Tái cơ cấu nông nghiệp chưa rõ nét

03:07, 07/07/2015

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng: giảm diện tích lúa, tăng hoa màu nhưng hiện rất khó nhân rộng, bởi người dân chưa thấy lợi ích nhiều việc chuyển đổi; các mô hình mới tuy có thực hiện nhưng chưa thật bền vững do đầu ra còn nhiều bấp bênh.

[links()]

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng: giảm diện tích lúa, tăng hoa màu nhưng hiện rất khó nhân rộng, bởi người dân chưa thấy lợi ích nhiều việc chuyển đổi; các mô hình mới tuy có thực hiện nhưng chưa thật bền vững do đầu ra còn nhiều bấp bênh.

Giá lúa Hè Thu đang sụt giảm mạnh, giống chất lượng chỉ khoảng 4.600 đ/kg.
Giá lúa Hè Thu đang sụt giảm mạnh, giống chất lượng chỉ khoảng 4.600 đ/kg.

Nhận định của Sở Nông nghiệp- PTNT về tình hình sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm cũng như thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp cho thấy, tuy đạt kết quả bước đầu nhưng chưa thật rõ nét.

Loay hoay cây lúa- củ khoai

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, 6 tháng qua, cơ cấu nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Diện tích 2 vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu khoảng 119.760ha, đạt 99,8% kế hoạch, giảm 662ha so cùng kỳ. Lúa Đông Xuân thu hoạch dứt điểm trên 60.000ha, năng suất đạt khá cao trên 7 tấn/ha. Cánh đồng mẫu lớn đã mở rộng tại 7 huyện với tổng diện tích hơn 11.000ha, sản xuất từ 1- 2 giống chất lượng cao và đã có 5 mô hình đạt chứng nhận VietGAP với trên 180ha. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của bà con hiện nay vẫn là khâu tiêu thụ.

Ông Lê Văn Chiến- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT Tam Bình cho biết, hiện nay đầu ra cho cánh đồng mẫu lớn gặp rất nhiều khó khăn. Trong tổng diện tích khoảng 4.000ha toàn huyện, nhưng hiện chỉ có Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật và cam kết bao tiêu cánh đồng mẫu lớn xã Mỹ Lộc chỉ khoảng 500ha, còn lại nông dân bán ra bên ngoài bị thương lái ép giá. Riêng vụ Hè Thu này, theo ông Chiến hiện các giống lúa chất lượng như OM5451 được thương lái bỏ cọc giá 4.600 đ/kg, còn giống IR50404 thì không mua.

Còn theo Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm Dương Ái Đạo thì đầu ra là trở ngại cho việc nhân rộng cánh đồng mẫu lớn. Hiện chưa có doanh nghiệp nào đến ký kết bao tiêu. “Trước giá lúa còn 4.200 đ/kg nhưng mấy ngày nay mưa, chất lượng lúa không đảm bảo nên thương lái chỉ chấp nhận mua giá còn 3.800 đ/kg”- ông Dương Ái Đạo cho biết.

Trong khi đó, ông Châu Minh Tuấn- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT Bình Tân mang đến hội nghị khá nhiều sự lo lắng khi cho biết khoảng tháng 3 trở lại đây giá khoai sụt giảm mạnh, hiện còn khoảng 120.000- 180.000 đ/tạ. Riêng khoai loại 3, quá lứa từ 4- 5 tháng chỉ 60.000- 80.000 đ/tạ (60kg), quá lứa 6- 7 tháng bán chỉ 5.000 đ/tạ. Nếu năng suất mỗi công đạt 45- 50 tạ, trồng trên đất nhà sẽ thua lỗ từ 2- 3 triệu đồng, còn thuê đất trồng sẽ lỗ từ 4- 6 triệu đồng. “Trước đây địa phương cũng vận động nông dân thu gom các loại khoai này làm thức ăn chăn nuôi, nhưng thời gian gần đây sản lượng quá lớn nên không thể tiêu thụ hết được”. Vì vậy, ông Châu Minh Tuấn đã đề nghị ngành nông nghiệp sớm triển khai các dự án xây dựng kho chứa, kết hợp tìm kiếm thị trường tiêu thụ thời gian tới.

Tuân thủ quy hoạch

Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã có không ít mô hình chuyển đổi cây trồng, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao như: trồng mè ở Bình Tân, đậu nành ở Long Hồ, bắp lai ở Vũng Liêm hay nuôi gà đệm lót sinh học, nuôi cá trong ruộng lúa… mang lại hiệu quả cao. Song phần lớn các chương trình chỉ dừng lại ở dạng mô hình, rất khó nhân rộng vì hạn chế đầu ra sản phẩm.

Ông Dương Ái Đạo cho biết, trong vụ Xuân Hè qua, địa phương vận động đưa cây bắp lai xuống ruộng với kế hoạch xuống giống 30ha nhưng qua vận động chỉ thực hiện được trong mô hình khoảng 0,8ha. Công ty Tài Lộc ký kết thu mua nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán tiền cho nông dân. Hiện địa phương đang tiếp tục phối hợp công ty để giải quyết.

Ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho rằng, các huyện rất có đầu tư thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nhưng hầu như thấy cây trồng- vật nuôi nào mới mang về sản xuất mà chưa chú ý vùng quy hoạch. Điển hình như Long Hồ đang triển khai dự án trồng dừa và chuối, ông Phan Nhựt Ái cho rằng, chuối là cây trồng ngắn ngày không đáng kể, trong khi trồng dừa cần quan tâm vì trước giờ Long Hồ không có quy hoạch trồng dừa, nếu triển khai sẽ không phù hợp quy hoạch, rất lo ngại. “Trước giờ chúng ta làm mô hình thường kêu thiếu tiền nhưng thực tế không đúng vậy, vì chưa đánh giá được hết hướng phát triển mở rộng, làm phải tính chuyện nhân rộng được chứ không phải làm rồi bế tắc”- ông Phan Nhựt Ái lưu ý.

Đối với cây lâu năm, tại một số huyện như Vũng Liêm, Long Hồ đang đề xuất triển khai trồng bưởi da xanh thay thế nhãn chổi rồng và cây trồng khác kém hiệu quả, ông Phan Nhựt Ái lưu ý cần phải căn cứ theo quy hoạch. Cụ thể bưởi da xanh sẽ được trồng ven sông Tiền, còn các địa phương ven sông Hậu sẽ trồng bưởi Năm Roi. Riêng cam sành sẽ tiếp tục được quy hoạch trồng tại 2 huyện Tam Bình và Trà Ôn.

Ông cũng đề nghị các địa phương cần triển khai nhanh việc phòng chống nhãn chổi rồng trên nhãn. Vận động người dân đốn bỏ vườn không thể khôi phục, nhãn trồng lấy bóng mát nhiễm bệnh để tránh lây lan.

Để tạo sự hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Phan Nhựt Ái đã giao Chi cục PTNT xây dựng cách tính giá chuẩn trong tiêu thụ lúa, nghiên cứu hợp đồng, phương thức mua nhằm căn cứ vào đó để giải quyết khi xảy ra mâu thuẫn giữa các bên tham gia.

Lúa trong cánh đồng lớn hiện chỉ có 2 huyện là Trà Ôn và Long Hồ được các doanh nghiệp bao tiêu với diện tích chỉ 521ha, sản lượng hơn 4.000 tấn. Riêng trong vụ Đông Xuân vừa qua, Công ty Lương thực Vĩnh Long đã ký bao tiêu cho 976ha lúa thơm xã Thiện Mỹ (Trà Ôn) nhưng chỉ tổ chức mua 376ha với hơn 2.000 tấn, diện tích còn lại không mua do không đạt thỏa thuận với nông dân.

 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh