Đầu tư toàn diện cho sản xuất khoai lang

04:05, 26/05/2015

Hội thảo "Giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và liên kết tiêu thụ khoai lang Bình Tân" do Sở Nông nghiệp- PTNT, UBND huyện Bình Tân tổ chức vừa diễn ra trong lúc giá cả khoai lang đang xuống thấp

[links()]

Hội thảo “Giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và liên kết tiêu thụ khoai lang Bình Tân” do Sở Nông nghiệp- PTNT, UBND huyện Bình Tân tổ chức vừa diễn ra trong lúc giá cả khoai lang đang xuống thấp, sâu bệnh có chiều hướng gia tăng. Trên đà này, nhiều ý kiến dự báo: “Một thời gian nữa, Bình Tân sẽ không sản xuất được khoai lang, nếu không có giải pháp kịp thời và hữu hiệu”.

Máy vun giồng sẽ được nghiên cứu áp dụng giúp giảm chi phí trồng khoai.
Máy vun giồng sẽ được nghiên cứu áp dụng giúp giảm chi phí trồng khoai.

Thăng trầm khoai lang

Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, từ năm 2000 đến nay, trung bình mỗi năm Vĩnh Long sản xuất ổn định khoảng 5.000ha khoai lang và đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân với cơ cấu canh tác 1 lúa- 1 khoai hoặc 2 lúa- 1 khoai. Đặc biệt, từ khi giống khoai lang tím Nhật được đưa vào sản xuất và xuất khẩu tăng mạnh sang Trung Quốc thì diện tích tăng liên tục. Theo thống kê, từ 2005- 2010, diện tích khoai lang tăng bình quân 2,35% và tăng nhiều kể từ năm 2010, lên đến 14%/năm, năm 2011 tăng 40%/năm. Năm 2012, diện tích khoai lang đạt gần 12.000ha, tăng gần 50%. Do giá khoai từ giữa năm 2012 trở đi sụt giảm nên năm 2013 giảm còn khoảng 10.000ha và đến năm 2014 tăng trở lại gần 12.000ha.

Nếu theo quy hoạch đến năm 2015 khoai lang đạt 9.100ha, thì diện tích này đã vượt khoảng 30% từ năm 2012. Rút được kinh nghiệm việc “dội chợ” nên những năm gần đây, nông dân áp dụng sản xuất rải vụ và cân đối giống nên giúp giá cả ổn định hơn.

Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, nếu trước đây dịch hại chính của khoai lang là sùng (bọ hà), bệnh chạy dây và sâu keo ăn lá thì nay có thêm sâu đục củ. Nguyên nhân được xác định, do nông dân sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật đã làm cho dịch hại bộc phát nhiều hơn. Trong đó, đáng chú ý là sâu đục củ khoai lang- một đối tượng mới rất khó phòng trừ.

Về thị trường tiêu thụ, bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT), hiện có hơn 85% khoai lang của Vĩnh Long được xuất khẩu, nhưng chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Một số doanh nghiệp cũng chào hàng sang Malaysia, Hong Kong, Thái Lan, Singapore,… Tuy nhiên, do đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn củ, quy trình sạch bệnh sản phẩm từ vùng nuôi trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, nhất là dư lượng thuốc hóa học nên lượng hàng xuất qua các thị trường này còn khá khiêm tốn.

Còn theo ông Phạm Minh Thiện- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, cái khó của khoai lang hiện nay là chưa có đơn vị nào đứng ra hợp đồng tiêu thụ dù đã có nhãn hiệu. Vì vậy, ông đề xuất tỉnh cần giao cho các doanh nghiệp xuất khẩu hỗ trợ địa phương mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đầu tư toàn diện

Để nâng cao năng suất, chất lượng và nhất là mở rộng thị trường tiêu thụ khoai lang, nhiều ý kiến cho rằng cần đầu tư một cách toàn diện như đưa cơ giới khâu làm đất, giống mới, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hom giống được sử dụng nhiều vụ là một trong nguyên nhân giảm năng suất khoai.
Hom giống được sử dụng nhiều vụ là một trong nguyên nhân giảm năng suất khoai.

Ông Phạm Minh Thiện cho rằng, trên cơ sở đã có mô hình phòng trị sâu đục củ hay sản xuất khoai theo tiêu chuẩn GlobalGAP hiệu quả, tỉnh cần nhân rộng để người dân có thể tiếp cận, đối chứng hiệu quả. Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm trong thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ,… “Thời gian qua, đã đưa máy vun giồng vào thử nghiệm nhưng không mang lại kết quả. Nông dân ở đây xưa giờ trồng khoai lang giồng ngang cho năng suất cao hơn, trong khi máy chỉ vun được giồng xuôi nên người dân không đồng ý áp dụng rộng rãi.”- ông Phạm Minh Thiện cho biết khó khăn về khâu cơ giới.

Khẳng định khoai lang Bình Tân rất có tiềm năng về nhiều mặt, kể cả du lịch, bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân đề xuất, cần nghiên cứu tạo những điểm mua bán khoai lang quảng bá hình ảnh kết hợp du lịch sinh thái. “Bến Tre có dừa, họ chế biến rất nhiều thứ, trong khi tiềm năng khoai lang Bình Tân không thua kém. Khoai lang có thể chế biến nhiều món như khoai lang chiên, bánh khoai lang, đặc biệt bột khoai lang được các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản rất ưa chuộng nên cần khai thác sâu thế mạnh”.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm cho biết, ngành cũng đang nghiên cứu đề xuất các phương án quảng bá hình ảnh khoai lang như tổ chức lễ hội khoai lang, du lịch tham quan vùng trồng khoai lang… Tuy nhiên, để ổn định sản xuất, trước mắt ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không nên trồng khoai lang ồ ạt khi thị trường tiêu thụ còn bấp bênh. Địa phương nên có lịch thời vụ sản xuất rải đều trong năm, không xuống giống diện tích lớn tập trung trong cùng thời điểm, cân đối tỷ lệ các giống khoai, nhất là không nên trồng quá nhiều khoai lang tím Nhật. Đặc biệt, không sử dụng hom giống đã canh tác nhiều vụ, thực hiện việc luân canh giữa trồng khoai lang với lúa hoặc cho đất có thời gian nghỉ giữa 2 vụ và áp dụng các biện pháp tổng hợp trong canh tác khoai.

 

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT: Sản xuất khoai lang chưa bền vững vì lượng khoai phần lớn, trong khi thị trường chủ yếu xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, không có hợp đồng chắc chắn. Đặc biệt, các thương lái nước ngoài luôn có sự thay đổi về quy cách thu mua làm cho người dân thiếu thông tin về giá cả, không hiểu về nhu cầu thị trường. 

Ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ cũng cho biết, thời gian qua đã phối hợp các đơn vị thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu chế biến khoai lang. Và tới đây, từ những đề tài sẽ cho ra các sản phẩm từ bột khoai lang như bánh phồng tôm, rượu khoai lang…

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh