100 tỷ đồng và lúa VietGAP Tân Long

06:10, 27/10/2015

Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) ở xã Tân Long (Mang Thít) đang chứng minh hiệu quả khi năng suất lúa và diện tích không ngừng tăng. Qua hơn 4 năm triển khai, mô hình đã đóng góp lợi nhuận cho nông dân tham gia trên 100 tỷ đồng.

Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) ở xã Tân Long (Mang Thít) đang chứng minh hiệu quả khi năng suất lúa và diện tích không ngừng tăng. Qua hơn 4 năm triển khai, mô hình đã đóng góp lợi nhuận cho nông dân tham gia trên 100 tỷ đồng.

Nông dân xã Tân Long phấn khởi khi tham gia CĐML.
Nông dân xã Tân Long phấn khởi khi tham gia CĐML.

Ban Quản lý Dự án CĐML vừa tổng kết mô hình, khánh thành đưa vào sử dụng một số công trình hạ tầng đồng ruộng, đồng thời tiếp tục khẳng định, mô hình này là hướng đi tất yếu, là giải pháp thiết thực để tiến tới sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn.

Sau khi Ban Quản lý dự án CĐML phát động xây dựng CĐML vào vụ lúa Đông Xuân 2011 với diện tích khoảng 400ha, đến nay Tân Long đã chủ động nhân rộng gần 560ha, chiếm gần 90% diện tích sản xuất lúa toàn xã (620ha), với gần 1.000 hộ tham gia. Mô hình phát huy hiệu quả với năng suất lúa vụ Đông Xuân bình quân 7- 8 tấn/ha; tăng khoảng 1 tấn so bên ngoài. 

Quá trình tham gia, nông dân ngày càng nhận ra được lợi ích lớn mà CĐML mang lại như được hỗ trợ 50% chi phí mua lúa giống xác nhận vụ Đông Xuân trong 4 năm, 100% chi phí tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất lúa theo quy trình VietGAP, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và hỗ trợ chi phí mua máy cơ giới nông nghiệp.

Bên cạnh, nông dân được các công ty đầu tư thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo hình thức trả chậm, thực hiện chương trình cùng nông dân ra đồng, hỗ trợ kiểm soát đồng ruộng và thực hiện các biện pháp kỹ thuật làm tăng năng suất và chất lượng lúa.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, trong năm thứ 3, được sự hỗ trợ của ban quản lý về kỹ thuật, hướng dẫn ghi chép sổ tay, tháng 4/2014, có 24 hộ dân thuộc Tổ hợp tác sản xuất lúa số 1, ấp Ngã Ngay được Trung tâm Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Vùng 6 cấp chứng nhận VietGAP cho trên 24ha.

Nông dân trong CĐML thực hiện khá tốt việc gieo sạ 1- 2 giống lúa chất lượng.
Nông dân trong CĐML thực hiện khá tốt việc gieo sạ 1- 2 giống lúa chất lượng.

Ông Bùi Văn Sáu (ấp Ngã Ngay) tham gia sản xuất lúa VietGAP cho biết, mô hình không chỉ giúp nông dân giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo ra hàng hóa chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng và môi trường.

“Từ ngày được cấp chứng nhận VietGAP đến nay, tuy chưa được doanh nghiệp bao tiêu nhưng lúa hàng hóa của các thành viên trong tổ rất dễ bán hơn lúa sản xuất thông thường. Lúa chủ yếu được các thương lái thu mua, không còn bị ép giá, nông dân rất yên tâm khi tham gia”.

Cũng theo ông Bùi Văn Sáu, lúc mới tham gia, bà con còn lúng túng trong việc ghi chép nhật ký, chưa hiểu hết được lợi ích. Tuy nhiên, qua vận động và nhờ cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, người dân đã nhiệt tình tham gia hơn và việc thực hiện cũng tốt hơn.

Còn theo ông Dương Phú Đông (ấp Thanh Bình): “Lúa được cấp chứng nhận VietGAP nhiều người biết đến, nên đầu ra ổn định, không còn bấp bênh, nông dân an tâm sản xuất hơn. Bên cạnh đó, sản xuất theo quy trình có đồ bảo hộ lao động không chỉ an toàn cho người sản xuất mà còn an toàn cho người tiêu dùng”.

Xác định hạ tầng đồng ruộng có vai trò rất quan trọng phục vụ sản xuất, năm 2014, Ban Quản lý dự án CĐML đã hỗ trợ địa phương trên 20 tỷ đồng triển khai nâng cấp nhiều tuyến đê bao, đường trục cơ giới nội đồng và kiên cố một số đập quan trọng, đáp ứng tiêu chí hạ tầng đồng ruộng. Đến nay, các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt sản xuất cho toàn bộ diện tích lúa trong CĐML và đi lại cho người dân.

Đánh giá những kết quả, Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm cho biết, qua 4 năm mô hình đã đóng góp lợi nhuận cho nông dân tham gia trên 100 tỷ đồng. Ngoài ra, giúp gắn kết ngày chặt chẽ hoạt động sản xuất lúa giống, ứng dụng kỹ thuật, từ đó nâng cao năng lực quản lý, tiến tới xây dựng thương hiệu giống lúa hướng bền vững.

Tuy nhiên, cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, hạn chế lớn nhất của mô hình việc liên kết “4 nhà” thời gian qua chưa chặt chẽ, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp bao tiêu lúa cho nông dân. Nguyên nhân, do đường sá, thủy lợi chưa thông suốt nên khâu vận chuyển lúa hàng hóa còn khó khăn.

Vì vậy, với việc các công trình hạ tầng vừa mới đưa vào sử dụng được xem là bước đột phá quan trọng để các doanh nghiệp tiến tới ký kết bao tiêu lúa, giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng CĐML giai đoạn 2 thời gian tới.

Dự án đã hỗ trợ 30% kinh phí mua máy cơ giới chưa qua sử dụng. Qua 4 năm, hội đồng thẩm định dự án đã xét duyệt cho 240 hộ mua nhiều loại máy như: gặt đập liên hợp, máy xới, máy cày, lò sấy, cuốn rơm,… với tổng số tiền hỗ trợ trên 1 tỷ đồng.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh