Từng được xem là loại nông sản "ăn nên làm ra" của nông dân xã Đa Phước (An Phú) nhưng cây khoai môn lại đang bước vào thời kỳ "thoái trào".
Từng được xem là loại nông sản “ăn nên làm ra” của nông dân xã Đa Phước (An Phú) nhưng cây khoai môn lại đang bước vào thời kỳ “thoái trào”. Đây là vấn đề cần nhìn nhận nghiêm túc, trước khi có những biện pháp hợp lý giúp loại cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho nông dân.
Quá khứ “vàng son”
Cách đây khoảng 20 năm, vùng quê Đa Phước được xem là “xứ sở” của cây khoai môn. Rất nhiều gia đình đã khấm khá lên nhờ vào loại nông sản này. “Cây khoai môn được mang về đây đã rất lâu nên người dân cũng “nặng tình” với nó.
Trước kia, bước ra đồng là bắt gặp những rẫy khoai xanh mướt, nhất là những khu vực đất bãi luôn phủ đầy màu xanh của cây khoai môn” - ông Nguyễn Văn Dẫn, người dân địa phương, nhớ lại.
Nông dân “gặp khó” với cây khoai môn |
Vốn là loại cây dễ trồng nên khoai môn bén rễ rất nhanh ở vùng đất ven sông. Nước rút, nông dân đã rục rịch chuẩn bị xuống giống. Sau gần 5 tháng chăm sóc, khoai môn cho thu hoạch. Mùa thu hoạch khoai được xem là “mùa vui” của người nông dân, bởi loại cây này sở hữu cả hai yếu tố năng suất và giá cả.
“Mỗi công khoai thường cho 2 tấn củ. Nếu là người có kinh nghiệm thì có thể đạt gần 3 tấn/công. Chi phí đầu tư cho khoai môn khoảng 7 - 8 triệu đồng/công. Khi khoai được giá, người trồng có thể thu lãi trên 10 triệu đồng/công” - ông Dẫn tiếp lời.
Ông Dương Văn Oai, thương lái chuyên thu mua khoai môn, cho biết: “Tôi thường đến thu mua khoai môn của bà con tại Đa Phước, Vĩnh Hậu (An Phú). Bình quân mỗi ngày, tôi thu mua khoảng 20 tấn khoai, cao điểm thì sản lượng tăng lên gấp đôi. Cứ sau mỗi vụ thu hoạch, đa số nông dân đều “rủng rỉnh” túi bởi đồng lãi rất thạnh”.
Thực trạng khó khăn
Sau thời kỳ “hoàng kim”, cây khoai môn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trước tiên là về điều kiện sản xuất. Cần nhớ rằng, khoai môn có đặc tính “ưa đất mới” và thường cho năng suất cao trong thời kỳ đầu canh tác. Sau hơn 2 thập kỷ độc canh, cây khoai môn Đa Phước đã có hiện tượng “trùng rễ”.
Vốn được xem là “chuyên gia khoai môn” tại địa phương, ông Trần Minh Hùng, chia sẻ: “Nếu chỉ canh tác cây khoai môn trên một mảnh đất, chắc chắn sẽ không đạt năng suất cao. Hiện nay, những rẫy khoai tại cánh đồng thuộc 2 ấp Hà Bao I, Hà Bao II đều chỉ nhờ vào việc sử dụng phân hóa học liều lượng cao. Do đó, chi phí sản xuất đội lên, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân.
Thực tế, chỉ những khu vực đất bãi ven sông là còn có thể tranh thủ nguồn lợi phù sa từ nước lũ để trồng khoai môn đạt năng suất cao”.
Bên cạnh đó, vấn đề khiến nông dân lo lắng nhất là tình trạng khoai mất giá liên tục trong thời gian qua. Đã có thời điểm, khoai môn trượt giá từ 20 triệu đồng/công xuống còn... 700.000 - 800.000 đồng/công.
“Rất nhiều người chấp nhận xới bỏ rẫy khoai vì đợi quá lâu mà thương lái không đến mua. Đến khi họ chấp nhận mua thì chỉ đào lấy củ cái, còn dáo khoai thì bỏ đi khiến tụi tui “xót ruột” lắm. Vụ khoai rồi, đa số nông dân đều thua lỗ nặng, có người đã nợ tiền vật tư nông nghiệp đến mấy chục triệu đồng” - ông Hùng thật tình.
Theo nhiều nông dân, khoai môn được thương lái thu mua để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan và bán ra một số tỉnh trong khu vực ĐBSCL.
Tuy nhiên, khách hàng chủ lực là thị trường Trung Quốc đang có dấu hiệu “đóng băng” với cây khoai môn, trong khi nguồn cung lại quá dồi dào. Trước thực tế trên, nông dân cần có biện pháp chuyển đổi cây trồng hợp lý, cân đối diện tích khoai môn, tránh tình trạng cung vượt cầu, dẫn đến hiện tượng “dội hàng” như thời gian qua.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Phước Nguyễn Quang Trí cho biết: Vụ sản xuất vừa qua, trên địa bàn xã có hơn 60 hộ trồng khoai môn, với diện tích khoảng 158 héc-ta. So với năm 2014, diện tích canh tác khoai môn đã giảm 15%. Vì loại nông sản này liên tục gặp khó khăn về giá cả trong thời gian qua đã khiến nông dân quay sang canh tác các loại hoa màu khác. |
Theo http://www.baoangiang.com.vn/Chuyen-muc-khac/Trong-tinh/Noi-buon-cay-khoai-mon.html
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin