Theo dự án tổ chức hệ thống tiêu thụ lúa, gạo gắn với tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015- 2020, tỉnh sẽ tạo vùng liên kết của 4 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo của tỉnh với nông dân về tiêu thụ lúa gạo theo mô hình cánh đồng lớn. Năm 2015 xây dựng 3.300ha, đến năm 2020 xây dựng 13.800ha vùng nguyên liệu.
[links(left)]
Theo dự án tổ chức hệ thống tiêu thụ lúa, gạo gắn với tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015- 2020, tỉnh sẽ tạo vùng liên kết của 4 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo của tỉnh với nông dân về tiêu thụ lúa gạo theo mô hình cánh đồng lớn. Năm 2015 xây dựng 3.300ha, đến năm 2020 xây dựng 13.800ha vùng nguyên liệu.
Xây dựng vùng nguyên liệu giúp nông dân an tâm sản xuất hơn. |
Cần thiết phải xây dựng vùng nguyên liệu
Thời gian qua, tình hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo với nông dân của các DN tại địa phương đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong đó, xây dựng cánh đồng mẫu lớn hiện nay được nông dân hưởng ứng tích cực và nhân rộng do hiệu quả khá cao, năng suất lúa trong vùng dự án tăng 0,5 tấn/ha, lợi nhuận tăng 3,5- 4 triệu đồng/ha/vụ so với vùng ngoài dự án. Các DN kinh doanh xuất khẩu gạo cũng đã tham gia vào cánh đồng mẫu lớn như: Công ty CP Xuất nhập khẩu Vĩnh Long, Công ty Lương thực Vĩnh Long, Công ty CP Lương thực- Thực phẩm Vĩnh Long. Tuy nhiên, nguồn tài chính của các DN có hạn chế, diện tích bao tiêu còn thấp so với diện tích cánh đồng lớn của tỉnh đã xây dựng và hàng năm vào các mùa vụ chính tình trạng nông dân khó tiêu thụ lúa, hàng hóa, mất giá đã xảy ra. Trong khi đó, dự đoán nhu cầu xuất khẩu đến 2020 sẽ tiếp tục tăng nhưng có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước về chất lượng gạo và giá cả.
Để chia sẻ rủi ro giữa DN và nông dân, lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo đã được đưa ra. Theo đó, bắt đầu từ tháng 3/2015, DN xuất khẩu phải có vùng nguyên liệu riêng phục vụ cho hoạt động kinh doanh đơn vị mình. Theo lộ trình, Vĩnh Long có 4 DN xuất khẩu gạo tham gia tạo vùng liên kết với nông dân về tiêu thụ lúa gao theo mô hình cánh đồng mẫu lớn là: Công ty CP Xuất nhập khẩu Vĩnh Long, Công ty Lương thực Vĩnh Long, Công ty CP Lương thực- Thực phẩm Vĩnh Long, Công ty CP thương mại Hồng Trang. Đồng thời, sẽ xây dựng mô hình thí điểm sản xuất tiêu thụ tại Trà Ôn, Tam Bình; năm 2015 xây dựng 3.300ha, đến năm 2020 xây dựng 13.800ha vùng nguyên liệu.
Lộ trình nhằm tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo; góp phần thực hiện định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn hoạt động chế biến, kinh doanh, tiêu thụ, xuất khẩu gạo của thương nhân với hoạt động sản xuất lúa của nông dân; góp phần nâng cao chất lượng, giá trị lúa gạo hàng hóa, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh lúa gạo của tỉnh còn gặp không ít khó khăn. Sản xuất còn mang nặng tính tự phát, thiếu liên kết giữa các DN và người sản xuất, các DN trong tỉnh, trong vùng gần như mua bán trôi nổi, thông qua thương nhân, chưa đầu tư tạo vùng nguyên liệu ổn định, nhất là các sản phẩm nông sản của tỉnh có tính cạnh tranh cao, làm cho sản xuất khó phát triển, thiếu bền vững, thu nhập của nông dân bấp bênh; các đơn vị sản xuất kinh doanh chưa quan tâm đến vấn đề xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại; vấn đề mua lúa, gạo thông qua hợp đồng ký với người sản xuất chưa nhiều, chủ yếu thực hiện ở cánh đồng mẫu lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong việc thực hiện liên kết và tiêu thụ lúa gạo cần đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người sản xuất và tiêu thụ, đồng thời mời gọi thêm các DN kinh doanh lúa gạo nội địa tham gia xây dựng vùng nguyên liệu, thực hiện liên kết, tiêu thụ lúa gạo trong nông dân. Về hình thức thu mua lúa, nhiều DN đồng tình với hình thức thu mua qua thương nhân rồi bán lại cho DN, bởi bản thân DN không đủ nguồn nhân lực thực hiện việc này và nếu thực hiện cũng phải tốn thêm chi phí như qua thương lái. Theo ông Lê Tuấn- Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Vĩnh Long, cần quan tâm hơn đến khâu đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Cần có chính sách kêu gọi DN đầu vào đầu tư để hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó cần kêu gọi thêm DN tiêu thụ nội địa có tiềm năng. Ngân hàng cũng cần có chính sách ưu đãi hơn đối với các DN tham gia chuỗi liên kết.
Ông Nguyễn Thái Tuấn- Phó Giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long cho biết: Năm 2015, công ty được giao xây dựng 800ha vùng nguyên liệu, mỗi năm sẽ tăng thêm 500ha và đến năm 2020 tổng diện tích vùng nguyên liệu xây dựng là 5.200ha. Thời gian qua, công tác thu mua lúa còn gặp khó do chưa xây dựng được chuỗi thu mua như tổ hợp tác thu mua, thương lái đến tận nông dân. Đồng thời, giá cả DN đưa ra khi thu mua còn chưa thật sự hợp lý so với thị trường.
Ông Đinh Văn Vũ- Phó Giám đốc Công ty Phân bón Cửu Long cũng trình bày: Tình hình tiêu thụ liên kết sản xuất trong tỉnh còn gặp khó, DN nhiều lần cùng HTX chia sẻ, thương thảo tuy nhiên vẫn bế tắc. Là đơn vị sản xuất của tỉnh nhà nên DN mong muốn được tham gia chuỗi liên kết, mong muốn các DN khác, hệ thống tổ chức dự án liên hệ với nhà máy với vay trò nhà đầu tư. Điều này sẽ rất có lợi cho đôi bên và người dân. Công ty cam kết sẽ có giá rẻ hơn thị trường và 3 tháng mới thu hồi vốn.
Đại diện Công ty CP thương mại Hồng Trang cũng đưa ra ý kiến: Thời gian qua, việc liên kết với HTX còn yếu, việc đầu tư trang thiết bị của DN còn yếu chưa đáp ứng tiềm năng của nguồn nguyên liệu. Đồng thời, tình trạng DN lẫn nông dân “bẻ kèo” cũng cần được quan tâm. Do đó, thời gian tới, kiến nghị ngành chức năng cần có chế tài đối với DN và nông dân để thực hiện theo đúng hợp đồng, mong muốn HTX cùng DN thực hiện vùng nguyên liệu.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo là rất cần thiết. Như vậy, nông dân có thị trường tiêu thụ ổn định hơn, yên tâm tập trung sản xuất hàng hóa chất lượng theo đơn đặt hàng. DN sẽ chủ động được nguồn hàng, an tâm về chất lượng khi xuất khẩu. Điều này rất cần sự vào cuộc của các ban ngành có liên quan, sự hợp tác có hài hòa lợi ích giữa nông dân và DN.
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin