Lo kỹ thuật, đừng quên thị trường

08:10, 09/10/2015

Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh- sạch là xu hướng và hiện được nhiều tỉnh- thành ĐBSCL áp dụng. Tuy nhiên, bên cạnh khâu kỹ thuật rất cần đầu tư tìm thị trường tiêu thụ nhằm tạo sự hài hòa để nông dân mạnh dạn tham gia.

Có rất nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi được chuyển giao kỹ thuật để đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh- sạch là xu hướng và hiện được nhiều tỉnh- thành ĐBSCL áp dụng. Tuy nhiên, bên cạnh khâu kỹ thuật rất cần đầu tư tìm thị trường tiêu thụ nhằm tạo sự hài hòa để nông dân mạnh dạn tham gia.

A9_a (11).JPG
Chưa có sự khác biệt giá cả giữa nông sản sản xuất an toàn với sản xuất thường.

Sản phẩm bị đánh đồng

Nhiều nông sản đạt tiêu chuẩn trong nước lẫn quốc tế, nhưng ra thị trường giá cả bị đánh đồng so sản phẩm sản xuất thông thường. Chuyện này không mới, nhưng thời gian dài vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) là minh chứng, khi tiên phong ở ĐBSCL trong việc xây dựng mô hình canh tác GlobalGAP nhưng rồi “chết yểu” vì giá bán như sản xuất thường. Bưởi Năm Roi ở Bình Minh (Vĩnh Long) cũng tương tự, khi khoảng năm 2010, hợp tác xã (HTX) không có tiền để tái chứng nhận GlobalGAP để rồi thời gian dài chỉ còn… cái tiếng.

Đến năm 2012 được UBND tỉnh hỗ trợ, tái thiết lại HTX và tiếp tục sản xuất theo hướng an toàn. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Đức- Giám đốc điều hành HTX, thì hiện giá bán bưởi sản xuất an toàn chỉ hơn sản xuất thường khoảng 1.000 đ/kg, trong khi chi phí sản xuất tăng hơn khá nhiều, nên nhiều xã viên không còn mặn mà tham gia. Từ 23 xã viên, hiện chỉ còn 14 xã viên sản xuất trên diện tích khoảng 26ha. 

Nhiều xã viên cho biết, dù nông sản canh tác theo tiêu chuẩn nhưng thực tế chỉ bán được 20- 30% sản lượng giá cao hơn thị trường chút ít, còn lại phải bán giá bình thường.

Ông Trần Văn Hiền- Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hậu (Long Hồ) minh chứng điều này, khi cho biết đã liên kết cung ứng rau với mạng lưới siêu thị, metro, các bếp ăn tập thể… với giá cao hơn chút đỉnh, nhưng sản lượng cũng chỉ bán vài chục ký so sản lượng sản xuất khoảng 200kg mỗi ngày, còn lại tiêu thụ giá cả như rau thường.

Cần đầu tư đồng bộ

Không riêng cây ăn trái, rau, củ quả, mà thời gian qua người trồng lúa, nuôi trồng thủy sản còn ứng dụng khoa học kỹ thuật. Từ năm 1991, Vĩnh Long đã áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa, sau đó là chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”.

Và gần đây nhất tỉnh triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn, không chỉ đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà mục tiêu liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ổn định.

Tuy nhiên, thực tế chưa đem lại kết quả mong muốn, nông dân áp dụng tốt các kỹ thuật nhưng đầu ra vẫn là trở ngại. Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, trong Vụ Đông Xuân 2014- 2015, chỉ có 2 huyện Trà Ôn và Long Hồ được các doanh nghiệp bao tiêu lúa gạo, sản lượng trên 4.000 tấn với diện tích 521/11.253ha gieo trồng.

Trong khi đó, sau hơn 1 năm thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, tỉnh đã xây dựng vùng nuôi cá tra được chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BMP và 2 cơ sở sản xuất giống tiêu chuẩn GlobalGAP nhưng vẫn thúc đẩy nông dân mạnh dạn nuôi trở lại, bởi giá thấp và tiêu thụ vẫn còn là trở ngại.

Nhiều chuyên gia nhận định, đầu tư khoa học công nghệ là rất quan trọng khi tái cơ cấu nông nghiệp. Điều đó là đúng, là điều kiện cần nhưng chưa đủ, bởi còn “quan hệ 3 nhà”- nhất là doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu.

Thực tế, nhiều hợp tác xã ngoài tận dụng tốt tên tuổi, chứng nhận GlobalGAP, còn linh hoạt điều tiết sản xuất đem lại kết quả. Điển hình là HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ).

Ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc HTX cho biết, không chịu sản phẩm làm theo quy trình bán đồng giá, từ năm 2000, HTX đã áp dụng sản xuất nghịch vụ nên giá cao hơn sản phẩm thường từ 7- 8 lần và tiêu thụ khá dễ dàng. Dẫu vậy, cách làm như HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước hiện không phải là quá phổ biến, bởi còn nhiều nguyên nhân.

Cần quan tâm đầu tư song song yếu tố kỹ thuật và tìm thị trường cho nông sản.
Cần quan tâm đầu tư song song yếu tố kỹ thuật và tìm thị trường cho nông sản.

Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đang chịu nhiều rào cản về chất lượng thì việc đầu tư kỹ thuật đạt chuẩn trong sản xuất là cần thiết. Tuy nhiên, đầu ra vẫn được đánh giá là tiêu chuẩn quan trọng đánh giá nông sản có chất lượng mức nào.

Khi nhận định về chất lượng nông sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Trần Thanh Nam từng cho biết, chỉ mới tập trung các giải pháp kỹ thuật, chứ chưa tính tới đầy đủ khả năng tiếp cận thị trường và thu nhập của nông dân nên khó duy trì bền vững và mở rộng.

Tại hội nghị “Tiêu thụ hàng nông sản trong bối cảnh hội nhập- kinh nghiệm từ ĐBSCL” diễn ra tại Cần Thơ mới đây, GS.TS Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ cũng lưu ý, cùng với chất lượng, sản phẩm cũng cần tính đến chuyện cạnh tranh, tạo ra sản phẩm bằng mẫu mã. Và nông sản sạch vẫn là hướng đi tất yếu, là giấy thông hành để hàng hóa nông sản Việt Nam rộng cửa vào thị trường thế giới.

Mục tiêu của Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long trong việc xây dựng các mô hình đạt VietGAP, GlobalGAP nhằm hình thành những mô hình kiểu mẫu, từng bước định hình xu hướng sản xuất hiện đại. Song song sẽ tìm những doanh nghiệp tiêu thụ để đưa sản phẩm đi vào một thị trường riêng dành cho thực phẩm sạch, giúp nông dân tin tưởng tham gia mô hình.

 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh