Mô hình "ruộng lúa bờ hoa" được triển khai hiệu quả những năm qua đang được các địa phương nhân rộng.
[links()]
Mô hình “ruộng lúa bờ hoa” được triển khai hiệu quả những năm qua đang được các địa phương nhân rộng. Mục đích của mô hình là trồng hoa quanh bờ bao ruộng lúa nhằm dẫn dụ thiên địch để tiêu diệt các loài dịch hại, làm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường.
Hoa trồng một lần sẽ tự rụng hạt, đến vụ lúa tiếp theo sẽ tự mọc nên ít khi phải trồng lại hoa mới. |
Mô hình “Quản lý dịch hại tổng hợp trên ruộng lúa bằng công nghệ sinh thái” hay được gọi là “ruộng lúa bờ hoa” được các chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) triển khai thí điểm đầu tiên ở tỉnh Tiền Giang từ vụ lúa Đông Xuân 2009- 2010, đến nay được nhân rộng tại nhiều tỉnh- thành ĐBSCL.
Tại Vĩnh Long, hiện có 450ha áp dụng mô hình công nghệ sinh thái, với hơn 400 nông dân tham gia, tập trung ở các huyện Vũng Liêm, Long Hồ, Tam Bình. Ấp Hiếu Minh A (xã Hiếu Nhơn- Vũng Liêm) là địa phương đầu tiên thực hiện mô hình vào vụ Hè Thu 2011. Bà Lê Thị Kim Ngân- cán bộ nông nghiệp xã Hiếu Nhơn cho biết, ban đầu với khoảng 10ha, sau khi nhân rộng qua từng năm đến nay là 100ha, với khoảng 100 nông dân tham gia. Trên ruộng lúa, bà con trồng nhiều loại hoa cúc, hoa sao nhái... Những loài hoa này sẽ dẫn dụ thiên địch như đàn bướm, ong, nhện tìm về diệt các loài sâu rầy hại lúa; nhờ vậy mà chi phí thuốc men của nông dân mấy vụ gần đây giảm thấy rõ. Trung bình mỗi hecta nông dân giảm khoảng 1 triệu đồng phân, thuốc trừ sâu rầy và công lao động.
Anh Hà Thanh Hùng (ấp Hiếu Minh A) cho biết: Mỗi năm anh trồng 3 vụ lúa trên diện tích 4 công. Như những năm trước, mỗi vụ anh phải xịt ít nhất 3 lần thuốc trừ rầy nâu, ngoài ra còn phải phun trừ sâu khác, nhưng khi áp dụng trồng hoa quanh ruộng chi phí mỗi công giảm khoảng 100.000đ. “Tới thời điểm lúa trổ đòng đòng, hoa nở đỏ rực, còn đậu bắp trồng xung quanh ruộng có trái, hái mỗi ngày cũng vài ký lô, cải thiện bữa cơm gia đình cũng khỏe.”- ông Hùng phấn khởi.
Nhiều nông dân thực hiện mô hình còn cho biết, khi trồng những cây ra hoa màu trắng và màu vàng thường có nhiều phấn sẽ càng thu hút nhiều thiên địch đến tiến công các loài sâu hại nên không phải phun thuốc như lối canh tác thông thường.
Tại xã Mỹ Lộc (Tam Bình), từ năm 2013, mô hình này còn được áp dụng ngay trên cánh đồng mẫu lớn ở Ấp 9, với tổng diện tích hơn 100ha.
Bí thư Chi bộ Ấp 9 Nguyễn Văn Trọng khẳng định, mô hình đã mang lại rất nhiều lợi ích cho bà con nông dân. Tất cả loài hoa có màu sắc sặc sỡ như xuyến chi, cúc mặt trời, sao nhái, cúc dại, hướng dương, mười giờ, cẩm tú,... đều có thể trồng bên bờ ruộng lúa để dẫn dụ thiên địch. Song song với việc trồng hoa, nông dân đồng thời áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” (giảm giống, thuốc trừ sâu bệnh, phân bón; tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế) cho đồng ruộng nên giảm được chi phí thuốc trừ sâu cũng như tiết kiệm được tiền lúa giống, tạo ra sản phẩm an toàn.
Tuy nhiên, từ khi đê bao Ba Đô đưa vào thi công, nâng cấp nhằm bảo vệ lúa trong cánh đồng lớn thì diện tích hoa đã hư hại. “Khi công trình hoàn thành, chúng tôi lại tiếp tục khuyến cáo nông dân trồng mới lại. Bởi, không trồng hoa thì cỏ dại cũng lên đầy bờ ruộng gây hại cho ruộng lúa, trong khi trồng hoa chẳng phải bỏ công nhiều mà lại giúp ích cho nông dân làm lúa”- ông Trọng nói thêm.
Nhiều nông dân kinh nghiệm cho rằng, trước khi gieo sạ lúa khoảng 10 ngày nên làm sạch cỏ bờ sau đó tiến hành trồng hoa. Ở những khu đất cao ráo, hoa trồng sẽ rụng hạt, đến vụ lúa lần tới sẽ tự mọc nên ít khi phải trồng thêm hoa mới. Bà Lê Thị Kim Ngân cho biết, nông dân trồng hoa được ngành nông nghiệp hỗ trợ giống hoa, tập huấn kỹ thuật trồng lúa tiến bộ. Nông dân Vũng Liêm còn linh hoạt trồng xen kẽ đậu bắp, mè, đậu xanh vào bờ hoa để tăng thu nhập. “Vừa trồng lúa sinh thái lại vừa có thêm nguồn thực phẩm từ các loại rau, củ để cải thiện thu nhập và bữa ăn gia đình, nông dân rất mê tham gia.”- bà Lê Thị Kim Ngân nói.
Từ hiệu quả, hiện mô hình vẫn được duy trì tại nhiều tỉnh như: Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Bến Tre, Long An, An Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu. Các loài hoa có màu sắc sặc sỡ đều có thể trồng bên bờ ruộng lúa để dẫn dụ thiên địch. Nhiều nông dân cho biết ở những khu đất cao ráo, hoa trồng sẽ rụng hạt, đến vụ lúa lần tới sẽ tự mọc nên ít khi phải trồng thêm hoa mới. |
Bài, ảnh: HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin