Chăn nuôi "đón đầu thị trường"

06:11, 10/11/2015

Chuyến đi cùng các nhà báo viết kinh tế vừa qua đưa chúng tôi về Bạc Liêu và Cà Mau, để tìm hiểu mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính và nuôi cá chình thương phẩm. Những mô hình đang mở ra triển vọng mới cho ngành chăn nuôi trên vùng đất "kén lúa" này.

Chuyến đi cùng các nhà báo viết kinh tế vừa qua đưa chúng tôi về Bạc Liêu và Cà Mau, để tìm hiểu mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính và nuôi cá chình thương phẩm. Những mô hình đang mở ra triển vọng mới cho ngành chăn nuôi trên vùng đất “kén lúa” này.

Trong lúc nuôi tôm truyền thống đang đối mặt thiệt hại do dịch bệnh, thì Công ty CP Việt- Úc Bạc Liêu (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) đã mạnh dạn “đi tắt đón đầu”, đầu tư 180 tỷ đồng để triển khai chương trình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh trong nhà kính theo công nghệ hiện đại.

Mô hình nuôi tôm trong nhà kính của Công ty CP Việt- Úc Bạc Liêu.
Mô hình nuôi tôm trong nhà kính của Công ty CP Việt- Úc Bạc Liêu.

Nuôi tôm… kiểu Úc

Trước khi bước vào khu vực nuôi tôm thẻ trong nhà kính, mỗi người được trang bị đồ bảo hộ, bước qua bể nước để…“sát trùng”.

Khu nuôi rộng rãi, nhà kính công nghệ Israel, hệ thống xử lý nước tuần hoàn của Mỹ được đầu tư bài bản, mục đích “đảm bảo chất lượng nước, ổn định cho tôm sinh trưởng, không gây ô nhiễm môi trường”. Nhờ vậy, tôm tăng trưởng nhanh, không nhiễm khuẩn, dư lượng hóa chất và thuốc kháng sinh.

Ông Dương Đức Trọng- Phó Giám đốc điều hành Công ty CP Việt- Úc Bạc Liêu cho biết, tháng 7/2015 vừa qua, vụ tôm đầu tiên được thả nuôi trên 414 ao nuôi, diện tích mỗi ao 500m2, mật độ thả giống 200- 500 con/m2.

Sau hơn 3 tháng, thu hoạch năng suất của các ao nuôi đạt từ 2- 4 tấn/ao, tương đương 40- 80 tấn/ha/vụ. Nếu mỗi năm thả nuôi 3 vụ, thì năng suất có thể đạt 120- 240 tấn/ha/năm, bằng hàng chục hecta nuôi tôm thông thường (năng suất nuôi thường từ 2- 3 tấn/ha).

Cũng theo ông Dương Đức Trọng, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính mang lại nhiều ưu điểm vượt trội, kiểm soát môi trường nước, ánh sáng, nhiệt độ nước ổn định, đồng thời kiểm soát được tảo, dịch bệnh bên ngoài.

Nếu vụ tôm vừa qua, nuôi truyền thống thiệt hại từ 70- 80% thì tỷ lệ tôm nuôi công ty đạt 100%, chi phí giảm từ 15- 20%.

“Tuy bước đầu sản lượng chưa lớn, chi phí đầu tư cơ bản còn cao nhưng sản phẩm làm ra là tôm thương phẩm, xây dựng được tiêu chuẩn quốc tế. Dự kiến trong năm nay, công ty triển khai nuôi thêm 300ha nữa và đến năm 2018, đạt diện tích hơn 1.000ha”- ông Trọng cho biết thêm.

Công ty CP Việt- Úc là tập đoàn lớn nhất Việt Nam trong ngành giống, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị ngành tôm theo mô hình khép kín, công nghệ cao để thực hiện khát vọng “Nâng tầm tôm Việt”. Hiện công ty đang hỗ trợ người dân kỹ thuật, con giống, thức ăn, sau đó thu mua tôm thương phẩm.

Với cách làm “đón đầu thị trường” giá trị con tôm của công ty đang được nâng lên bởi truy xuất được nguồn gốc, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là một trong các yếu tố làm gia tăng giá trị để tôm thẻ xâm nhập vào thị trường khó tính.

Triển vọng nuôi cá chình thương phẩm

Len lỏi vào con đường đan nhỏ ven dòng kinh nước phèn, mặn quanh năm, chúng tôi đến Hợp tác xã (HTX) Tân Thành Tiến (xã Tân Thanh- TP Cà Mau) tìm hiểu mô hình nuôi cá chình thương phẩm.

Thành lập từ tháng 5/2010, HTX Tân Thành Tiến hiện có 14 xã viên tham gia với vốn điều lệ 600 triệu đồng, có diện tích 2,8ha.

Ông Huỳnh Văn Hận- Giám đốc HTX cho biết, khu vực này trước đây tận dụng “nước trời” trồng lúa, tuy nhiên những năm gần đây đất phèn trồng lúa không hiệu quả, năng suất, chất lượng thấp.

Nuôi cá chình đem lại thu nhập khá ổn định cho nông dân Cà Mau.
Nuôi cá chình đem lại thu nhập khá ổn định cho nông dân Cà Mau.

Các thành viên HTX bàn bạc chuyển sang đào mương, nuôi cá chình thương phẩm. Để nắm kỹ thuật nuôi, ông Hận cùng các thành viên đi tham quan học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi nhiều nơi.

Do cá chình dễ nuôi, phù hợp vùng nước lợ ở địa phương nên cho hiệu quả khá cao. Ông Hận cho biết, cá giống có giá khoảng 1,5 triệu đồng/kg (khoảng 20 con/kg), giá cá thương phẩm dao động từ 600.000- 900.000 đ/kg. Năm 2014, doanh thu của HTX đạt 1,4 tỷ đồng.

Ngoài cung ứng nhu cầu thị trường trong nước, cá chình còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong với giá cả khá ổn định.

 

Ngoài Bạc Liêu, Công ty CP Thủy sản Việt- Úc cũng đã mở rộng mạng lưới sang các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận,… Chỉ tính riêng năm 2015, Công ty CP Thủy sản Việt- Úc Bạc Liêu đã cung cấp gần 5 tỷ con tôm giống cho các vùng nuôi tôm cả nước- trở thành đơn vị dẫn đầu trong việc cung cấp tôm giống chất lượng cho thị trường cả nước.

 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH- THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh