Hàng trăm héc ta lúa Hè Thu ở ấp Đông Hưng 2 (xã Đông Thành- TX Bình Minh) đứng trước cảnh thất bát do ảnh hưởng khô hạn. Nhiều nông dân phải bấm bụng bán lúa cho bò ăn với giá rẻ bèo, chịu thua lỗ…
[links()]
Hàng trăm héc ta lúa Hè Thu ở ấp Đông Hưng 2 (xã Đông Thành- TX Bình Minh) đứng trước cảnh thất bát do ảnh hưởng khô hạn. Nhiều nông dân phải bấm bụng bán lúa cho bò ăn với giá rẻ bèo, chịu thua lỗ…
Theo chính quyền địa phương, tình trạng thiếu nước đã xảy ra ở đây nhiều năm qua, do khó khăn vận động nạo vét con kinh Bờ Đai. Và năm nay thiếu nước càng gay gắt hơn.
Ruộng lúa nhưng toàn cỏ do hạn hán, thiếu nước ở ấp Đông Hưng 2. |
Bán lúa cho bò ăn
Sáng 13/5, chúng tôi đến ấp Đông Hưng 2, nơi có hơn 100ha lúa Hè Thu vào giai đoạn “chuẩn bị thu hoạch” đang chịu cảnh khát nước nghiêm trọng. Nghẹn đòng lúa không trổ nổi, bông thưa thớt, sâu bệnh gây hại, nhiều “ruộng lúa cứ tưởng ruộng cỏ”. Ông Nguyễn Văn Sáu vừa đi thăm ruộng về chua chát: “Còn khoảng nửa tháng thu hoạch nhưng chắc lỗ nặng rồi. Hiện 4 công mất trắng, còn lại cỏ nhiều hơn lúa, nếu cắt tay thì làm không nổi còn kêu máy thu hoạch thì bán hết lúa không đủ tiền trả”. Vụ này ông Sáu thuê 17 công, với giá mỗi công 20 giạ, thời hạn 1 năm. Ngay từ đầu vụ ruộng lúa của ông cũng như các hộ lân cận xảy ra tình trạng thiếu nước. Chính quyền địa phương đến khảo sát, chỉ đạo 5 máy bơm túc trực bơm nước cứu lúa cho cả vùng nhưng vẫn không giải quyết được. “Không phải riêng tôi, nhiều bà con cũng rơi vào cảnh lao đao, ruộng tôi khô nứt nẻ, lớp lúa chết, lớp cỏ tấn công phun xịt rất nhiều lần nhưng không ăn thua. Nhiều hộ bỏ luôn không chăm sóc, bán cho bò ăn. Riêng ruộng của tôi thu hoạch xong, trừ chi phí chắc lỗ hàng chục triệu chứ không ít”- ông Sáu than thở.
Cách đó không xa, do thiếu nước ruộng “cỏ nhiều hơn lúa” nên 6 trong tổng số 9 công ruộng của anh Bùi Hùng Việt đã bán cho bò ăn với giá 200.000 đ/công. Đây cũng là phương án mà nhiều nông dân ở đây tính tới, bởi “nếu thu hoạch tiền nhân công lỗ nhiều hơn”.
Anh Trần Văn Sáu- có ruộng gần đó nói giọng chua xót: “Gần 1 tháng qua, ngày nào tui cũng bám ngoài đồng chờ nước bơm cứu lúa nhưng không có nước bơm. Do ruộng gò, lại cách xa đầu kinh Bờ Đai, nước bơm lên không tới được nên đành chịu”. Do ảnh hưởng sâu bệnh, cỏ dại nên 4 công ruộng của anh Sáu nằm trong khu này xem như “không có lúa thu hoạch”, trừ chi phí thì lỗ từ 5- 6 triệu đồng.
Vận động dân khai thông kinh rạch
Theo UBND xã Đông Thành, hiện đã có 7,6ha ở ấp Đông Hưng 2 trong tổng số hơn 100ha lúa Hè Thu xuống giống chịu ảnh hưởng.
Những con “kinh sườn” cũng không còn nước. |
Do là cánh đồng “trung tâm” giáp ranh với các ấp Hóa Thành, Đông Hưng 1 và Đông Hưng 3, lại là vùng đất gò nên vụ Hè Thu hàng năm thường xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất. Tuy nhiên, năm nay tình trạng thiếu nước diễn ra gay gắt hơn.
Theo ông Phan Chí Thiện- Phó Trưởng ấp Đông Hưng 2, con kinh Bờ Đai dài khoảng 7km phục vụ nước tưới chính cho hơn 100ha lúa ở đây. Tuy nhiên, nhiều năm qua do bồi lắng nên không thể dẫn nước vào mỗi khi vào vụ. “Đầu vụ địa phương có bố trí máy bơm nhưng do vùng đất ở đây gò, nếu bơm để ruộng ở đây đủ nước sản xuất thì những ruộng ở đầu kinh ngập lênh láng, gieo sạ khó khăn nên họ không đồng ý”- ông Thiện cho biết thêm.
Ông Huỳnh Văn Nư- Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thành cho biết, từ năm 2009 xã, đã kiến nghị Phòng Kinh tế Bình Minh hỗ trợ kinh phí nạo vét, khai thông kinh Bờ Đai nhưng một số hộ không đồng ý hiến đất nên công trình kéo dài đến nay. “Kinh phí nạo vét kinh này không lớn nhưng cái khó là hiện một số hộ không hiến đất nên địa phương chưa thể triển khai”- theo ông Huỳnh Văn Nư. Để giải quyết khó khăn, “mới đây UBND xã đã báo cáo đến Phòng Kinh tế thị xã có phương án hỗ trợ. Nếu nạo vét được kinh này thì sản xuất lúa ở đây không thua các nơi khác, vì vậy phía ủy ban sẽ tiếp tục vận động các hộ hiến đất, dẫn nước tưới vì lợi ích chung”- ông Nư nói.
Thạc sĩ Lê Văn Biên- Phó Phòng Kinh tế TX Bình Minh, cho biết: “Ngoài con kinh Bờ Đai thì con kinh Giữa Đồng đã nạo vét xong hiện cũng không thể kéo nước từ các sông lên phục vụ sản xuất. Những năm trước, thời điểm này đã có mưa nên lúa ở đây chịu ảnh hưởng không đáng kể. Còn năm nay nắng nóng, khô hạn kéo dài nên thiệt hại nặng”.
Về lâu dài, để giải quyết khó khăn, Thạc sĩ Lê Văn Biên cho biết, sẽ vận động nông dân khu vực này chuyển lúa sang trồng hoa màu. Bởi màu cũng cần nước tưới nhưng không nhiều như trồng lúa. Và với tình hình kinh, rạch hiện có thể giải quyết được.
Theo ông Huỳnh Văn Nư, con kinh Bờ Đai có vai trò rất quan trọng trong sản xuất lúa ở ấp Đông Hưng 2. Bởi đây là vùng đất gò, nằm ở “trung tâm” được bao quanh các cánh đồng trũng nên rất khó kéo nước lên để sản xuất. Khu vực này, trước đây cũng có những cánh đồng lúa ở ấp Đông Hòa, Đông Hưng 2, Đông Hưng 3 bị khô hạn, nhưng sau khi nông dân đồng thuận nạo vét các tuyến kinh độc đạo, đến nay sản xuất lúa rất thuận lợi, vườn cây trái tươi tốt, đảm bảo đủ nước tưới. |
Bài, ảnh: HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin