Cần Thơ mở rộng diện tích cánh đồng lớn lên 20.000 ha mỗi vụ

09:11, 10/11/2015

Ngay từ vụ lúa Đông Xuân 2015-2016, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ có kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất lúa theo mô hình Cánh đồng lớn lên 20.000 ha/vụ, tăng 2.370 ha/vụ so với năm 2015.

 

 

 Một góc cánh đồng lớn tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Một góc cánh đồng lớn tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Ngay từ vụ lúa Đông Xuân 2015-2016, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ có kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất lúa theo mô hình Cánh đồng lớn lên 20.000 ha/vụ, tăng 2.370 ha/vụ so với năm 2015.

Để thực hiện kế hoạch nói trên, thành phố Cần Thơ tập trung đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng tập trung phát triển vùng sản xuất lúa chuyên canh theo hướng liên kết gắn nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu.

Đồng thời, Cần Thơ tập trung hướng dẫn nông dân đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng hàng hóa nông sản từ khâu chế biến, bảo quản gắn với việc cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản phù hợp với các chuẩn quốc tế, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ cao...

Thành phố Cần Thơ cũng sẽ phát triển thêm một số thương hiệu nông sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng hiệu quả sản xuất và gia tăng lượng nông sản hàng hóa xuất khẩu.

Mặt khác, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi về vốn, cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu lúa gạo đầu tư cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ sản xuất chế biến, mở rộng vùng nguyên liệu, tăng cường ký kết hợp tác với nông dân.

Năm 2015, tổng diện tích sản xuất theo mô hình Cánh đồng lớn của cả ba vụ lúa trên địa bàn thành phố Cần Thơ đạt gần 48.000ha, bình quân mỗi vụ có 17.630ha với trên 12.545 hộ nông dân tham gia sản xuất ở 75 cánh đồng lớn.

Nhờ phát huy tính hiệu quả trong liên kết bốn nhà hình thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và xuất khẩu theo mô hình khép kín nên thu nhập cũng như lợi nhuận của nông dân sản xuất theo mô hình này tăng cao hơn bên ngoài.

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ, lợi nhuận bình quân từ mô hình Cánh đồng lớn cao hơn sản xuất bên ngoài mô hình trên 2,9 triệu đồng/ha. Điều này là nhờ nông dân áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật giúp tăng năng suất, chất lượng lúa gạo nhưng hạ giá thành sản xuất, giá bán cho doanh nghiệp cũng ổn định và cao hơn giá bán cho các thương lái bên ngoài.

Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 63ha lúa được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 100ha lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Ngoài ra, cũng từ mô hình Cánh đồng lớn mà trên địa bàn thành phố đã có 14 thương hiệu sản phẩm gạo được đăng ký từ 3 doanh nghiệp lớn là Trung An, Gentraco và Lương thực Sông Hậu.

Ưu điểm của mô hình Cánh đồng lớn thì không thể phủ nhận, tuy nhiên vẫn còn một vài vấn đề cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, đó là vẫn còn nhiều trường hợp cả nông dân và doanh nghiệp "bẻ kèo," tức không thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết khi giá lúa ngoài thị trường có nhiều biến động.

Đối tượng không thực hiện đúng hợp đồng có khi là nông dân nhưng cũng có khi là do doanh nghiệp thiếu năng lực. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng diện tích ký kết hợp đồng thì nhiều nhưng tỷ lệ thu mua lúa gạo qua hợp đồng còn thấp, có nơi chỉ đạt có 30-40% sản lượng đã ký kết./.

Theo http://www.vietnamplus.vn/can-tho-mo-rong-dien-tich-canh-dong-lon-len-20000ha-moi-vu/354283.vnp

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh