Để tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển sản xuất từ số lượng sang chất lượng thành công, có rất nhiều việc cần làm như: đầu tư vốn, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất…
Để tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển sản xuất từ số lượng sang chất lượng thành công, có rất nhiều việc cần làm như: đầu tư vốn, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất… Trong đó, thúc đẩy kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) để gắn kết sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ với chuỗi giá trị toàn cầu là trọng tâm.
Khuyến khích liên kết doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho nông dân. |
Ở Vĩnh Long, những năm qua, không ít HTX tìm hướng đổi mới, phát triển. Song, cũng không ít HTX yếu kém về khả năng quản trị, kiến thức thị trường, xây dựng chiến lược phát triển nên kết quả mang lại chưa được như kỳ vọng.
Chuyển biến làm ăn bài bản
Toàn tỉnh hiện có 32 HTX nông nghiệp- thủy sản và 1 liên hiệp HTX thủy sản với tổng vốn điều lệ 63 tỷ đồng, với 750 thành viên. Theo đánh giá, phần lớn HTX hoạt động theo loại hình dịch vụ, hỗ trợ nguyên liệu đầu vào và dịch vụ đầu ra sản phẩm ở lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ rau củ quả, trái cây và lúa giống. Một số HTX còn tham gia vào chương trình khuyến nông, khuyến công. Thu nhập đời sống thành viên và lao động dần ổn định.
Để tạo sự khác biệt, phần lớn xã viên khi tham gia HTX đều mong muốn sản phẩm mình làm ra được tiêu thụ tại siêu thị, xuất khẩu, đem lại thu nhập cao hơn. Và thực tế, đã có không ít HTX làm tốt việc này, bước đầu tạo dáng dấp của những HTX kiểu mới.
Ông Trần Văn Hiền- Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hậu (xã Phước Hậu- Long Hồ) cho biết, nhờ sản xuất hướng an toàn sản phẩm nên hiện đã được Siêu thị Co.opmart, cửa hàng Vị Quê, bếp ăn Chí Dũng (Vĩnh Long), Công ty Thanh Hiệp (Trà Vinh) và sạp rau chợ Ninh Kiều (Cần Thơ) ký hợp đồng thu mua. Được ngành nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, HTX đã mạnh dạn chuyển giao công nghệ, trang thiết bị phân tích các chỉ tiêu về môi trường; kết hợp khuyến nông ứng dụng công nghệ sinh học và kỹ thuật canh tác theo hướng sinh thái bền vững.
Trong khi đó, khoảng 70 nông dân Ấp 9 (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) tự nguyện góp máy móc nông nghiệp trị giá hàng tỷ đồng vào HTX Dịch vụ nông nghiệp Tín Thành do chi bộ ấp điều hành. Bí thư Chi bộ Ấp 9 Nguyễn Văn Trọng cho biết, mô hình thành lập từ giữa năm 2013, với hình thức là tập hợp các chủ máy lập thành các đội sản xuất giống, làm đất, sạ hàng, giặm lúa, rải phân, xịt thuốc, thu hoạch. Khi tới vụ, các đội theo sự phân công của ban điều hành phục vụ cho bà con. Nhờ làm ăn bài bản nên nhân công theo máy có thu nhập từ 30- 35 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, theo Liên minh HTX, hiện có nhiều HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Hiệp (Trà Ôn), HTX Lúa giống Vinh Phát (Vũng Liêm), HTX Tân Long (Mang Thít)… Nhờ vậy, năm qua đã thu hút được 4 doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, với diện tích hơn 190ha. Nhiều công ty kinh doanh sản phẩm lúa gạo cũng đã đến tìm hiểu thị trường, ký hợp đồng ghi nhớ.
Mở hướng phát triển HTX kiểu mới
Bên cạnh một số HTX đổi mới cách thức hoạt động hiệu quả, thì cũng không ít HTX yếu kém nhiều mặt dẫn đến giải thể. Nhiều HTX có chiến lược sản xuất, nhưng lại thiếu vốn mở rộng làm ăn.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Hiệp (Trà Ôn)- Lê Thị Lệ Hoa cho biết, HTX được thành lập năm 2010, vốn điều lệ là 200 triệu đồng, chuyên sản xuất và cung ứng các loại lúa giống chất lượng cao. Đây được xem là mô hình làm ăn hiệu quả khi đáp ứng tốt các gói hỗ trợ đầu vào- đầu ra cho nông dân. Hiện trung bình mỗi vụ HTX đều có đơn đặt hàng số lượng 400- 500 tấn giống lúa, nhưng năng lực HTX chỉ đáp ứng khoảng 300 tấn vì thiếu máy móc, đặc biệt máy tách, khử lẫn hạt lúa. Nhiều năm qua, HTX vẫn chưa thể mở rộng sản xuất do thiếu vốn. “Nhiều xã viên tiếc nuối và đích thân tôi cũng nhiều lần thăm dò vay vốn ngân hàng nhưng không đáp ứng các điều kiện nên bị từ chối. Do vậy, HTX hoạt động cầm chừng chứ chưa dám mở rộng sản xuất”- bà Hoa than thở.
Còn theo ông Trần Văn Hiền, trong 32 thành viên, sản xuất trên 15ha nhưng chỉ có khoảng hơn 50 triệu đồng làm vốn lưu động. Khi bán rau cho các siêu thị từ 10- 15 ngày mới thanh toán tiền nên nhiều xã viên gặp khó khăn tái đầu tư.
Ngoài ra, hiện các doanh nghiệp chưa mạnh dạn tham gia mô hình của HTX; hợp đồng bao tiêu thông qua kinh tế tập thể còn ít, thiếu chặt chẽ, không có chế tài…
Để khắc phục yếu kém, mới đây UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2016- 2020. Trong đó, đặc biệt quan tâm công tác nâng cao chất lượng hoạt động các HTX hiện có, củng cố HTX yếu kém, tăng cường phát triển nội lực, nhân lực, cơ sở vật chất, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX có vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, góp phần tăng GDP cho tỉnh.
Trong chuyến về làm việc với một số HTX nông nghiệp ở Vĩnh Long, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá cao các mô hình hoạt động, đồng thời lưu ý địa phương phải tiếp tục hỗ trợ, định hướng phát triển các HTX kiểu mới. Phải tăng năng suất và chất lượng hàng nông sản nhằm tạo sự khác biệt so sản xuất thông thường để thu hút nông dân tham gia nhiều hơn vào HTX; xúc tiến để đưa sản phẩm của hộ nông dân tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học công nghệ để nâng cao năng suất và phải có cơ chế để huy động vốn và bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.
Trong năm 2016, dự kiến thành lập mới 60 tổ hợp tác, 12 HTX trên các lĩnh vực. Đến cuối năm, có 20% HTX kinh doanh giỏi, 50% đạt khá. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm của HTX trên 10%, thu nhập xã viên tăng 10% so năm 2015. |
Bài, ảnh: HOÀNG MINH
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin