Từ 5 năm trở lại đây, ngành nông nghiệp dần chuyển hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp nông dân làm giàu.
[links()]
Từ 5 năm trở lại đây, ngành nông nghiệp dần chuyển hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp nông dân làm giàu.
Những mặt hàng nông sản chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ngày càng nhiều. Những cánh đồng mẫu lớn mở ra hướng sản xuất liên kết. Đặc biệt, đề án tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2014- 2020 theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả đã tạo tiền đề xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh.
Sạ hàng trong canh tác lúa góp phần giảm lượng giống. |
Sản xuất theo “3 định hướng, 3 yêu cầu”
Từ một tỉnh thuần nông, lạc hậu, Vĩnh Long đã và đang có nhiều chính sách tổ chức lại sản xuất nông nghiệp dựa trên 3 định hướng: hợp tác- liên kết- thị trường và 3 yêu cầu: giảm chi phí sản xuất- nâng cao chất lượng nông sản- đa dạng hóa nông sản. Hiện tỉnh có rất nhiều loại nông sản sản xuất quanh năm như: cam sành, bưởi, chôm chôm,… với năng suất, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng tốt những yêu cầu của thị trường.
Thạc sĩ Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT từng cho biết, để ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy nhanh cơ giới hóa, công nghiệp hóa, đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn thì việc tăng quy mô sản xuất là cần thiết. Cụ thể, đến nay có 7 huyện xây dựng được cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 11.000ha, sản xuất từ 1- 2 giống chất lượng cao và đã có 5 mô hình đạt chứng nhận VietGAP với diện tích trên 180ha.
Toàn tỉnh hiện có hơn 45.000ha vườn cây lâu năm, trong đó diện tích cây ăn trái gần 39.000ha, với nhiều loại cho sản lượng, chất lượng và hiệu quả cao. Ngành nông nghiệp đã xây dựng vùng sản xuất lớn có thương hiệu như: bưởi Năm Roi Bình Minh, cam sành Tam Bình, chôm chôm Tích Thiện (Trà Ôn). Vùng rau màu an toàn chuyên canh, luân canh ở Bình Tân, Bình Minh, Long Hồ cho kinh tế cao gấp 2- 3 lần trồng lúa.
Chăn nuôi tuy gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh, nhưng nhìn chung vẫn có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhất là chăn nuôi bò, heo. Đặc biệt, nuôi thủy sản phát triển rất mạnh, tốc độ tăng bình quân 43,35%/năm, sản lượng trên 108 ngàn tấn, trong đó sản lượng nuôi đạt 106 ngàn tấn.
Chương trình sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn heo... đáp ứng trên 75% giống chất lượng cao, sạch bệnh. Đáng chú ý, nhiều khâu sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa, với 100% khâu thu hoạch và hơn 96% khâu làm đất. Nhiều giống cây trồng- vật nuôi mới đưa vào sản xuất từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Dồn sức tái cơ cấu nông nghiệp
Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thực hiện gần 2 năm qua được xem là “bước ngoặt” quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện kế hoạch, các dự án, chương trình sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, sản xuất không còn dàn trải mà tập trung vào các sản phẩm chủ lực, có quy mô, chất lượng tốt và xây dựng thương hiệu. Đối với cây lúa, trong những năm qua đã khuyến khích chuyển đổi được 1.700ha lúa sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn; trên 80% diện tích sử dụng giống xác nhận và tương đương nên năng suất bình quân đạt 6,03 tấn/ha, tăng 3% so với năm 2013. Diện tích cây màu luân canh tăng gần 8%, hình thành nhiều vùng sản xuất màu có quy mô lớn, tập trung. Thế mạnh nông sản từng địa phương được đầu tư khai thác. Chẳng hạn, ngoài khoai lang, huyện Bình Tân đang đẩy mạnh chuyển dịch sang cây mè, rau màu, nuôi trồng thủy sản. Từ lợi thế đồng cỏ, huyện Vũng Liêm đang tập trung nâng cao chất lượng đàn bò, với tổng đàn hiện có hơn 23.000 con, chiếm tỷ lệ 42,5% tổng đàn bò trong tỉnh, tỷ lệ bò lai sind đạt 87%. Chăn nuôi gia cầm phát triển hướng tập trung, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn. Lĩnh vực thủy sản, cũng đang phát triển nuôi ở các xã ven sông Hậu mỗi năm từ 140- 150ha, khuyến khích nông dân tận dụng ao, mương nuôi nhiều loại thủy sản khác.
Ngành nông nghiệp đang tập trung quy hoạch phát triển vùng nông sản chất lượng cao ở xã Thuận An diện tích 100ha trồng xà lách xoong; bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa, Đông Bình và Thuận An (TX Bình Minh) với 3.000ha; khoai lang ở xã Thành Đông, Tân Thành, Tân Lược (Bình Tân) với 5.000ha; cam sành ở xã Tường Lộc, Bình Ninh, Ngãi Tứ (Tam Bình) với 2.000ha và vùng sản xuất giống cá tra thương phẩm ở các huyện Mang Thít, Long Hồ khoảng 100ha. Riêng cây lúa, mỗi năm giảm từ 1.000 - 2.000ha, tăng diện tích trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày, mở rộng cánh đồng mẫu khoai lang hướng tới xây dựng thương hiệu.
Theo Thạc sĩ Phan Nhựt Ái, tái cơ cấu nông nghiệp thời gian tới sẽ chú trọng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học để hạn chế dịch bệnh; chú trọng đến công tác lai tạo giống mới, đạt chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất; khuyến khích các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc GlobalGAP để có những nông sản an toàn.
Tái cơ cấu nông nghiệp kỳ vọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế mũi nhọn vốn dĩ rất còn nhiều tiềm năng. Với những tiềm năng và lợi thế, nền nông nghiệp Vĩnh Long đang được phác thảo đầy sống động, được đánh thức một cách đúng mức bằng chủ trương, kế hoạch cụ thể nhằm hướng tới nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, hội nhập mạnh mẽ trong tương lai.
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, năm 2015 thực hiện 14 dự án và 1 đề tài cấp tỉnh với tổng kinh phí trên 22 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm đã thực hiện 11 dự án, với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Trong đó có 3 dự án chăn nuôi gà thả vườn, vịt chuyên trứng, nhân rộng các mô hình khuyến nông, khuyến ngư hiệu quả, đến nay đạt 60- 70% kế hoạch. |
Bài, ảnh: HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin