Tại hội nghị sơ kết quý I/2015 do Tỉnh ủy tổ chức mới đây, có 2 vấn đề khó khăn nổi lên rất cần có một giải pháp để tháo gỡ là vấn đề tiêu thụ lúa trong dân và đẩy mạnh chỉ tiêu xuất khẩu.
[links(left)]
Tại hội nghị sơ kết quý I/2015 do Tỉnh ủy tổ chức mới đây, có 2 vấn đề khó khăn nổi lên rất cần có một giải pháp để tháo gỡ là vấn đề tiêu thụ lúa trong dân và đẩy mạnh chỉ tiêu xuất khẩu.
Tiêu thụ lúa tiếp tục gặp khó
Tỉnh cần có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ lúa hàng hóa trong dân. Ảnh: THANH TÂM |
Về việc tiêu thụ lúa, tuy có chủ trương thu mua tạm trữ của Chính phủ nhưng Vĩnh Long cũng đang gặp khó trong quá trình triển khai. Theo ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Công thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã phân bổ cho 4 doanh nghiệp trong tỉnh và 1 chi nhánh của tỉnh Cà Mau thu mua lúa tạm trữ trên địa bàn tỉnh. Tổng số chỉ tiêu được giao là 46.600 tấn lúa quy gạo. Qua quá trình tổ chức thực hiện thì 5 doanh nghiệp không tiếp cận được vốn. Do vậy, Sở Công thương đề nghị phân giao lại chỉ tiêu cho các doanh nghiệp và hiện tại trên địa bàn tỉnh chỉ còn 3 doanh nghiệp tham gia mua lúa tạm trữ với chỉ tiêu là 29.000 tấn, trong đó mua ngoài tỉnh là 15.000 tấn và mua trong tỉnh 14.000 tấn. Các doanh nghiệp hứa đến ngày 5/4 sẽ hoàn thành việc thu mua lúa tạm trữ theo số lượng được giao. Điểm tập trung mua là trên những cánh đồng lớn để giải quyết theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên, với chỉ tiêu 14.000 tấn được giao, nếu so với lượng lúa hàng hóa của tỉnh khoảng 330.000 tấn thì chưa tới 10%, do đó việc tiêu thụ lúa hàng hóa trên địa bàn tỉnh sẽ còn rất khó.
Theo đánh giá, hiện nay lượng lúa tồn trong dân rất lớn. Hiện, Sở Công thương tỉnh đã liên hệ với các tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ đề nghị hỗ trợ qua hệ thống thương lái tập trung mua để giải quyết lượng lúa tồn trong dân.
Đóng góp thêm về việc tiêu thụ lúa, Bí thư Huyện ủy Mang Thít Nguyễn Thanh Liêm cho biết, mấy năm nay trên địa bàn huyện Mang Thít giống IR 50404 (hay người dân còn gọi là lúa gà) được người dân rất ưa chuộng. Bởi lẽ, sau khi thu hoạch, tiêu thụ lúa này rất dễ, giá cả ổn định, sản xuất bao nhiêu cũng tiêu thụ hết mặc dù giống lúa này được khuyến cáo hạn chế sản xuất vì chất lượng thấp. Theo ông, thậm chí thương lái còn hứa với nông dân cứ sản xuất họ sẽ bao tiêu. Lúa chất lượng cao, được khuyến cáo trồng khi thu hoạch thì khó tiêu thụ trong khi lúa chất lượng thấp tiêu thụ dễ, giá cao. Thực tế này đang gây không ít khó khăn cho huyện trong việc vận động người dân sản xuất lúa chất lượng cao trong cánh đồng mẫu.
Ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, trong năm 2014, việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang gặp khó về việc tiêu thụ đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp. Tình trạng tới kỳ thu hoạch trúng mùa rớt giá vẫn còn diễn ra, việc liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ vẫn chưa thực hiện được.
Ông đề xuất, hiện nay nếu muốn chắc ăn trong việc tiêu thụ lúa ở cánh đồng mẫu lớn thì phải có doanh nghiệp liên kết với nông dân. Hiện nay, Sở Nông nghiệp- PTNT cũng đang gặp khó nếu làm theo bộ và khi nông dân thực hiện không có hiệu quả thì họ phê bình mình, nếu không làm theo bộ thì mình cũng bị phê bình. Theo quy định của Bộ Nông nghiệp- PTNT, việc sản xuất lúa chất lượng thấp tùy theo mùa vụ có thay đổi nhưng ở vụ Đông Xuân thì không vượt quá 30%, còn vụ Hè Thu thì không quá 10%, tuy nhiên trên thực tế do người dân làm có hiệu quả nên diện tích sản xuất các loại giống lúa này có cao hơn quy định.
Ông Phan Nhựt Ái đề xuất thêm, tới đây trong cánh đồng mẫu lớn khi sở đầu tư làm mô hình thì sở phải đầu tư giống chất lượng cao. Sau đó, người dân tự thực hiện theo quy trình cánh đồng lớn, lúc đó sở chỉ yêu cầu người dân làm đúng quy trình kỹ thuật nghĩa là sử dụng giống xác nhận, áp dụng khoa học kỹ thuật và liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ. Trong đó, nông dân cảm thấy doanh nghiệp nào ký kết với họ giống lúa đó có hiệu quả thì người dân có quyền ký kết với doanh nghiệp đó.
Gian nan với chỉ tiêu xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt thấp. Ảnh: VINH HIỂN |
Tình hình xuất khẩu của quý I/2015 gặp rất nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 52 triệu USD, giảm 11,7% so cùng kỳ.
Ông Nguyễn Minh Tho nhớ lại, trong thực hiện chỉ tiêu này từ năm 2010- 2014 thấy, đỉnh điểm của năm 2012 chỉ tiêu xuất khẩu của tỉnh đạt 412 triệu USD và nằm trong 10 sự kiện tiêu biểu của tỉnh. Nhưng kể từ đó trở đi, chỉ tiêu đó bắt đầu tụt dốc xuống còn 334 triệu USD (năm 2013) và 283 triệu USD (năm 2014). Theo ông Nguyễn Minh Tho, năm 2015 chúng ta phải xuất khẩu đạt 330 triệu USD và tới giờ này chúng ta chỉ đạt 52 triệu USD.
Điểm đáng lưu ý trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, thường có 2 mặt hàng chủ lực là gạo và thủy sản thường chiếm trên 50%, nhưng trong quý I/2015 gạo và thủy sản chỉ đạt có 3 triệu USD (khoảng 5,6%).
Nguyên nhân về nội lực của 4 doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì đang gặp khó, nội lực của 4 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang rất cần vốn. Theo thông tin từ Sở Công thương, trong 4 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hiện đã ngưng hết 3 doanh nghiệp, chỉ còn 1 doanh nghiệp nhưng từ đầu năm tới nay chưa xuất được chuyến nào vì không có hợp đồng.
Theo cảnh báo của ngành công thương, về xuất khẩu trong năm 2015 mục tiêu đạt 330 triệu USD là rất khó khăn. Khả năng 2 ngành này bật dậy trong 2 quý tới là rất khó. Nếu có giải pháp lâu dài thì trong quý IV hoặc sang năm 2016 thì 2 mặt hàng này mới có thể phục hồi.
BÙI THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin