Nơm nớp lo thực phẩm chứa chất cấm

06:10, 28/10/2015

Thời gian qua, Việt Nam đã nhập 68 tấn chất salbutamol (chất dùng để sản xuất thuốc chữa bệnh cho người), nhưng thực tế nhu cầu chất này chỉ có một phần nhỏ nên không loại trừ phần lớn còn lại bị tuồn ra ngoài sử dụng để chăn nuôi

“Thời gian qua, Việt Nam đã nhập 68 tấn chất salbutamol (chất dùng để sản xuất thuốc chữa bệnh cho người), nhưng thực tế nhu cầu chất này chỉ có một phần nhỏ nên không loại trừ phần lớn còn lại bị tuồn ra ngoài sử dụng để chăn nuôi”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảnh báo điều này tại hội nghị trực tuyến triển khai đợt cao điểm về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp vừa diễn ra, đồng thời chỉ đạo Bộ Y tế cần quản lý chặt đầu vào, đầu ra loại hóa chất này.

Các địa phương cần hình thành điểm cung ứng nông sản, thủy sản an toàn.
Các địa phương cần hình thành điểm cung ứng nông sản, thủy sản an toàn.

Kiểm soát chất cấm chưa chặt

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp- PTNT và các ngành liên quan phải ngăn chặn hiệu quả và giải quyết dứt điểm việc lưu thông, sử dụng chất cấm, đặc biệt là chất Salbutamol, Salmonella trong chăn nuôi; thực hiện kiểm tra chất tồn dư trong rau, thịt heo, thịt gà, thủy sản nuôi; hình thành được một số điểm cung ứng nông sản, thủy sản an toàn có xác nhận cho người tiêu dùng để phổ biến, nhân rộng trong thời gian tới.

Báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông- lâm sản và thủy sản cho thấy, 9 tháng đầu năm phát hiện 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn; 16% mẫu thịt phát hiện có vi khuẩn salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng...

Kiểm tra tại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y phát hiện và xử lý 5 công ty sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc không có trong danh mục cho phép, tịch thu 20kg chất bột màu trắng không rõ nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ...

Đáng lo ngại hơn, gần đây tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi có chiều hướng tăng, lan mạnh ra nhiều tỉnh- thành. Dẫn chứng vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Cao Đức Phát cho biết, các cơ quan chức năng đã phát hiện mẫu thịt tại Hà Nội và nhiều địa phương lân cận có chất tạo nạc, đồng thời khẳng định thịt chứa hóa chất cấm đã xuất hiện khắp cả nước, không chỉ ở Đông Nam Bộ hay TP Hồ Chí Minh.

“Hiện có một số người dân phản ánh đã mua cả bịch ny lông chất cấm về rồi trộn vào thức ăn cho gia súc gia cầm. Không chỉ chất cấm, năm nay chất kháng sinh cũng được sử dụng khá nhiều cho gia súc hay thủy sản không chỉ với mục đích ngừa bệnh mà nghiêm trọng hơn là nhằm kích thích tăng trưởng.

Tình trạng này khiến tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi lớn. Hơn nữa, khi người tiêu dùng ăn nhiều thực phẩm loại này sẽ dẫn đến lờn kháng sinh”- Bộ trưởng Cao Đức Phát lo ngại.

Theo một số tỉnh- thành, sở dĩ tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi xuất hiện nhiều là do công tác kiểm soát, kiểm tra xử lý chưa thật chặt chẽ. Kiểm tra chủ yếu là thử nước tiểu để phát hiện chất cấm rồi xử phạt thì mới chỉ giải quyết được phần ngọn, quan trọng là phải truy tìm và giải quyết tận gốc việc người dân mua ở đâu, doanh nghiệp nào nhập khẩu các chất này.

Truy tìm và xử lý tận gốc

Hộ nuôi cá ven sông ở Vĩnh Long đều cam kết không sử dụng chất cấm chăn nuôi.
Hộ nuôi cá ven sông ở Vĩnh Long đều cam kết không sử dụng chất cấm chăn nuôi.

Liên quan đến việc nhập chất salbutamol để sản xuất thuốc chữa bệnh cho người, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, bản chất salbutamol là chất sử dụng trong chế tạo thuốc chữa hen phế quản, là loại không thiếu được trong y tế nên buộc phải nhập khẩu và công ty dược được nhập khẩu để sản xuất thuốc.

Trên thị trường có thể người dân mua thuốc thành phẩm để sử dụng vào các mục đích khác hoặc là do buôn lậu nguyên liệu, hàng xách tay mà có.

Đây là vấn đề mà theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, “không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới hình ảnh của nông sản Việt Nam khi xuất khẩu nông sản sang thị trường thế giới”.

Vì vậy, đề nghị Bộ Y tế cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, tránh để tình trạng doanh nghiệp kê khai nhập về để sản xuất thuốc chữa bệnh cho người nhưng lại chỉ sử dụng một lượng nhỏ, còn lại tuồn ra ngoài thị trường bán trôi nổi. Đồng thời, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra ngăn chặn.

“Phải truy tìm chất cấm trong chăn nuôi như truy tìm ma túy, vì tác hại của chất cấm trong chăn nuôi không kém gì tác hại của ma túy, phải chặt tận gốc tại khâu buôn bán, nhập lậu chứ không chỉ phát hiện ở trại nuôi và xử phạt phần ngọn.”- Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Từ nay tới hết tháng 2/2016, Bộ Nông nghiệp- PTNT sẽ triển khai đợt cao điểm hành động “Năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp”. Nội dung trọng tâm là đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra chuyên ngành các mẫu thịt heo, thịt gà, rau quả, cá nuôi… nhằm ngăn chặn việc sử dụng chất cấm, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh