Rau an toàn - nhu cầu cấp thiết của người tiêu dùng

09:10, 12/10/2015

Rau là loại thực phẩm cần thiết không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mọi gia đình. Song, những năm gần đây, hiện tượng ngộ độc do ăn rau ngày càng nhiều.

Rau là loại thực phẩm cần thiết không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mọi gia đình. Song, những năm gần đây, hiện tượng ngộ độc do ăn rau ngày càng nhiều.

Trồng rau sạch. Ảnh: CTV
Trồng rau sạch. Ảnh: CTV

Ngoài những trường hợp gây ngộ độc cấp tính dẫn đến tử vong dễ nhận biết, còn các ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe cho mọi người vẫn chưa lường hết được. Những thông tin và tình trạng ngộ độc do dư lượng thuốc trừ sâu trong rau khiến người tiêu dùng hoang mang khi phải lựa chọn thực phẩm an toàn trên thị trường. Rau an toàn thật sự là một nhu cầu cấp thiết của người tiêu dùng.

Những sản phẩm rau tươi (bao gồm tất cả loại rau ăn củ, thân, lá, hoa quả) có chất lượng đúng như đặc tính giống của nó, hàm lượng các hóa chất độc và mức độ nhiễm các sinh vật gây hại ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và môi trường, thì được coi là rau an toàn.

Những nguyên nhân dẫn đến rau bị ô nhiễm: phần lớn do nhận thức của người sản xuất chưa đúng (hoặc thiếu hiểu biết hoặc chạy theo lợi nhuận), song phần nào cũng do khâu quản lý còn lỏng lẻo trong sản xuất, kinh doanh và cả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên rau. Trong xu thế của một nền sản xuất thâm canh, bên cạnh mức gia tăng về khối lượng và chủng loại, ngành trồng rau đang bộc lộ những mặt trái của nó. Việc rau bị ô nhiễm do hóa chất BVTV là vấn đề quan trọng. Khi phun thuốc trừ sâu, bệnh, cỏ dại… thuốc sẽ tạo thành một lớp mỏng trên bề mặt vật được phun (lá, quả, thân, mặt đất, mặt nước…) và có thể thấm sâu vào bên trong nông sản. Dù có rất nhiều chủng loại thuốc, nhưng nông dân thường có thói quen sử dụng một vài loại thuốc quen dùng, rẻ tiền, có độ độc cao, thậm chí dùng các loại thuốc đã bị cấm sử dụng. Ngoài ra, đa số nông dân ít chú ý đến thời gian cách ly, nhiều người phun thuốc ngày trước, ngày sau mang ra chợ bán. Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng mà nông dân ít quan tâm là hàm lượng nitrat quá cao (do sử dụng nhiều phân đạm) và tồn dư kim loại nặng trong sản phẩm rau xanh. Có thể nói hàm lượng nitrat vượt ngưỡng là triệu chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Để có sản phẩm rau an toàn tới người tiêu dùng, cần phải giải bài toán có nhiều ẩn số: kỹ thuật, kinh tế, xã hội (thay đổi tập quán canh tác và tiêu thụ) và quản lý nhà nước. Trước mắt, người sản xuất cần chú ý một số vấn đề khi sản xuất rau an toàn:

Không nên trồng rau trên các vùng đất được xác định là ô nhiễm hóa chất độc, kim loại nặng vượt mức cho phép, nhất là với các rau ăn lá, tốt nhất là trồng xa các nhà máy và các khu công nghiệp có độ ô nhiễm cao.

Nguồn nước tưới phải sạch. Tuyệt đối không dùng nước thải ở các khu công nghiệp, chuồng trại chăn nuôi để tưới cho rau.

Sử dụng phân hữu cơ rất tốt nhưng cần phải ủ hoai. Không dùng phân tươi tưới cho rau. Không bón phân đạm gần ngày thu hoạch.

Quan trọng nhất là khâu sử dụng thuốc BVTV. Để quản lý sâu bệnh hiệu quả và an toàn nên áp dụng các biện pháp quản lý tổng hợp, chú ý biện pháp canh tác để phòng ngừa sự phát triển sâu bệnh ngay từ đầu vụ; bảo vệ các sinh vật có ích giúp cân bằng sinh thái; sử dụng thuốc BVTV phải thật thận trọng, không nên phun ngừa hay phun định kỳ, chỉ phun khi thật cần thiết và nên chọn lọc những loại thuốc ít độc đối với người và môi trường, tốt nhất nên ưu tiên sử dụng những loại thuốc sinh học. Khi sử dụng thuốc BVTV phải tuân theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều và đúng kỹ thuật). Tuyệt đối không sử dụng những loại thuốc BVTV trong danh mục cấm sử dụng hoặc những loại thuốc hạn chế sử dụng, vì chúng có độ độc cao và lâu phân hủy. Không được pha trộn tùy tiện các loại thuốc khi phun, việc dùng thuốc nên luân phiên các loại sẽ hạn chế sự kháng thuốc của côn trùng. Không dùng những loại thuốc không rõ nguồn gốc hay đã mất nhãn. Cần thiết nhất là nên bảo đảm đúng thời gian cách ly được ghi trên nhãn thuốc.

Nếu có điều kiện, sử dụng nhà lưới, nhà kính để che chắn: nhà lưới, nhà kính có tác dụng hạn chế sâu, bệnh, cỏ dại, nắng hạn, rút ngắn thời gian sinh trưởng của rau, ít dùng thuốc BVTV. Sử dụng màn phủ nông nghiệp để phủ đất cũng sẽ hạn chế sâu, bệnh, cỏ dại, tiết kiệm nước tưới, hạn chế sử dụng thuốc BVTV.

Hiện nay, rau an toàn chỉ mới được sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Do vậy, chủng loại còn nghèo nàn, sản phẩm sản xuất ra chưa được chứng nhận chất lượng, nên đầu ra không ổn định. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải thành lập tổ hợp tác hoặc tổ liên kết sản xuất rau an toàn để có đủ tư cách pháp nhân đại diện nông dân ký kết hợp đồng kinh tế với các nơi tiêu thụ có uy tín trên thị trường. Đồng thời, thông qua tổ hợp tác, có điều kiện cùng tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật, cùng trao đổi các phương pháp canh tác sạch, có kế hoạch phối hợp, điều tiết trồng đủ các loại rau có khả năng cung ứng thường xuyên và ổn định cho thị trường.

Có thể nói, sản xuất rau an toàn cả người trồng rau (đầu vào) và người tiêu dùng (đầu ra) đều có nhu cầu. Vì sức khỏe cộng đồng, vì môi trường trong lành, cần mở rộng diện tích sản xuất rau sạch và việc sản xuất rau sạch sẽ phát triển khi lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng hài hòa, có chính sách quản lý và giám sát chất lượng, đảm bảo quyền lợi cho cả hai phía sản xuất và tiêu dùng.

Theo http://baodongkhoi.com.vn/?act=detail&id=45043

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh