Trong chuyến khảo sát (lần thứ 2) nhằm triển khai nghiên cứu các dự án khả thi ứng dụng công nghệ cấp đông trong bảo quản sau thu hoạch nông- thủy sản, khả năng đầu tư nhà máy bảo quản nông- thủy sản tại Vĩnh Long và làm đầu mối thu mua nông- thủy sản để xuất khẩu được các nhà đầu tư Nhật Bản hướng đến.
[links(left)]
Trong chuyến khảo sát (lần thứ 2) nhằm triển khai nghiên cứu các dự án khả thi ứng dụng công nghệ cấp đông trong bảo quản sau thu hoạch nông- thủy sản, khả năng đầu tư nhà máy bảo quản nông- thủy sản tại Vĩnh Long và làm đầu mối thu mua nông- thủy sản để xuất khẩu được các nhà đầu tư Nhật Bản hướng đến.
Bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch tạo giá trị gia tăng cho nông sản hàng hóa. Trong ảnh: Chuyên gia Nhật Bản cho rằng cần bảo quản tốt, chế biến nông sản để bán giá cao hơn. |
Theo ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, nông nghiệp và thủy sản đóng góp 34,76% tổng sản phẩm của tỉnh, đứng thứ hai sau ngành dịch vụ. Tổng giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản năm 2014 của tỉnh đạt trên 19.368 tỷ đồng, trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp gần 17.000 tỷ đồng, lâm nghiệp trên 108 tỷ đồng và thủy sản hơn 2.267 tỷ đồng.
Cụ thể ở lĩnh vực trồng trọt, diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt 180.207ha, năng suất 6 tấn/ha, sản lượng trên 1 triệu tấn. Diện tích rau màu cả năm 47.799ha, chủ yếu là cây thực phẩm với diện tích 30.798ha, khoai lang 11.051ha. Sản lượng rau màu cả năm đạt khoảng 958.915 tấn, trong đó sản lượng cây thực phẩm 575.551 tấn, khoai lang 343.166 tấn. Diện tích cây lâu năm 49.870ha, sản lượng 521.000 tấn; trong đó có 40.881ha cây ăn trái.
Riêng ở lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, toàn tỉnh có 115 trang trại và 744 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Diện tích nuôi thủy sản năm 2014 là 2.600ha, sản lượng đạt trên 100.000 tấn. Hiện toàn tỉnh có 196 cơ sở nuôi cá tra với diện tích 430ha. Sản lượng thu hoạch cá tra thâm canh đạt 82.260 tấn. Số lồng bè nuôi cá hiện có là 644 chiếc, trong đó có 453 chiếc đang thả nuôi chủ yếu là cá điêu hồng, sản lượng đạt 9.000 tấn.
Công ty Technican là một trong những doanh nghiệp Nhật Bản sử dụng công nghệ Tomin, cấp đông bảo quản nông- thủy sản. Với công nghệ này, đối tác Nhật Bản khẳng định sẽ đảm bảo được chất lượng nông sản sau rã đông, góp phần đem lại giá trị gia tăng cho nông sản hàng hóa một cách hiệu quả. Hướng đến việc đầu tư công nghệ bảo quản nông- thủy sau thu hoạch cũng như làm đầu mối xuất khẩu, đối tác Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến những loại hàng hóa nông- thủy sản đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 86,85ha cá tra nuôi thương phẩm được chứng nhận các tiêu chuẩn GAP, trong đó có 9 cơ sở được chứng nhận GlobalGAP/ASC, 3 cơ sở được chứng nhận VietGAP, 1 cơ sở nuôi theo BMP (thực hành nuôi tốt hơn). 2 trung tâm sản xuất giống được chứng nhận GlobalGAP với diện tích 6,3ha.
Đối với lúa, thời gian qua ngành nông nghiệp đã hỗ trợ chứng nhận 4 mô hình trồng lúa VietGAP với diện tích trên 130ha ở 4 xã: Mỹ Lộc (Tam Bình), Tân Long (Mang Thít), Tân An Luông (Vũng Liêm), Long An (Long Hồ). Trường Đại học Cần Thơ cũng đã hỗ trợ 1 mô hình ở xã Xuân Hiệp (Trà Ôn) với diện tích 50ha.
Đến nay, 15ha khoai lang và 13ha xà lách xoong được chứng nhận VietGAP. Riêng cây ăn trái, 3 loại cây đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP như: chứng nhận VietGAP 6ha xoài tứ quý, 15ha chôm chôm, chứng nhận GlobalGAP cho 20ha bưởi Năm Roi.
Tại buổi tiếp xúc, ông Tomono Yasuo- đại diện Công ty Tư vấn Mitsui Consultants Co., Ltd (Nhật Bản) đề cập đến các điều kiện để doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh mặt hàng nông- thủy sản ở Vĩnh Long như trình tự thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy, thuê đất, điều kiện hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, giao thông, tuyển lao động,…
Trước mắt, để hoàn tất các nội dung khảo sát nhằm tranh thủ nguồn viện trợ đối với các dự án có thể triển khai tại Vĩnh Long, đơn vị tư vấn cần khoảng 4 tháng và 5- 6 lần khảo sát tiếp theo nhằm đánh giá cụ thể các điều kiện về kinh tế hộ nuôi trồng nông- thủy sản, số liệu phát triển nông nghiệp của Vĩnh Long trong tương quan với cả ĐBSCL, sản lượng hàng năm và thu nhập của nông dân, thực trạng lưu thông hàng hóa nông sản, biến động giá cả, tình trạng bảo quản, thất thoát sau thu hoạch, thị trường và chủng loại hàng hóa xuất khẩu, kể cả kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Vĩnh Long trong 10 năm tới.
Làm việc với các đối tác Nhật Bản về công nghệ bảo quản nông- thủy sản sau thu hoạch trước đây, ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh từng khẳng định, Vĩnh Long sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư phát triển tại Vĩnh Long cũng như các chính sách đặc thù để ưu đãi các nhà đầu tư thực hiện dự án. Đặc biệt, chế biến nông- lâm- thủy sản là một trong 8 lĩnh vực được tỉnh Vĩnh Long ưu đãi đầu tư.
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin