Từ thời "con trâu đi trước cái cày theo sau" đến "làm lúa không chạm móng tay" ở ĐBSCL và Vĩnh Long nói riêng như hiện nay là một bước tiến dài đáng ghi nhận trong sản xuất nông nghiệp.
Từ thời “con trâu đi trước cái cày theo sau” đến “làm lúa không chạm móng tay” ở ĐBSCL và Vĩnh Long nói riêng như hiện nay là một bước tiến dài đáng ghi nhận trong sản xuất nông nghiệp. 40 năm qua, cùng với những chủ trương phù hợp, nông dân đang dần thay đổi tư duy sản xuất, thực sự mở ra cơ hội mới để phát triển bền vững nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả để tăng thu nhập. |
Ở xã Tân Phú- Tam Bình đến nay vẫn còn một tuyến đường mang tên Đường Trâu. Bởi thời ấy người vùng này nuôi trâu nhiều để phục vụ cày cấy. Mùa lũ trâu đi nhiều, nước lũ theo vệt trâu đi bào mòn đường, tạo sình lầy, qua lại nơi đây vô cùng khó khăn.
Thời của “trâu sắt”
Ông Nguyễn Văn Huyền- nguyên Bí thư Huyện ủy Tam Bình những năm đầu giải phóng nhớ lại: “Khi ấy tôi đi khắp các cánh đồng trong huyện không tìm được chiếc máy cày. Làm đất toàn bộ bằng sức trâu hay sức người là chính. Mãi những năm 1986 đổi mới, có nhiều chương trình hợp tác với Liên Xô, đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp thì mới có máy cày phục vụ sản xuất. Ở Vĩnh Long, có đến hàng chục chiếc tỏa khắp các cánh đồng làm đất cho nông dân. “Tôi nhớ lần đầu đem máy cày về xã Song Phú làm đất. Khi máy vừa vô tới, bà con kéo nhau ra coi đen cả cánh đồng. Tôi tiếp tục xin tỉnh bố trí thêm mấy chiếc đem về các cánh đồng ở Ngãi Tứ, đâu đâu dân cũng thích thú, kéo theo xem đông nghẹt”. Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyền, những năm đó, với 10 đầu máy MTZ50 mã lực của Liên Xô, có thể phục vụ được trên 80% diện tích canh tác trong toàn huyện. Từ ngày cơ chế “khoán 10” ra đời, ruộng được chia nhỏ, loại máy có công suất lớn như MTZ50 không còn phát huy hiệu quả, sau đó được thay thế bằng những chiếc máy gọn nhẹ hơn.
Từ sau năm 1992, máy móc nhiều nước với nhiều chủng loại mới bắt đầu nhập vào Việt Nam. Đây được xem là bước đệm quan trọng để nông nghiệp ĐBSCL và Vĩnh Long bước vào giai đoạn cơ giới hóa mạnh mẽ những năm sau này.
Hiện nay, tất cả các khâu trong quy trình sản xuất lúa trong tỉnh như làm đất, bơm tưới, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch phần lớn đều được cơ giới hóa. Đáng phấn khởi nhất, từ việc làm đất bằng sức trâu sau giải phóng, đến nay 100% diện tích sản xuất của tỉnh được cơ giới hóa.
Tại một số địa phương ở ĐBSCL như: An Giang, Bạc Liêu, Long An đã bắt đầu đưa thiết bị định vị bằng tia laser để cải tạo mặt bằng đồng ruộng, nông dân sẽ giảm nhiều chi phí ở các khâu giống, giảm chi phí bơm tưới, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp...
Hé mở diện mạo mới nông nghiệp
Trong giai đoạn tiếp theo, một nền nông nghiệp xanh- sạch- bền vững là mục tiêu mà ngành nông nghiệp Vĩnh Long đang nỗ lực hướng tới.
Trong đó, đề án nông nghiệp ban hành được xem là “bước ngoặt” quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện kế hoạch, các dự án, chương trình sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Cơ giới hóa đang tạo diện mạo mới trên ruộng đồng sau 40 năm. |
Trong năm 2014, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã khuyến khích áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi được 1.700ha lúa sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn; trên 80% diện tích sử dụng giống xác nhận và tương đương nên năng suất bình quân đạt 6,03 tấn/ha, tăng 3% so với năm 2013. Diện tích cây màu luân canh tăng gần 8%, hình thành nhiều vùng sản xuất màu có quy mô lớn, tập trung. Thế mạnh nông sản từng địa phương được đầu tư khai thác. Chẳng hạn, ngoài khoai lang, huyện Bình Tân đang đẩy mạnh chuyển dịch sang cây mè, rau màu, nuôi trồng thủy sản.
Theo Thạc sĩ Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, những năm tiếp theo, mỗi năm địa phương giảm từ 1.000- 2.000ha lúa, tăng diện tích trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày, mở rộng cánh đồng mẫu khoai lang hướng tới xây dựng thương hiệu. Chăn nuôi phát triển hướng tập trung, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn. Ở lĩnh vực thủy sản, sẽ phát triển nuôi ở các xã ven sông Hậu mỗi năm từ 140- 150ha, khuyến khích nông dân tận dụng ao, mương nuôi nhiều loại thủy sản khác.
Trong năm 2015 và những năm tiếp theo, mục tiêu nông nghiệp sẽ đầu tư mạnh khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Tỉnh đã xác định một số mặt hàng chủ lực như lúa gạo, cá tra, bưởi Năm Roi, cam sành, khoai lang… Tập trung hỗ trợ thông qua xúc tiến thương mại, hỗ trợ giống, xây dựng nhà sơ chế, đóng gói… Trong đó, áp dụng các tiêu chuẩn sạch như trong sản xuất được xem là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao giá trị, phát triển bền vững. Dù còn mới mẻ nhưng nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề mà ngành sản xuất nông nghiệp phải quan tâm và trong tương lai bắt buộc phải theo hướng đó.
Sau 40 năm, nông nghiệp tỉnh nhà đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế- xã hội của cả nước.
Hiện toàn tỉnh có hơn 13 cơ sở, vùng sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, tập trung ở các vùng cây ăn trái, cơ sở rau màu và thủy sản. Hiện ngành nông nghiệp đang xúc tiến tiếp tục cấp chứng nhận cho một số cơ sở đạt chuẩn GlobalGAP trên cây ăn trái, lúa và cơ sở chăn nuôi. Phần lớn các mô hình đạt chứng nhận đã mang lại hiệu quả, giảm được chi phí sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Bài, ảnh; HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin