giống Cái Xép (huyện Châu Thành- Đồng Tháp) tìm mua giống nhãn Edor được nhập về từ Thái Lan. Từ một ít số tiền tích cóp và mượn thêm, ông đã mua được 30 nhánh nhãn trị giá gần 1 lượng vàng với hy vọng “loại cây này sẽ mang lại nguồn thu nhập cao”.
Nhờ mày mò, tự nghiên cứu, ông đã nắm được toàn bộ kỹ thuật xử lý ra hoa trên cây nhãn Edor và chiết nhánh nhân rộng dần hơn 1ha đất với 700 cây. Trong đó, 400 cây xử lý cho trái, còn 300 cây dùng để chiết nhánh bán. Hàng năm, cung cấp ra thị trường trên 15 tấn trái và gần 50.000 nhánh.
Đã thành công, ông Viên luôn sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật trồng và cho tặng cây giống nông dân nghèo. Bên cạnh, với kỹ năng sư phạm mà ông đã học trước đây, ông đã nhiệt tình đứng lớp chuyển giao khoa học- kỹ thuật cho nông dân. Ông tâm sự: “Là nông dân nên tui hiểu nỗi vất vả của nông dân. Do đó, nếu giúp được là tui sẽ làm hết mình”.
Nâng cao giá trị, hiệu quả nông sản
Nhờ có phong trào thi đua, đã thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng hóa sản phẩm gắn với thị trường. Công tác khuyến nông, xây dựng các mô hình trình diễn đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực và được nhân rộng trên địa bàn huyện.
Nói như ông Lê Văn Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, sản xuất nông nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của huyện. Nhằm giúp nông dân nâng cao kỹ thuật canh tác, tăng thu nhập, phòng đã tổ chức nhiều cuộc chuyển giao, tập huấn, hội thảo về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.
Qua đó, người dân đã áp dụng thành công mô hình chuyển đổi đưa cây màu xuống ruộng gần 960ha, các mô hình trồng nhãn, hành lá theo hướng VietGAP 20, mô hình sản xuất rau an toàn 38ha.
Từ kinh phí của huyện và tỉnh, đã đầu tư trên 850 triệu đồng để thực hiện các mô hình nuôi gà nòi thả vườn trên đệm lót sinh thái, nuôi bò sinh sản, nuôi heo VietGAP.
Huyện cũng đã vận động nông dân đa dạng hóa đối tượng và phương pháp chăn nuôi gắn với tìm đầu ra sản phẩm như: ba ba, thát lát cườm, sặt rằn, lươn, ếch, nuôi cá tra xuất khẩu, cá điêu hồng lồng bè.
Nhờ đầu tư thủy lợi, huyện đã ổn định diện tích sản xuất lúa hàng năm hơn 16.500ha, năng suất 5,8 tấn/ha, sản lượng trên 96.000 tấn/năm; trồng màu hàng năm hơn 3.000ha, sản lượng gần 49.400 tấn/năm, cao hơn gần 18.000 tấn so năm 2010; diện tích trồng cây ăn trái gần 6.700ha, sản lượng trên 56.500 tấn/ha. Nuôi 335ha thủy sản, đạt khoảng 32.200 tấn/năm, tăng hơn 2.100 tấn so năm 2010.
Với mục tiêu “tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững”, ông Lê Văn Thành cho rằng: Trong thời gian tới, huyện sẽ tăng diện tích màu trên đất lúa, tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ và thủy sản.
Đặc biệt, quan tâm chọn giống cây, con đạt năng suất, chất lượng được thị trường ưa chuộng và có thể xuất khẩu được.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin